* Câu chuyện được chia sẻ bởi chị Thu Thảo, 46 tuổi ở Hà Nội.
Càng có tuổi tôi càng nhận ra rằng dường như những năm gần đây, ngày Tết không còn cái sự háo hức, mong đợi như ngày xưa nữa.
Tôi còn nhớ hồi bé, có khi từ trước Tết cả tháng trời tâm trí đã lúc nào cũng chỉ nghĩ đến nghỉ Tết rồi. Ban đầu tôi còn cho rằng chắc là mình lớn tuổi rồi nên không còn nhiều mặn mà với Tết nữa nhưng đám con cháu nhà tôi dường như cũng như vậy.
Có quá nhiều lý do để người ta càng ngày càng e ngại Tết.
1. Áp lực kinh tế: Chi phí cho dịp Tết ngày càng cao, từ mua sắm, quà cáp, đến lì xì. Điều này tạo ra áp lực tài chính đối với nhiều gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hội nhập và biến động.
2. Thay đổi trong lối sống: Với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều người trẻ ưu tiên du lịch, trải nghiệm mới thay vì truyền thống đoàn tụ gia đình. Tết không còn là dịp duy nhất để gia đình quây quần bên nhau.
3. Công việc bận rộn: Nhiều người hiện nay phải làm việc xa nhà, thậm chí làm việc qua Tết, khiến họ không thể trở về nhà để ăn Tết cùng gia đình.
4. Thế hệ trẻ và văn hóa toàn cầu: Sự tiếp xúc với nền văn hóa toàn cầu khiến giới trẻ ít mặn mà hơn với các truyền thống, họ tìm kiếm những hình thức giải trí và kỷ niệm khác.
5. Sự thuận tiện của công nghệ: Công nghệ giúp con người liên lạc với nhau mọi lúc mọi nơi, làm giảm đi sự đặc biệt của việc về nhà đoàn tụ trong dịp Tết.
6. Sự thay đổi trong quan niệm và giá trị: Một số người có thể xem Tết như một thời gian cho sự nghỉ ngơi và thư giãn thay vì nhấn mạnh các nghi lễ truyền thống.
Vì muốn gia đình giữ được những cảm xúc thiêng liêng của ngày Tết đoàn viên nên tôi đã có những thay đổi trong việc chuẩn bị cho ngày Tết và sau 5 năm thay đổi, tôi nhận ra rằng cứ cái Tết nào càng chi tiêu ít tiền thì cái Tết đó lại càng vui.
Trong 2 năm đầu tiên, tôi đã để ra 20 triệu để chi tiêu cho toàn bộ những việc liên quan đến Tết và chia ra làm 4 khoản, mỗi khoản 5 triệu đồng.
1. Khoản chi cho ăn uống của cả nhà.
2. Khoản mua sắm trang trí nhà cửa.
3. Khoản đi du xuân, đi chơi ngày Tết.
4. Khoản mừng tuổi con cháu, họ hàng.
Trước đó, đã từng có năm tôi cho rằng ăn Tết càng to thì lại càng vui, càng hân hoan. Tôi không tiếc tiền chi cho ngày Tết, có năm hết Tết rồi ngồi tính lại thấy mình tiêu hết cả 60 triệu đồng. Nhà thì không đông đúc gì, có mỗi 2 vợ chồng tôi, 2 vợ chồng thằng lớn, đứa con gái út và 2 thằng cháu nội thôi.
Khoản 5 năm trước thì kinh tế khó khăn hơn 1 chút, tôi bàn với cả nhà Tết tiết kiệm chút và sau 2 năm đầu đó, tôi cảm thấy mọi thứ đều rất ổn, không thiếu thốn cái gì, mọi thứ đủ đầy. Thế là sang năm thứ 3 tôi quyết định cắt giảm thêm 1 chút nữa xem sao.
Từ năm thứ 3 này, tôi chỉ để ra 15 triệu để tiêu Tết và chia thành 3 khoản thay vì 4 khoản như trước.
1. Khoản chi cho các loại thực phẩm Tết: 5 triệu đồng.
2. Khoản chi cho đồ cúng, đồ bày biện nhà cửa: 5 triệu đồng.
3. Khoản chi mừng tuổi, du xuân: 5 triệu đồng.
Và cho đến hiện tại, tôi vẫn áp dụng kế hoạch chi tiêu Tết này cho đại gia đình mình. Năm nay, tôi dự định vẫn sẽ chi như vậy nhưng sẽ chủ động mua sắm 1 số đồ để được lâu sớm hơn 1 chút và lên danh sách đồ phải sắm chi tiết hơn để đỡ thiếu cái này cái kia, sát Tết mua cái gì cũng đắt đỏ hơn.
Chi tiêu ít đi đồng nghĩa với nhiều thứ sẽ đơn giản hơn, tôi có nhiều thời gian nghỉ ngơi và chăm chút cho con cháu cũng như sắp xếp lại nhiều thứ trong nhà. Tết vui, không áp lực tiền bạc, con cái không cần lo chuyện phải biếu bố mẹ thì tự nhiên mọi người đều vui vẻ cả. Ăn uống đơn giản vừa phải nên không thừa mứa, đến bữa vẫn thấy muốn ăn chứ không phải ngấy đến tận cổ.
Quả thật, ở cái tuổi 46, tôi thấy càng chi tiêu ít tiền, Tết lại càng vui!