Chắc chắn bất kỳ ai cũng từng trải qua cảm giác nhìn thấy sự thành công hoặc hơn mình ở người khác và cảm thấy vô cùng khó chịu. Ganh tị là một cảm xúc vô cùng tự nhiên của con người, và chắc chắn không hoàn toàn xấu. Một chút ganh tị sẽ kích thích sự phấn đấu và nỗ lực trong bạn, nhờ đó góp phần vào những thành công sau này.
Tuy nhiên, nếu không khéo léo điều chỉnh mặt cảm xúc này, ganh tị sẽ dễ dàng bùng phát trở thành tính cách, và một khi trở thành tính cách, nó sẽ dễ dàng điều khiển và chi phối mọi hành vi, khiến bạn không còn nhận ra đâu là mục đích và dần dần lâm vào ngõ cụt, chỉ biết ngồi đó trách móc tại sao người khác thành công trong khi bạn thì không.
"Định vị" cảm xúc ganh tị và tính ghen ghét
Cảm xúc như chính cái tên của nó, là những gì vô cùng ngắn hạn, cảm tính và bột phát. Không ai có thể kìm chế được cảm xúc vì đó là những thứ thuộc về bản năng, nhưng tính cách thì khác. Để hình thành nên tính cách, cần có một quy trình lâu dài bao gồm cả việc phát sinh cảm xúc và cách ứng biến với cảm xúc đó. Tỉ lệ này là 50:50 nên dù cho bạn là người tự nhiên rất dễ ganh tị, thì vẫn có cách để bạn hạn chế biến điều đó thành tính cách đặc trưng của bản thân.
Nếu bạn cũng hay thường thấy mình ganh tị với một chút tỏa sáng của ai đó, nhưng chóng vánh và nhẹ nhàng, nếu bạn không bắt gặp lại điều đó thì lại không còn cảm thấy gì, ắt hẳn đó chỉ là cảm xúc ganh tị nhất thời mà thôi. Vậy nhưng nếu bạn là người thường xuyên "zoom" cận cảnh hơn vào sự thành công của người khác, tìm mọi cách để phát hiện ra điểm yếu, lỗ hổng để được dịp hả hê rằng hóa ra họ cũng như mình, hoặc luôn manh nha quan tâm đến thành công hay thất bại của người đó, thì ắt hẳn ganh tị đang là một trong những mặt tính cách trong bạn.
Ganh tị chỉ nên là gia vị chứ đừng là món chính
Sự ganh tị tích cực sẽ được gọi là sự cạnh tranh, thúc đẩy cá nhân phát triển. Ngược lại, sự ganh tị tiêu cực sẽ là nhát dao giết chết sự sáng tạo, nỗ lực và khả năng phá bỏ giới hạn của cá nhân, khiến cho người đó dễ dàng thụt lùi trong khi những người khác vẫn đang đường hoàng tiến về phía trước.
Người có tính cạnh tranh cao sẽ cố gắng dẹp bỏ việc nhìn vào thành công của người khác, lấy sự nỗ lực của mình để làm mục đích để có thể vươn tới hoặc vươn xa hơn. Trong khi người ganh tị sẽ mãi bị động, cố gắng tìm mọi cách dìm người khác xuống để mình đứng ở vị thế cao hơn. Cũng cùng là mục đích vượt lên, nhưng tùy theo mức độ ganh tị, tùy theo việc sử dụng nó như món chính hay chỉ là gia vị, sẽ tạo thành những hành vi ứng xử hoàn toàn khác nhau.
Đừng để sự ganh tị giết chết tài năng trong bạn
Theo bạn thì người ganh tị hay người cạnh tranh sẽ có mức độ thành công cao hơn?
Khi người cạnh tranh giành toàn bộ thời giờ để nỗ lực vươn lên để không còn phải ganh tị, thì người tị nạnh sẽ chỉ tập trung vào người khác thay vì chính bản thân mình. Chính điều này sẽ làm thui chột khả năng làm việc, sáng tạo, đầu tư và giết chết dần dần những tìm năng sẵn có nhưng không được khai phá. Cùng một dạng cảm xúc, nhưng triển khai theo những cách khác nhau sẽ tạo nên những con người và hiệu ứng khác nhau.
Vậy nên, quyết định lựa chọn ganh tị ở mức độ cảm xúc hay tính cách, là còn tùy thuộc vào bản thân bạn.
(Theo barcode)