Giới trẻ đang "phát cuồng" với những món đồ 2hand độc lạ. Sử dụng đồ si không chỉ tiết kiệm hơn mà còn góp phần bảo vệ môi trường - đó là lý do mà Thu Thủy đã "say đắm" những món đồ đó.
Thu Thủy, 25 tuổi, đang là Content Marketing cho các công ty thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Cơ duyên đến với đồ si của Thủy xuất phát từ khi còn nhỏ: "Vì mẹ mình là thợ may, nhiều khi nguyên vật liệu sửa đồ không có, mẹ mình hay đi đến các tiệm đồ si để thu gom nút vintage, dây kéo, ren,... nói chung là những phần chi tiết trên các món đồ si vẫn còn dùng được để sửa cho khách, hoặc thậm chí là lấy form áo để lên rập học cách may mẫu mới. Vì lúc đó mới 5 - 6 tuổi còn bé nên mẹ cứ đưa mình theo, cho mình chơi trong đống đồ để mẹ có thời gian lựa, nên mình cũng mê quần áo, đặc biệt là đồ si từ bé".
Thu Thủy
Khi lên đại học, không còn phải mặc đồng phục, Thủy lại càng chăm lựa đồ si hơn vì tính chất "ngon - bổ - rẻ". Sau khi săn được đồ "độc", cô nàng thường hay nhờ mẹ sửa lại hoặc chắp cái này qua cái kia cho thành một món đồ hay ho, thú vị.
Theo Thu Thủy, thời trang rất hay, cứ khoảng vài năm lại "throwback" trend cũ 1 lần. Mà càng về sau này, mọi người càng ít định hình style riêng theo trend mà chủ yếu theo sở thích nên việc phối đồ cũng dễ thở hơn. Bạn hoàn toàn có thể phối đồ si bằng việc tận dụng "color pallete" thay vì gò bó ở vài style nhất định. Và để có những set đồ si chất lượng, Thủy thường lục lại mấy quyển catologue của mẹ những năm thập niên 90s. Hoặc là tìm theo hashtag trên instagram #90svintage #virtualstylist,... . Rảnh rảnh thì cô nàng sẽ xem cách mix đồ của các bạn KOLs trên youtube.
Lựa chọn đồ si theo màu sắc sẽ giúp bạn có 1 set đồ "ton sur ton"
Chiếc blazer này là một món đồ si Thủy yêu thích
Bên cạnh việc săn quần áo si, Thu Thủy còn có niềm đam mê với săn đồng hồ vintage. Lý do đam mê đồng hồ bắt nguồn từ cậu bạn trai Thủy quen năm 2016. Đó là một nhiếp ảnh gia chụp máy film. Anh chàng ngày thường có thói quen ra chợ Nhật Tảo "săn" máy film cũ, rồi lâu lâu thấy mấy món túi/ đồng hồ vintage hay hay cũng gom cho Thủy luôn.
Thu Thủy và bạn trai có thói quen hẹn hò là đi lùng mấy tiệm đồ si ở Sài Gòn, đi dạo các chợ Hoàng Hoa Thám, Nhật Tảo, Bà Chiểu,... để săn đồ độc. Dần dần, cả hai "nâng cấp" lên săn luôn cả đồ bên Nhật và bên Thái. Chia sẻ về bộ sưu tập đồng hồ của bản thân, Thủy cho biết: "Bộ sưu tập của mình thì khoảng 15-20 chiếc đồng hồ, duy nhất có 1 chiếc DW là được bạn tặng sinh nhật, còn lại đều là vintage do mình săn: 1 chiếc Balmain trên 5 triệu, 1 chiếc Gucci 4 triệu, 1 chiếc Fendi trên 3 triệu, rẻ nhất thì là chiếc Casio F91w huyền thoại tuổi thơ thì chỉ có 200-300K thôi".
Bộ sưu tập đồng hồ vintage của Thu Thủy
Nhiều chiếc đồng hồ cũ đến từ những thương hiệu nổi tiếng
Theo quan điểm của Thu Thủy, mua đồ si đã trở thành một nền văn hóa. Không chỉ ở việc tiết kiệm một khoản chi phí kha khá, thể hiện được style cá nhân cũng như kiến thức và góc nhìn của người mặc mà còn góp phần làm hạn chế số lượng sản xuất mới. Cầu giảm thì cung giảm. Nếu càng nhiều bạn có cái nhìn thoải mái và tích cực hơn với đồ si thì sẽ phát triển được hệ thống thời trang bền vững, giảm thiểu rác thải ngành may mặc. Đặc biệt là ở những nước gia công thời trang như Việt Nam, bản thân đã phải gánh một lượng lớn rác công nghiệp may mặc rồi, nếu giảm được phần rác thời trang tiêu dùng thì sẽ rất tốt.
Thu Thủy thể hiện khả năng khéo léo khi mix đồ si
Với một người trẻ như Thu Thủy, việc sử dụng đồ si không dừng lại ở sở thích đó mà còn góp phần bảo vệ môi trường: "Mình không dám nhận là đấu tranh dữ dội cho môi trường, chỉ hạn chế được cái nào thì hạn chế thôi, ví dụ như tự đem túi vải đựng đồ, may khẩu trang vải đeo, mang cốc đũa muỗng đi mua thức ăn, quần áo cũ mình hay gom lại rồi nhờ người nhà dưới quê cho các em dân tộc. Vì hồi bé mẹ mình may gia công, rác vải công nghiệp, phấn, chỉ vương vãi tùm lum mẹ hay bắt mình đeo khẩu trang cả ngày nên mình cũng ác cảm với rác lắm".
Tips chọn đồ si theo chất liệu
- Hạn chế lựa chọn những món đồ dễ mất form như: Vest/blazer (có độn vai và lớp lót), đầm có chi tiết cổ cầu kì (cổ tàu, cổ peterpan, cổ ren/ đan móc), mũ bucket (khó chỉnh sửa vòng đầu mũ), áo khoác da (mốc da, nổ da, gãy da),....
- Ưu tiên một số loại như: len cashmere, jean/denim, nhung, vải dệt kim Jersey, cotton.
- Các lại chất liệu nên tránh chọn: Polyester (vải sợi tổng hợp có độ bền kém, ko thân thiện với môi trường), acrylic knit (sợi len nhân tạo từ sợi polymer nên dễ xước, tuột sợi, giặt dễ thủng), suede (da lộn nên thường bị hôi, cần làm sạch và có dầu chuyên dụng để làm mềm).
Để có một buổi đi săn đồ si hiệu quả
- Khoanh vùng các shop cùng quận hoặc gần nhau, sắp xếp tuyến đường phù hợp từ chỗ mình ở.
- Note ngày khui kiện của các shop để lấy được hàng F1 (nếu đến trễ chỉ còn hàng F2 F3).
- Note những quán ăn/ chỗ nghỉ trên đường đi săn để có sức bới đồ.
- Mang tiền mặt vì đa phần các shop si không quẹt thẻ được.
- Hỏi anh bạn trai hôm đó có rảnh không để lỡ mệt quá kêu qua chở về.
- Mang kéo, cây lăn bụi vải để fix tạm 1 số món ngay tại shop (nếu không fix được thì đừng lấy, nếu được thì có thể kì kèo chủ shop món này hơi lỗi để bớt giá).
- Chuẩn bị cốp xe to để chất đồ.