Đồng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác đã trải qua một năm 2021 với nhiều biến động mạnh. Có lúc, giá Bitcoin đã tăng lên mức kỷ lục 69.000 USD nhưng sau đó lại giảm giá mạnh, có thời điểm chỉ còn ở mốc 29.000 USD.
Sang năm 2022, đồng Bitcoin và thị trường tiền mã hóa tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi các chính sách về pháp lý ngày càng được kiểm soát, thắt chặt.
Nếu so với giá kỷ lục hơn 69.000 USD đạt được trong nửa đầu tháng 11/2021, hiện mỗi đồng Bitcoin đã bốc hơi gần 40% (Ảnh: ABC)
Tại phiên giao dịch ngày 6/1, giá Bitcoin (BTC) đã giảm sâu, có lúc xuống dưới 42.000 USD/1 BTC, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 12.
Nội dung cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng lo ngại về tình trạng lạm phát gia tăng và khả năng sẽ nâng lãi suất vào tháng 3 năm nay.
Bóng mây u ám vẫn chưa được xua tan trên thị trường tiền số khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang, lo lắng "một mùa đông Bitcoin" đang gần đến?
Giá Bitcoin đang biến động mạnh trong thời gian gần đây, điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng rằng trạng thái "mùa đông tiền số" sẽ xuất hiện.
"Mùa đông Bitcoin" là thuật ngữ dùng để chỉ khoảng thời gian mà giá của hầu hết tất cả các loại tiền điện tử giảm mạnh. Khi đó, thị trường dường như sụp đổ và không thể phục hồi trong một thời gian dài. Đây được xem là khoảng thời gian tăm tối nhất của thị trường.
Giai đoạn "mùa đông Bitcoin" gần nhất diễn ra cuối năm 2017, đầu năm 2018, khi giá Bitcoin tăng gần 20 lần - lên gần 20.000 USD, nhưng sau đó lao dốc về còn một nửa và không thể quay lại mức đỉnh trong suốt vài năm (Ảnh: 123rf)
Các chuyên gia cho rằng, giá Bitcoin trong năm 2022 rất khó đoán. Đồng Bitcoin vẫn là một tài sản rủi ro và có tính đầu cơ cao, giá cả vẫn còn nương nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư. Một số chuyên gia thậm chí còn cảnh báo Bitcoin có thể trải qua một "cú rơi" trong những tháng tới.
Bà Carol Alexander - giáo sư tài chính tại Đại học Sussex - cho rằng Bitcoin sẽ rơi xuống 10.000 USD/đồng vào năm 2022, xóa sạch mức tăng trong vòng hơn 1 năm qua, theo CNBC. Nữ chuyên gia tin tưởng lịch sử "bong bóng thị trường" sẽ lặp lại với tiền kỹ thuật số. Ví dụ, năm 2018, sau khi tăng vọt lên mức cao gần 20.000 USD trong vài tháng, Bitcoin đã hạ giá còn 3.000 USD.
"Nếu là một nhà đầu tư, tôi sẽ nghĩ đến việc bán Bitcoin. Vì giá có thể giảm vào năm sau", bà khẳng định. Đồng thời cho rằng Bitcoin "không có giá trị cơ bản" và giống "món đồ chơi hơn một khoản đầu tư".
Carol Alexander - giáo sư tài chính tại Đại học Sussex - cho rằng Bitcoin sẽ rơi xuống 10.000 USD/đồng vào năm 2022, xóa sạch mức tăng trong vòng hơn 1 năm qua (Ảnh: Alamy)
"Khi các nhà đầu tư bán lẻ bắt đầu nhận ra mối nguy hiểm của giao dịch Bitcoin, đặc biệt là trên các kênh không được kiểm soát, họ sẽ chuyển sang các loại tiền blockchain khác, vốn thực sự đóng một vai trò thiết yếu và cơ bản trong tài chính phi tập trung (DeFi)", bà đưa ra nhận định."Tôi cho rằng vào thời điểm này năm sau, giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin chỉ bằng một nửa tổng vốn hóa của các đồng tiền hợp đồng thông minh như Ethereum, Solana, thậm chí ít hơn."
Trong khi đó, chiến lược gia Todd Lowenstein tại Bộ phận ngân hàng tư nhân của Union Bank, nhận xét những tiền lệ lịch sử sẽ sớm lặp lại.
"Không cần bàn cãi, biểu đồ giá của Bitcoin dường như đang diễn biến tương tự nhiều vụ vỡ bong bóng tài sản trong lịch sử. Câu 'lần này thì khác' cũng giống như là các bong bóng khác thôi", Todd Lowenstein - chuyên gia của Union Bank, bình luận.
Bên cạnh sự hoang mang, lo lắng của các nhà đầu tư tiền số, vẫn có không ít nhà đầu tư và chuyên gia tỏ ra lạc quan về triển vọng phục hồi của đồng tiền số lớn nhất thế giới.
"Tôi cho rằng giá Bitcoin sẽ đạt 100.000 USD/đồng trong năm nay, có thể vào giữa năm", ông Antoni Trenchev, nhà sáng lập công ty cho vay tiền mã hóa Nexo, đưa ra nhận định về giá của Bitcoin trong năm 2022. Theo trang web của Nexo, công ty đã cho vay hơn 6 tỷ USD tiền mã hóa và quản lý tài sản của hơn 2,5 triệu người dùng trên toàn cầu.
Vẫn có không ít nhà đầu tư và chuyên gia tỏ ra lạc quan về triển vọng phục hồi của thị trường tiền số (Ảnh: Executium)
Theo CNBC, nhà sáng lập công ty cho vay tiền mã hóa Nexo chỉ ra 2 lý do ông cho rằng giá Bitcoin sẽ tăng mạnh trong năm nay. Thứ nhất, ngày càng nhiều tổ chức dành sự chú ý cho tiền mã hóa. Các công ty như MicroStrategy và Square đã mua một lượng lớn Bitcoin.
Ông Trenchev cũng cho rằng đồng tiền sẽ tiếp tục mất giá, điều này có thể giúp tiền mã hóa hưởng lợi.
Chuyên gia phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, ông Zach Pandl, cũng nhận định Bitcoin sẽ giành thị phần từ vàng trong năm 2022, giữa lúc các loại tài sản kỹ thuật số đang được sử dụng ngày càng phổ biến.
Chuyên gia này cho biết, Bitcoin hiện chiếm 20% tỷ trọng trong thị trường các tài sản lưu giữ giá trị, khi đồng tiền số này có giá trị vốn hóa 700 tỷ USD, so với khoảng 2.600 tỷ USD giá trị vốn hóa của vàng. Nếu thị phần của Bitcoin trên thị trường lưu trữ giá trị tăng lên mức 50% trong vòng 5 năm tới, giá tiền ảo này có thể lên mức hơn 100.000 USD.
Theo nhận định của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, dự báo mức giá 100.000 USD cho mỗi đồng Bitcoin mà những người ủng hộ tiền ảo đưa ra có khả năng sẽ trở thành hiện thực (Ảnh: Bermix, Unsplash)
Ông Pandl cho biết, Bitcoin có thể có nhiều ứng dụng khác chứ không chỉ đơn giản là một loại tài sản "lưu giữ giá trị" - thuật ngữ được dùng để mô tả các tài sản có thể duy trì giá trị của mình theo thời gian mà không bị mất giá, như các kim loại quý và một số đồng tiền.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chưa chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp nên người chơi sẽ không được pháp luật bảo vệ. Do đó, việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền mã hóa như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân vì chưa được pháp luật bảo hộ.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.