Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 19/07/2019

Nước Nhật từng chứng kiến nhiều thảm họa. Giữa mất mát, người Nhật vẫn kiên cường bên nhau, dìu nhau qua nguy khó. Đó là nhờ tinh thần Omoiyari- tinh thần biết nghĩ cho người khác.

Tôi từng tự hỏi: Thảm họa sóng thần động đất Nhật Bản đi qua để lại điều gì trong tâm trí cộng đồng thế giới? 

 Có người là sợ hãi, có người là lo lắng, ai đó sẽ thấy thương xót cho đất nước Nhật Bản. Giữa vô vàn câu chuyện và bức ảnh từ hàng trăm thông tấn xã, người ta nhớ nhất hình ảnh những người dân Nhật Bản xếp hàng ngay ngắn chờ đồ tiếp tế, nhường nơi ở tốt, giúp người già và trẻ nhỏ sơ tán. Người Nhật luôn biết cách khiến thế giới ngạc nhiên và ngưỡng mộ bởi cách sống của mình, đặc biệt là suy nghĩ luôn hướng về người khác. Một nước Nhật hiện đại có đổi thay, có những giá trị tinh thần sẽ không bao giờ bị băng hoại, như triết lý sống Omoiyari vậy.

Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản - Ảnh 1.

Ngược dòng chảy lịch sử của nước Nhật, sau thế chiến II, nước Nhật thiệt hại nặng nề cả về kinh tế lẫn con người. Để có được thành quả hôm nay, nước Nhật đã có những bước phát triển thần tốc, vượt qua khó khăn để có được vị trí cường quốc. Ta thấy một nước Nhật đổi mới với kỷ luật và nguyên tắc, bên cạnh những nét văn hóa truyền thống và dung dị. "Omoiyari là một nét văn hóa ứng xử tiêu biểu của người Nhật". 

 Tinh thần Omoiyari có ở bất cứ đâu trong cuộc sống hối hả của người Nhật Bản. Khi xây dựng những công trình công cộng, người Nhật rất ý thức việc sao cho thuận tiện cả cho người khuyết tật hay người khiếm thị. Những chỉ dẫn trên đường như làn đường lót gạch vàng, có những sọc dài hoặc bề mặt bi tròn được làm nổi lên hướng dẫn có thể di chuyển hay nên dừng lại sẽ giúp người khiếm thị có thể tự tin hơn khi bước đi. Tại các ngã ba và ngã tư, hệ thống đèn giao thông sẽ phát tín hiệu píp píp hoặc thông báo để người khiếm thị có thể nghe thấy và dễ dàng qua đường. Ngoài ra, các công trình công cộng đều có nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật, với những tay vịn được thiết kế tại bồn cầu và bồn rửa giúp người đi xe lăn cũng có thể sử dụng dễ dàng.


Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản - Ảnh 2.

Có nhiều hơn một lý do để khiến người Nhật Bản tự hào vì hệ thống tàu của mình. Nếu từng trải nghiệm tàu điện tại Nhật Bản, bạn sẽ bắt gặp một khung cảnh tĩnh lặng tuyệt đối bởi người Nhật rất tôn trọng sự riêng tư của nhau nơi công cộng.

Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản - Ảnh 3.

 Thông thường, mọi người sẽ đọc sách, đọc báo, lướt điện thoại, nghe nhạc, ngủ và tránh tối đa việc phát ra tiếng động. Điện thoại luôn đặt ở chế độ "Manner Mode" (Chế độ "lịch thiệp" chứ không còn chỉ là chế độ im lặng), nếu có ai gọi đến họ cũng sẽ nói rất nhanh và hẹn gọi lại sau chứ không cà kê buôn chuyện. Phụ huynh ở Nhật cũng dạy dỗ con mình ngay từ lúc trẻ bắt đầu có ý thức không nên làm phiền người khác, hành động phù hợp và không được làm ồn ào ảnh hưởng đến mọi người, nhất là ở nơi công cộng.

Tinh thần Omoiyari được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ đầy bất ngờ trong cuộc sống. Trên các con tàu siêu tốc Shinkansen, các kĩ sư người Nhật đã chọn con số năm, chia ra một bên hai ghế và một bên ba ghế. Tại hàng ghế ba, chiếc ghế chính giữa sẽ rộng hơn một chút để giúp người ngồi giữa cảm thấy thấy thoải mái hơn khi bị "kẹp" ở giữa. Đặc biệt, những chiếc ghế này được thiết kế để có thể xoay lưng lại phía sau để những nhóm khách đi chung có thể dễ dàng lập hội với nhau. Ngoài ra, người Nhật thường có thói quen kiểm tra phía sau và báo cho người ngồi sau trước khi ngả ghế trên tàu Shinkansen. Nếu người ngồi sau đang ăn, mang nhiều hành lý hoặc đang làm việc, họ sẽ không ngả ghế của mình.

Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản - Ảnh 4.

Đặc biệt, khi World Cup 2018 diễn ra, các cổ động viên Nhật Bản lại khiến cả thế giới thán phục khi ở lại thu dọn rác trên khán đài sau trận đấu với Colombia.

Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản - Ảnh 5.

Những người hâm mộ xứ phù tang đã ăn mừng chiến thắng của đội nhà theo cách riêng - nán lại khán đài để dọn rác sau trận đấu, giống như việc họ từng làm tại World Cup ở Brazil cách đó 4 năm. 

Những người ủng hộ khi đó đã mang túi rác tới sân vận động xem trận đấu trước Bờ Biển Ngà vào năm 2014, và dù thua cuộc, các CĐV vẫn ở lại sân để dọn dẹp. Tinh thần đó đã lan sang cả CĐV một số nước khác, tạo nên một hình ảnh đẹp tượng trưng cho cách sống Omoiyari.

Có lẽ, chẳng cần những thành tựu kinh tế to lớn, chẳng cần sự phô trương của cuộc sống hiện đại, người dân Nhật vẫn khiến cả thế giới phải nể trọng.

Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản - Ảnh 6.

Nghĩ cho người khác; khi niềm tin là một thứ "xa xỉ" trong cuộc sống, nhiều người coi câu nói ấy chỉ như một điều huyễn hoặc, giáo điều từ mấy cuốn self-help. Chúng ta thường nâng tầm vấn đề, gắn Omoiyari với những câu chuyện kì vĩ để rồi ai đó thốt lên: Gớm, tốt như này ngoài đời được mấy ai? Sự hoài nghi về lòng tốt của con người suy cho cùng là sự hoài nghi chính bản thân mình. Omoiyari không đến từ những điều to lớn mà xuất phát từ từng nét bình dị, mộc mạc trong cuộc sống. Tôi vẫn thấy chúng đâu đó trên đường, ở nơi công sở, nơi góc sân khu tập thể và trong từng hành động của người Việt trẻ. 

 Đó là khi bạn đang đi trên đường Sài Gòn giữa ngày nắng gắt, bỗng thấy bên vệ đường là bình trà đá mát lạnh. Ai đó dường như đã thấu hiểu và đủ đong đầy yêu thương để làm những điều ý nghĩa.

Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản - Ảnh 8.

Đó là những lời nhắc nhở nhau rất dễ thương, quen thuộc và rất Việt Nam: "Anh/chị ơi quên gạt chống chân kìa!", đơn giản vậy thôi nhưng có thể giúp người lái xe tránh được tai nạn khi lưu thông trên đường. 

 Đó là khi đầu những con hẻm nhỏ giữa thành phố đông đúc có ai đó dựng lên những bảng chỉ đường với nét chữ nghuệch ngoạc viết vội hướng dẫn mọi người đi đường tắt hoặc "cắt hẻm" để thoát khỏi những điểm ùn tắc trong giờ cao điểm. 

 Đó là khi người đi trước mở cửa, nhưng lại giữ cửa cho người đi sau.

Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản - Ảnh 9.

Kỳ thực, cuộc sống này còn muôn vàn những cách ứng xử Omoiyari – Nghĩ cho người khác xứng đáng để chúng ta học hỏi. Omoiyari là những hành động giản đơn, bình dị mà ai cũng có thể làm hàng ngày. Nếu ta biết đặt cái "tôi" và lợi ích cá nhân đi sau các giá trị cộng đồng để luôn biết cách tôn trọng người khác, cuộc sống sẽ tràn ngập sự quan tâm và yêu thương.

Khi “nghĩ cho người khác” trở thành một triết lý cuộc đời: Từ Omoiyari nghĩ về cách sống của người Nhật Bản - Ảnh 10.


Cuộc đời này không xoay vần bên những câu chuyện xấu xa, niềm tin con người dựng lên và hun đúc bởi những thứ tốt đẹp. Đôi khi, chúng ta quên đi những hành động tốt đẹp của bản thân với người khác: một nụ cười, một lời hỏi thăm, một cái nhắc gạt chân chống hay chỉ đơn giản là giữ cửa cho người đi sau. Omoiyari là tư tưởng sống của người Nhật Bản nhưng nghĩ trên bình diện rộng hơn, đó là phần nhân văn trong mỗi con người. Không ai sống mà chưa một lần nghĩ vì người khác, chỉ là chúng ta không nhận ra: mình cũng có thể là một người tử tế.

Trần Việt Anh, Skye
Dương Lê
Theo Trí Thức Trẻ