Đứng trước nghi vấn đạo nhái: Nhạc sĩ đừng im lặng nữa, khán giả mệt rồi!

Nhật Nguyên - SJ, Theo Trí Thức Trẻ 15:52 22/04/2019

Chính sự im lặng của người nhạc sĩ đứng trước những cáo buộc “đạo nhái” đang góp phần “kết liễu” chính danh tiếng và sự cống hiến của cá nhân ấy.

Tái xuất làng nhạc với hình ảnh nàng thơ làm say lòng khán giả, những tưởng đó đã là một khởi đầu vô cùng thuận lợi cho Min, kéo dài chuỗi thành công sau "Ghen", "Anh mới là người yêu em",… thế nhưng mọi việc đã không suôn sẻ được như vậy. Chỉ ít giờ sau khi Đừng yêu nữa, em mệt rồi được ra mắt chính thức, hàng loạt fan Kpop đã phát hiện ra việc "giống nhau" đến lạ kì giữa "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" với "And one" của Taeyeon.

MV "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" - Min

Taeyeon - And One (That Winter The Wind Blows OST)

Một bức tường thinh lặng

Đông đảo người hâm mộ đã chỉ ra sự giống nhau đến ngỡ ngàng giữa “Đừng yêu nữa, em mệt rồi” với “And One”, cả hai đều có cùng tông nhạc, hoà thanh, cách phát triển của hai bài hát cũng có nhiều nét tương đồng . Không ít những lời bình luận đều cho rằng, ca khúc chẳng khác nào "And one" phiên bản tiếng Việt, đồng thời kết luận: bất kì ai nghe qua hai ca khúc đều không thể phủ nhận sự giống nhau này.

Đó không phải chỉ là một số ý kiến từ một bộ phận nhỏ nữa, mà đã lan rộng ra cả cộng đồng khán giả Kpop lẫn Vpop, đại đa số ý kiến đều đồng tình về việc "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" đã "mượn quá tay" nhạc phim "That winter the wind blows" trong khi không có bất kì một dòng chú thích hay ghi chú nào.

Những tưởng khán giả sẽ có được một lời giải thích thỏa đáng, thế nhưng nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện lại phát ngôn "cho qua" và làm mọi chuyện xấu hơn. Nam nhạc sĩ chia sẻ: "Không phải khán giả nào cũng biết nhạc lý để hiểu được nhiều điều". Ngoài ra anh không giải thích gì thêm.

Đổ mọi lỗi lầm lên khán giả, thậm chí còn phán xét cư dân mạng không đủ kiến thức về âm nhạc để bình luận. Động thái này như "giọt nước tràn ly", đẩy sự chịu đựng của khán giả đến giới hạn cuối cùng.

Gần đây nhất là bản hit đánh dấu sự comeback của Soobin Hoàng Sơn “Đã đến lúc” bị tố “đạo” phần drop của ca khúc “Supernatural” của Boombox Cartel và QUIX. Trả lời trước nghi vấn trên, Soobin giữ một thái độ dè chừng, và “Phần nhạc của bài hát do anh SlimV thực hiện. Do đó, vấn đề này có lẽ nên hỏi anh ấy sẽ rõ hơn. Tôi chưa nghe Supernatural bao giờ nên tôi không rõ vấn đề này. Tuy nhiên, tôi nghĩ cả hai thuộc thể loại nhạc điện tử, đặc biệt Future Bass nên có những tiếng tương đồng. Về melody, bài của tôi, anh SlimV làm theo hướng khác hẳn”. Hiện tại, Slim V vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho nghi vấn trên.

Đây không phải là lần đầu công thức: ra ca khúc mới – phát hiện "mượn quá tay" – im lặng cho đến khi "sóng gió qua đi" tái diễn. Và vấn đề ở đây: liệu khán giả có thể chịu đựng thêm đến khi nào nữa?

Đứng trước nghi vấn đạo nhái: Nhạc sĩ đừng im lặng nữa, khán giả mệt rồi! - Ảnh 3.

Sự im lặng không-có-gì-làm-khó-hiểu từ e-kíp sản xuất ca khúc

Khán giả không phải là những kẻ khờ

Nhớ lại cách đây tầm 10 - 15 năm, thời đại Internet bắt đầu len lỏi sâu vào từng ngóc ngách của xã hội Việt Nam, đó là khoảng thời gian bắt đầu hội nhập về mọi mặt, kể cả âm nhạc. Một khoảng thời gian kéo dài, việc quản lí âm nhạc bị thả lỏng, là thời điểm hàng loạt bản cover nhạc nước ngoài ra đời, thậm chí còn đem trọn vẹn, hoặc một phần hòa âm của một ca khúc nước ngoài và hát lại dưới lời Việt mà không vấp phải bất kì thắc mắc nào. Đó cũng là lúc mà sự tiếp nhận của bộ phận khán giả tương đối dễ dãi, chỉ cần nghe "hay", hoặc "hợp tai" là trở thành hit.

Đó là câu chuyện của quá khứ, nhưng bây giờ đã là năm 2019. Làng nhạc Việt những năm gần đây ngày càng phát triển, với sự đầu tư cũng như đẩy mạnh về số lượng, chất lượng, phong cách và hình ảnh của Vpop nói chung đang ngày càng tăng tiến và tiệm cận với chất lượng của khu vực và quốc tế. Đó là nhìn vào bức tranh tổng thể chung. Cùng với sự đầu tư và đi lên của làng nhạc và chính những người nghệ sĩ, bộ phận khán giả cũng dần văn minh hơn, gout thưởng thức cũng dần cao hơn và đa dạng hơn, như một quy luật phát triển tất yếu của xã hội. Chính vì thế càng phải nhấn mạnh một điều: khán giả ngày nay không còn là những kẻ khờ để bị dắt mũi nữa.

Với một ca khúc mà ngay cả những người nghe nhạc phổ thông có thể cảm nhận là giống đến lạ kì, thì liệu có khả năng ca khúc ấy không "đạo nhái" chăng? Một ý kiến trái chiều, nó có thể sai. Mười ý kiến trái chiều, nó vẫn có thể sai. Nhưng giờ đây, là hàng nghìn ý kiến đều đồng tình về vấn đề trên, nó còn liệu là sự cảm tính của một vài cá nhân?

Đứng trước nghi vấn đạo nhái: Nhạc sĩ đừng im lặng nữa, khán giả mệt rồi! - Ảnh 4.

Sản phẩm đánh dấu sự lột xác của Soobin Hoàng Sơn vấp phải nghi án "vay mượn" 1 đoạn drop từ Boombox Cartel và QUIX

Lúc trước, khi ca khúc “Tình nhân ơi” viết bởi Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa bị nhạc sĩ người Hàn Quốc tố cáo “đạo” một cách khá gay gắt, anh cũng đã nhấn mạnh: "Việc viết ra một bài hát làm cho các bạn liên tưởng đến bài hát khác, đầu tiên đó là lỗi của tôi vì đã không khắt khe với chính mình. Âm nhạc chỉ có 7 nốt nhưng ca khúc thì có cả tỷ bài. Tôi chưa và sẽ không bao giờ dám khẳng định rằng bài hát của mình sẽ không bao giờ giống bài nào đó trên thế giới vì sự trùng hợp hay vô tình là không hề hiếm".

Thậm chí, hồi cuối tháng 1 năm nay, ca khúc “Vì em vẫn” của Hari Won bị tố “đạo” cùng một lúc… đến 5 ca khúc, cả nhạc Hàn lẫn nhạc Việt: “Apple is A” – T-ara, “Bao giờ em biết” – Kimese, “Time to love” – T-ara, “Công chúa bong bóng” – Bảo Thy, “Bản tình ca mùa đông”. Nhạc sĩ Tia Hải Châu lại tích cực bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình: “Các khán giả Việt đang trong giai đoạn quá nhạy cảm về scandal, đạo nhạc,… nên khi nghe được giai điệu quen tai thường sẽ có xu hướng nghĩ cho ra một ca khúc nào đó để so sánh và gắn mác “đạo”. Tia lập luận: “Vì em vẫn” bị so sánh với 4-5 ca khúc khác nhau ở thời điểm 2010. Thì tại sao mọi người không so sánh những ca khúc đó với nhau và gắn mác những ca khúc đó “đạo” của nhau?”.

Đứng trước nghi vấn đạo nhái: Nhạc sĩ đừng im lặng nữa, khán giả mệt rồi! - Ảnh 5.

"Vì em vẫn" của Hari Won bị tố đạo đến... 5 ca khúc

Tiêu biểu nhất chính là việc nhạc sĩ Dương Khắc Linh bất ngờ vướng nghi vấn đạo nhạc. Cụ thể ở đây là ca khúc “Đừng như thói quen” do anh sáng tác, được trình bày bởi JayKii và Ngọc Duyên Sara trong một chương trình âm nhạc được ca sĩ Trịnh Thăng Bình nhận xét “làm anh bỗng nhớ tới bài hát của mình, hình như 8 năm trước”. Ngay lập tức, nhạc sĩ Dương Khắc Linh giải thích: “Những ca khúc ballad có vòng hoà âm như vậy rất dễ giống nhau ở giai điệu. Quan trọng là lời khác, cách hát khác, người khác hát là đã thành một bài mới”. Phát ngôn này của nhạc sĩ đã nhanh chóng bị cộng đồng người hâm mộ phản đối, cho rằng đây là câu nói quá thiếu trách nhiệm và xem thường khán giả.

Dương Khắc Linh nhiều lần lên tiếng, nói rằng “sự giống nhau giữa các ca khúc này là sự trùng hợp ngẫu nhiên”; anh khẳng định “tôi không đạo nhạc, Jaykii cũng không và bản thân Trịnh Thăng Bình cũng đồng ý điều đó”. Tuy vậy, đó mới chỉ là ý kiến một chiều từ nhạc sĩ. Trước sự thịnh nộ của khán giả, Jaykii và Ngọc Duyên Sara vẫn giữ im lặng, còn ca sĩ Trịnh Thăng Bình trả lời anh “sẽ không thay đổi phát ngôn về cảm nhận của mình”. Mọi việc qua một thời gian rồi cũng bị “chìm xuồng”, kéo theo những cái lắc đầu ngán ngẩm từ khán giả. 

Đó chỉ là một vài trong số ít trường hợp người nhạc sĩ lên tiếng trước nghi vấn “đạo nhái” đặt ra từ khán giả. Và hầu hết ở các trường hợp, đều là một công thức chung: sự trùng hợp, “vòng lặp”, sự ảnh hưởng từ một ai đó,... hầu như đều là cách nói nước đôi, vòng vo và chưa bao giờ thừa nhận việc “đạo”. Cuối cùng, ai sẽ là người đứng về phía khán giả trong những trường hợp thế này?

Đứng trước nghi vấn đạo nhái: Nhạc sĩ đừng im lặng nữa, khán giả mệt rồi! - Ảnh 6.

"Lời khác, cách hát khác, người hát khác là đã thành một bài mới" - phát ngôn nổi đình nổi đám của nhạc sĩ Dương Khắc Linh trong "drama" đạo nhái ca khúc của Trịnh Thăng Bình

Nhạc sĩ đừng im lặng nữa, khán giả mệt rồi!

Thừa nhận một điều, những người làm nghệ thuật, kể cả ca sĩ, nghệ sĩ, nhà sản xuất, hòa âm phối khí... đều có cái tôi nghệ thuật rất lớn, và không phải ai cũng sẵn sàng mở lòng để tiếp nhận những ý kiến trái chiều, cũng như sự chỉ trích. Đối với họ, tác phẩm như một đứa con tinh thần mà họ đứt ruột sinh ra, thế nên họ đều dành cho ca khúc một sự tự tôn và niềm kiêu hãnh riêng biệt. Những nghệ sĩ càng giỏi, càng tài năng và càng thành công thì cái tôi cá nhân của họ lại càng không thể nghĩ bàn, đó không phải là sự kiêu ngạo một cách cố tình, mà nó được sản sinh ra thông qua một quá trình dài làm việc và lao động trí óc, họ phải đứng trước rất nhiều sự phủ nhận và phản biện, để rồi dần tự tạo nên cho bản thân một cái tôi kiên định.

Tuy nhiên, đứng trước sự phản ứng dữ dội của đám đông, liệu những người nghệ sĩ có thể cứ mãi giữ sự im lặng hay thái độ thách thức? Sự im lặng ở đây không còn có thể xem là sự im lặng cầu hòa và để cho thời gian làm lãng quên được nữa. Đứng trước một hiện tượng đến 90% ý kiến phản đối, liệu họ còn có thể khư khư giữ mãi cái định kiến ban đầu, và cứ mặc nhiên xem ý kiến đám đông là sai, và xem họ không có gout thưởng thức nhạc?

Trong số hàng nghìn, hàng trăm nghìn khán giả đang cần mẫn nghe nhạc ngoài kia, có không ít những bộ óc thẩm định, những người nghe nhạc lâu năm với đủ đầy các kiến thức đủ để vạch ra cái sai. Nhìn qua các bình luận trên mạng xã hội xoay quanh vấn đề này, đa phần đều chỉ ra được tường tận sự giống nhau thiên về chuyên môn chứ không chỉ là những kết luận chung chung, đầy cảm tính. Bên cạnh đó, khi nói về sự giống nhau giữa hai ca khúc, đôi khi nó đến từ sự cảm tính, và sự cảm tính này không hẳn lúc nào cũng sai. Rõ ràng: khi khán giả cùng nghe hai ca khúc, mà ngay từ lần nghe đầu tiên đã thấy sự giống nhau, thế thì lỗi lẫm lúc này không lẽ đổ lên hết đầu của khán giả chăng?

Đứng trước nghi vấn đạo nhái: Nhạc sĩ đừng im lặng nữa, khán giả mệt rồi! - Ảnh 7.

Hoàn toàn là lỗi của khán giả khi nhận thấy sự tương đồng giữa "Đừng yêu nữa em mệt rồi" (Min) với "And One" (Taeyeon)?

Hiệu ứng đám đông có thể là điều khiến nhạc sĩ, ca sĩ e dè mỗi khi muốn phân trần đúng sai trong những nghi án đạo nhái. Thế nhưng đôi khi, đúng hay sai không quan trọng bằng thái độ và cách đón nhận vấn đề. Im lặng cho qua chưa bao giờ là phương án tối ưu cho những cáo buộc đạo nhái hoặc cảm tính hoặc có căn cứ từ phía khán giả. Việc làm ngơ khi đứa con tinh thần của mình bị mổ xẻ mà không có lời giải thích nào sẽ chỉ khiến nghệ sĩ càng bị xem thường về uy tín. Càng giữ im lặng, càng có thái độ thách thức trước khán giả thì cái mác “đạo nhái” lại càng khó thể gột rửa, mọi danh tiếng đích thân nhạc sĩ tự tay gầy dựng có thể sụp đổ bất kì lúc nào.

Ngạn ngữ có câu: “Nước nâng thuyền cũng có thể lật thuyền”. Chính những khán giả đã ủng hộ nghệ sĩ và cũng chính họ có thể quay lưng lại với nghệ sĩ một khi giới hạn chịu đựng đã không còn. Thế nên đừng bao giờ để cho sức chịu đựng và sự cảm thông từ khán giả đã không còn, bởi vì hơn cả một cơn thịnh nộ ảnh hưởng đến một cá nhân, chút niềm tin ít ỏi của khán giả vào nền âm nhạc Việt Nam cũng sẽ dần cạn đáy.

Trong khi sự thật ra sao, việc nhạc sĩ có đạo nhạc hay không chỉ nằm yên trong diện nghi vấn thì thái độ tôn trọng hay thách thức khán giả của nhạc sĩ lại là điều hiển lộ rõ ràng. Các nhạc sĩ hãy tỉnh táo, nếu bản thân không làm sai thì hãy lên tiếng bảo vệ đứa con tinh thần, nếu sai lầm hãy thừa nhận sai lầm với một thái độ cầu thị, chứ không phải mãi giữ im lặng và khinh thường khả năng thưởng thức âm nhạc của đám đông. Nên nhớ, chính đám đông ấy đã tạo nên thị trường âm nhạc, là nơi đón nhận và thưởng thức sản phẩm của các nghệ sĩ. Nếu muốn việc sản xuất âm nhạc chỉ để "lưu hành nội bộ" và tự thưởng thức trong một nhóm nhỏ, thì hãy tiếp tục giữ im lặng và mặc định rằng khán giả đều là những người thiếu kiến thức âm nhạc nhưng lại thừa hung hãn, luôn dựa vào sự cảm tính và sức mạnh đám đông để "bắt nạt" mình.

Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ thế nào về việc nhạc sĩ có thói quen im lặng trước nghi vấn đạo nhái?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.