Hà Giang (32 tuổi, nhân viên tại một công ty dược phẩm tại quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ hàng năm, gia đình cô dành 30 triệu đồng cho dịp Tết. Tuy nhiên, có những năm đỉnh điểm gia đình cô chi 45 triệu đồng cho mùa Tết vì tổ chức khao thọ cho bố mẹ chồng. Vào dịp Tết, vợ chồng Hà Giang sẽ chi tiêu nhiều hơn 50% so với các tháng bình thường.
Các khoản chi tiêu cho mùa Tết của vợ chồng Hà Giang như sau:
- Tiền lì xì bố mẹ, họ hàng và đồng nghiệp: 10 triệu đồng.
- Tiền mua đồ Tết cho gia đình 2 bên: 5 triệu đồng.
- Mua đồ Tết biếu bố mẹ, người thân: 5 triệu đồng
- Mua thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả: 5 triệu đồng.
- Tiền quần áo mới cho các con và dự phòng chi phí phát sinh: 5 triệu đồng.
Được biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng Hà Giang là 26 triệu đồng/tháng. Cặp đôi nhận được thưởng Tết là 30 triệu đồng. Về số tiền thưởng Tết, họ dành một phần để chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán và một phần để tiết kiệm.
“Không quan trọng tiền thưởng Tết là bao nhiêu, vợ chồng mình chỉ trích đúng 10 triệu đồng từ khoản thưởng để chi tiêu cho Tết. Còn lại bao nhiêu thì mình sẽ gửi tiết kiệm hoặc mua vàng. Về tiền mừng tuổi của 2 con là 4 triệu, thông thường vợ chồng mình sẽ tặng thêm 2 đứa một khoản để ra Tết mua tặng con 1 chỉ vàng”, Hà Giang nói về kế hoạch phân bổ tiền tiêu cho mùa Tết nguyên đán của hai vợ chồng.
Đáng khen hơn ở 1 điểm là năm nào vợ chồng Hà Giang cũng chuẩn bị đủ 30 triệu đồng để chi tiêu Tết từ nửa đầu năm, để giảm bớt gánh nặng tài chính cho những ngày cuối năm.
Hà Giang chia sẻ, về khoản mua thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả cho ngày Tết thì họ sẽ cố gắng mua tối giản, tức là mua vừa đủ, chứ không phải sắm quá nhiều để rồi phải bỏ đi lãng phí. Bởi lẽ, vào ngày Tết, họ thường xuyên cần đi chúc Tết nhà họ hàng nên việc tích trữ quá nhiều đồ ăn có thể gây lãng phí nếu không dùng đến.
Cô nàng chia sẻ: “Bánh kẹo và hoa quả mình không mua quá nhiều. Còn thực phẩm tươi sống thì mình chỉ mua đủ dùng trong 3 ngày. Bánh chưng cũng không gói quá nhiều vì năm nào cũng xảy ra tình trạng thừa, bỏ đi rất lãng phí.
Ngoài ra, bước sang tháng 12 thì mình thường săn sale và mua dần những đồ cần thiết như bánh kẹo và đồ khô. Như thế, mình tránh đến sát Tết nhiều việc dễ bị thiếu sót và giá cả lúc mua sắm cũng sẽ chênh lệch với hiện tại khá nhiều”.
Còn về khoản chi tiêu mua đồ decor nhà và quần áo cho gia đình 4 người, vợ chồng Hà Giang cũng áp dụng nguyên tắc mua đồ chất lượng, hạn chế mua đồ mới khi đồ cũ vẫn còn tận dụng được.
“Đồ decor Tết, bát đĩa thì mình mua đồ chất lượng để có thể tái sử dụng cho năm sau. Về hai con thì mình ưu tiên mua đồ mới diện Tết cho bé theo từng năm. Tuy nhiên, hai bố mẹ thì dùng lại đồ cũ. Chỉ riêng mùng 1 Tết vợ chồng có thể diện đồ mới, còn lại hàng năm mình diện áo dài, còn chồng diện vest đã được mua từ những năm trước. Bên cạnh đó, mình ít khi mua đồ gia dụng mới trong Tết vì cảm thấy không cần thiết, cần tiết chế số lượng để duy trì sự gọn gàng cho nhà cửa", cô nàng cho hay.
Hà Giang chia sẻ, trước đây khi mới kết hôn, cân đối chi tiêu cho những ngày cuối năm chưa bao giờ là việc dễ dàng với gia đình cô. Đã từng có mấy năm liền, Hương Giang cảm thấy ám ảnh với tính toán tiền nong cho Tết vì nhìn đâu cũng thấy chỗ cần tiêu tiền.
Hà Giang nhớ lại: “Mình thường bị vỡ kế hoạch, số tiền chi ra vượt hạn mức dự trù. Bởi vì chúng mình thường có những khoản tiêu Tết một cách ngẫu hứng, chẳng hạn như khi mình đi hội chợ, hoặc vào trung tâm thương mại,... Sau đó, mình lại không đưa những khoản mục này vào bảng kế hoạch. Thế nên qua mùa Tết, dù mình biết thường tiêu hoang hơn dự kiến, nhưng không biết đã tiêu quá tay ở chỗ nào”.
Tuy nhiên, từ khi có con, Hà Giang học cách chi tiêu cho Tết hiệu quả hơn. Cô mua sắm đồ Tết tối giản, chỉ sắm những thứ thực sự cần. Với Hà Giang, cách mua sắm này không chỉ tiết kiệm tiền mà còn giúp gia đình không mua quá nhiều đồ làm tốn không gian sống, hoặc sau đó cần bỏ đi lãng phí. Bên cạnh đó, cô sẽ lên danh sách để mua đồ, tránh theo hiệu ứng đám đông, hoặc tâm lý thấy mình dư dả nếu như năm đó tiền thưởng Tết của hai vợ chồng cao hơn.
Sau cùng, Hà Giang đồng tình với việc tính toán tiền nong cho ngày Tết có thể gây áp lực tài chính cho mọi gia đình. “Tuy nhiên, mình nghĩ có 1 cách hiệu quả là mọi người để dành riêng một khoản cho Tết từ trước, đến thời điểm cuối năm thì chỉ việc lấy ra tiêu. Như gia đình mình luôn tích lũy đủ một khoản tiêu Tết từ nửa đầu năm. Bên cạnh đó, xu hướng mọi người ăn Tết đang ngày càng đơn giản. Bạn cũng nên tối giản các khoản mua sắm để tránh áp lực cho những ngày cuối năm này”, cô nàng bày tỏ.