Gia đình 4 người cùng mắc tiểu đường
Mới đây, Phòng khám Đa khoa Medlatec cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân P.T.L (57 tuổi, sống tại Nghệ An) đến khám để kiểm tra nguy cơ biến chứng tiểu đường.
Qua khai thác tiền sử, bà L cho biết bản thân được chẩn đoán và điều trị đái tháo tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu 16 năm.
Bệnh nhân đã phải phẫu thuật thay thủy tinh thể do biến chứng mắt của đái tháo đường. Năm 2020, bệnh nhân tăng huyết áp và tổn thương thận cấp.
Về phía gia đình, mẹ bà L cũng mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đột quỵ não (đã mất). Anh trai và em trai bà L cũng mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.
Theo bà L, con gái bà cũng bị rối loạn dung nạp đường huyết trong lúc mang thai, nguy cơ đái tháo đường, được tư vấn theo dõi.
Như vậy, gia đình bà L chính thức có 4 người được chẩn đoán tiểu đường, đó là bà L, mẹ của bà, anh trai và em trai của bà.
Bệnh nhân L đã điều trị thuốc theo đơn bảo hiểm tại một bệnh viện, có tái khám hàng tháng, nhưng ít được làm các xét nghiệm theo dõi biến chứng đái tháo đường và tăng huyết áp.
Lần đi khám sức khoẻ này, bà đã tới Phòng khám Đa khoa Medlatec để kiểm tra nguy cơ biến chứng. Kết quả khám, bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân biến chứng thận do đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Bác sĩ Võ Thị Lê - Chuyên khoa Nội, Phòng khám Đa khoa Medlatec Nghệ An - cho biết bệnh nhân L có nguy cơ mắc bệnh do yếu tố gia đình (có mẹ ruột, anh và em trai cùng bị bệnh).
Đái tháo đường type 2 là bệnh có khả năng di truyền, một phần là di truyền gen và 1 phần là do trẻ được chăm sóc với thói quen ăn uống, tập luyện không hợp lý từ bố mẹ.
Trường hợp của bệnh nhân L vừa có yếu tố di truyền liên quan đến gen, vừa có yếu tố lối sống và chế độ ăn trong gia đình, bác sĩ Lê nói.
Theo bác sĩ Lê, với trường hợp bệnh nhân L, cần ưu tiên nhóm thuốc ức chế SGLT-2 nhằm mục tiêu bảo vệ cầu thận, giảm biến cố tim mạch. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được tư vấn về chế độ ăn và tập luyện.
Sau điều trị, các chỉ số xét nghiệm của bà L đã trở về ngưỡng bình thường.
Vì sao đái tháo đường dễ gây biến chứng thận?
Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó có hơn 55% bệnh nhân có biến chứng và biến chứng thận chiếm tới 24% số người mắc.
Bác sĩ Lê cho hay tăng đường huyết mạn tính không được kiểm soát sẽ gây tổn thương thận mạn tính và làm giảm mức lọc cầu thận từ từ, có nguy cơ tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu hoặc ghép thận.
Ngoài ra, đường huyết cao còn là nguyên nhân gây các bệnh lý nguy hiểm khác như võng mạc, thần kinh, tim mạch, từ đó làm tăng nguy cơ đau ngực, nhồi máu cơ tim...
Người được chẩn đoán mắc đái tháo đường cần phải theo dõi khám định kỳ để phòng ngừa những biến chứng về thận, tim mạch, mắt, bàn chân…