2 năm trở lại đây, truyền thông, báo chí trong và ngoài nước thường xuyên đăng tải thông tin về những bộ ảnh cảnh đẹp Việt Nam đoạt các giải thưởng tầm cỡ, hoặc tạo hiệu ứng viral trên MXH quốc tế. Cái tên Khánh Phan từ đó được công chúng biết đến nhiều hơn. Mới bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh từ 08/2017 nhưng những gì người phụ nữ này đã đạt được khiến ai cũng phải nể phục.
Chân dung nữ nhiếp ảnh gia sinh năm 1985 - Khánh Phan. Cô hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM
So với những tên tuổi lão làng trong nghề, Khánh Phan là một làn gió tươi mới. Những góc nhìn mang tính phát hiện kết hợp với nỗ lực không ngừng nghỉ của cô đã kết tinh thành các tác phẩm vừa xuất sắc về mặt nghệ thuật, vừa thoả mãn công chúng. Nếu là người thường xuyên dành thời gian tiếp nhận thông tin trên Internet, chắc chắn bạn không ít lần nhìn thấy những bức ảnh sau:
Bộ ảnh ngư dân biển An Hải (Phú Yên) tung lưới đánh cá từng được ca ngợi hết lời trên Daily Mail
“Incensing work” - top 50 bức ảnh đẹp nhất thế giới Agora Awards 2019
Bộ ảnh cỏ lác viral trên khắp các fanpage trong và ngoài nước
“Flower on the water” - bức ảnh đoạt loạt giải thưởng lớn nhỏ, chiến thắng hạng mục People giải SkyPixel 2019
“Children dancing with gongs” - bức ảnh đẹp nhất thế giới tại giải Golden Hour 2020
Trên đây là những tác phẩm nổi tiếng nhất của Khánh Phan, đã “chinh chiến” trên các cuộc thi nhiếp ảnh tầm cỡ và đoạt giải thưởng lớn, trở nên viral và được đăng tải trên các trang báo, fanpage quốc tế. Không chỉ dừng lại ở đó, suốt những năm rong ruổi khắp Việt Nam để thoả mãn đam mê, Khánh Phan còn hàng trăm bức ảnh đắt giá khác, số lượng giải thưởng đã chạm mốc 30, xuất hiện trên các tạp chí nước ngoài danh giá như Amateur Photography, Shape Of Color, Asiana Magazine, Wanderlust Magazine...
Cùng trò chuyện với nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan để hiểu hơn về hành trình cô theo đuổi nghề nhiếp ảnh, cũng như câu chuyện phía sau những tác phẩm ngoạn mục.
Theo đuổi nhiếp ảnh đến nay đã khoảng hơn 3 năm, chị có thể chia sẻ về lý do bắt đầu, và động lực để chị theo đuổi nghề?
Năm 2017, tôi gặp biến cố lớn trong cuộc sống và rơi vào tuyệt vọng. Lúc đó tôi đã dùng thấu chi tài khoản để mua một chiếc máy ảnh nhỏ, lang thang đi chụp hoa lá cho… đỡ buồn.
Từ duyên cớ này mà tôi nhận ra sự kỳ diệu của nhiếp ảnh: ghi lại những khoảnh khắc xinh đẹp trong cuộc sống, giúp cho người cầm máy yêu đời hơn. Khi tâm hồn hướng đến cái đẹp thì chúng ta không còn thời gian cho những điều tiêu cực nữa.
Sau này, khi đã có kha khá tác phẩm ưng ý, nhận được sự động viên từ các anh chị đi trước, tôi mạnh dạn gửi ảnh tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế, không ngờ đã giành được khá nhiều giải thưởng lớn. Những giải thưởng đầu tiên đã giúp tôi tin vào khả năng của bản thân và tạo động lực cho tôi theo đuổi đam mê này. Tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm thiết bị, tìm đến những sân chơi nhiếp ảnh lớn hơn và hợp tác với các cộng đồng trên thế giới. Từng bước, tôi đã đưa được tác phẩm của mình đến với nhiều người xem ảnh. Với tôi, phản hồi tích cực của người xem là niềm vui và là động lực cho tôi mỗi ngày để tiếp tục cố gắng hơn nữa.
Đâu là (những) giải thưởng/ lần vinh danh chị thấy tự hào nhất?
“Flower on the water” là bức ảnh tôi cảm thấy tự hào nhất. Đây là bức ảnh mang lại cho tôi nhiều may mắn với cơ số giải thưởng, huy chương từ các cuộc thi trên thế giới, trong đó vinh dự nhất là lần tôi được được đến Siena, Tuscany, Ý nhận giải Quả cầu vàng của Festival Siena. Hơn hết, bức ảnh này đã mở cho tôi nhiều cơ hội và mang đến cho tôi những người bạn tuyệt vời từ khắp nơi trên thế giới.
Còn nhớ đó là tháng 10/2018, tôi cùng 5 người bạn đến Long An để “săn” ảnh. Dự báo thời tiết trời sẽ gặp bão và giông gió mạnh. Trong khi các đồng nghiệp bỏ về hết thì tôi đã gan lỳ ở lại. Đêm đó tôi mất ngủ, nghe gió giật và mưa như trút từng đợt trên mái nhà nghỉ giữa rừng tràm. Sáng hôm sau, trời vẫn bão, từng khối mây đen ngòm tứ phía cuồn cuộn trên bầu trời. Lúc ấy tôi đã chớm thất vọng. Nhưng như một phép màu, đến 8h30 sáng, trời bỗng quang đãng và có nắng. Nhờ sự giúp đỡ của các cô chú trong vùng cùng với 2 người bạn rất nhiệt tình dù mới lần đầu gặp, tôi đã chụp được bức ảnh "Flower on the water" với mặt nước trong veo và phẳng lặng. Sau cơn bão, nắng rất trong và trời lặng gió. Mọi thứ như một sự sắp xếp hoàn hảo để tôi chụp được bức ảnh này.
Chị có phải một người đánh đổi mọi thứ vì đam mê? Chị cân bằng cuộc sống và theo đuổi đam mê nhiếp ảnh như thế nào?
3 năm với nhiếp ảnh, thú thực, nhiều lúc tôi thấy kiệt sức và muốn từ bỏ. Tôi đã lì lợm, kiên nhẫn và chịu đựng rất nhiều. Từ việc thức khuya, dậy sớm, di chuyển nhiều đến phờ phạc cả người hay đối mặt với những nguy hiểm không lường trước: giấc ngủ được tôi tận dụng để thực hành photoshop, có lần tôi đứng ở nghĩa địa trong đêm để canh sương... Tôi tận dụng mọi thời gian để xem ảnh, chụp và thực hành thật nhiều; bỏ mồ hôi, công sức, tiền bạc để có được những bức ảnh ưng ý.
Nhưng bản tính của tôi là vậy, tôi làm việc có kế hoạch, có tư duy và đầu tư. Tôi nghĩ rằng thời gian bỏ ra phải nhận được những điều xứng đáng. Và tôi nhận ra, nội lực và sự quyết tâm của tôi trong đam mê là điều ngay bản thân tôi cũng không thể tượng tượng được.
Người thân trong gia đình là những người giúp đỡ và hi sinh cho tôi nhiều nhất, đặc biệt là mẹ và con trai tôi. Với tôi, cân bằng được giữa công việc ở cơ quan, gia đình và nhiếp ảnh là do mọi người yêu thương và cảm thông cho đam mê của tôi rất nhiều.
Vậy đâu là câu chuyện gian khổ nhất trong những chuyến đi “săn khoảnh khắc” của chị?
Đó là khoảng thời gian hơn 2 tháng khi tôi chụp bộ ảnh "Landmark 81 - Khát vọng vươn cao". Tôi như bị thôi miên bởi tham vọng sẽ có một bộ ảnh gom nhặt những khoảnh khắc khác nhau của Landmark 81 - biểu tượng của sự hưng thịnh trong thành tựu kinh tế của Việt Nam. Tôi đã thức nhiều đêm ròng rã, canh sương đêm, canh mây luồn qua các toà nhà để chụp được những khoảnh khắc đắt giá nhất. Có những đêm tôi ngồi một mình ở bờ sông Sài Gòn Quận 2 tác nghiệp từ tối đến sáng. Bây giờ nghĩ lại tôi thực sự sởn da gà vì sự liều lĩnh của mình. Nhưng quan trọng hơn, tôi đã làm được và tôi tự hào về điều đó.
"Landmark 81 - Khát vọng vươn cao"
Không chỉ nhiếp ảnh gia mà một bộ phận những người làm nghệ thuật nói chung đều đặt nặng thành tích, giải thưởng. Quan điểm của chị về vấn đề này? Một người nghệ sĩ có nên theo đuổi giải thưởng để có động lực phát triển?
Tôi nghĩ giải thưởng chỉ là sự động viên mà nhiếp ảnh mang lại cho những người đã lao động vì nó và cũng phần lớn do yếu tố may mắn. Nó không phải tất cả. Tôi chưa bao giờ nghĩ vì có nhiều giải thưởng mà tôi sẽ dừng lại. Mỗi cuộc thi chỉ đơn giản là sự trải nghiệm và thử sức mình, nếu may mắn tôi được giải, hoặc người khác sẽ may mắn hơn tôi - đó là điều hết sức bình thường.
Có những người say mê với nhiếp ảnh cả cuộc đời mà chưa từng đi thi ở bất cứ cuộc thi nào, đó cũng là một lựa chọn. Người ta có nhiều cách thể hiện và mục tiêu khác nhau với nhiếp ảnh. Nhưng nếu bạn có ước muốn làm được những điều hơn thế nữa thì hãy thử sức mình ở các cuộc thi. Các cuộc thi ảnh trên thế giới là cách nhanh nhất bạn có thể tiếp cận với truyền thông và các cơ hội khác trong nhiếp ảnh.
Các ca sĩ, nhạc sĩ nói chung ở Việt Nam tạm có thể coi là có Top Trending YouTube để đánh giá độ phổ biến, sự thành công với một sản phẩm. Vậy với giới nhiếp ảnh gia ở Việt Nam, theo chị có nên có một quy chuẩn, một thước đo để phấn đấu như vậy?
Không có quy chuẩn nào trong tình yêu đối với nhiếp ảnh và cái đẹp không có thước đo chung. Quan trọng là bạn thực sự muốn gì. Tuy nhiên, hữu xạ tự nhiên hương, khi bạn chụp ảnh đẹp thì những người yêu cái đẹp sẽ tự tìm đến bạn.
Có những lúc nhiếp ảnh gia cần thoát ra khỏi ống kính để tận hưởng đời thực bằng chính đôi mắt của mình, đã bao giờ chị nghĩ tới việc đến với một vùng đất nào đó chỉ để khám phá, nghỉ dưỡng tại đó chưa?
Đà Lạt là vùng đất luôn cho tôi những xúc cảm đặc biệt. Không khí trong lành, cảnh quan lãng mạn và con người sống hiền hoà, điềm đạm. Nằm dài trên những chiếc ghế nhỏ khi đi cắm trại, chạy lên đồi thông ngắm sương sớm hay dạo quanh phố đón nắng… - đó là những cảm giác yêu thích của tôi ở vùng đất này.
Ngoài ra, tôi mê khám phá và cảm giác tự do, nên tôi sẽ chọn Hà Giang - một nơi mà tôi luôn khao khát được đi đến. Chạy xe trên những cung đường uốn lượn và ngắm nhìn núi non trùng điệp xen lẫn những thung lũng ngập tràn hoa cỏ. Nếu có thời gian, tôi sẽ ghé một vài điểm như Đồng Văn, Mèo Vạc để thưởng thức một vài đặc sản địa phương, vừa hít hà thứ không khí trong veo trên đó. Chỉ nghĩ tới thôi cũng đã thấy rạo rực.
Tại sao chị thường xuyên lựa chọn phong cảnh Việt Nam là những bức ảnh tham dự đấu trường quốc tế?
Phải nói là rất may mắn cho tôi cũng như những nhiếp ảnh gia người Việt khác khi được sinh ra và lớn lên trong một nền văn hoá đậm đà.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới còn duy trì được nhiều làng nghề truyền thống với sự phong phú về thể loại và đặc sắc về lịch sử. Làng nghề là một trong những chất liệu quý trong nhiếp ảnh và rất khó tiếp cận ở các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, tập quán sinh hoạt, đời sống văn hoá con người Việt Nam cũng vô cùng phong phú và đa dạng.
Tôi chọn mang những điều đặc biệt này của Việt Nam đến với những cuộc thi ảnh trên thế giới, qua đó có thể cho bạn bè thế giới biết thêm về Việt Nam, một đất nước với vẻ đẹp tiềm ẩn và rất đáng ghé thăm.
Từng nhiều lần đạt thành tích quốc tế, kể cả mức giải thưởng cao nhất với những bức ảnh chụp cảnh đẹp Việt Nam, chị có định theo đuổi duy nhất trường phái này?
Tôi có ước mơ rõ ràng ngay từ đầu. Tôi mong ảnh của tôi được sử dụng ngày một nhiều hơn trên thế giới, có thể xuất hiện trên các tạp chí, tờ báo in lẫn bản online, hoặc quý hơn nữa là được treo một cách trang trọng trong các phòng trưng bày, trong những ngôi nhà và được nhìn ngắm bởi những người yêu cái đẹp ở khắp nơi. Trân quý nhất chính là người xem biết nhiều hơn nữa về Việt Nam, khát khao sẽ có một ngày đặt chân đến đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!
Cùng xem thêm một số tác phẩm xuất sắc của nhiếp ảnh gia Khánh Phan. Lưu ý: Các hình ảnh đều có tác quyền, không sao chép, sử dụng dưới mọi hình thức thương mại khi chưa có sự chấp thuận của tác giả.