Đưa mẹ đi khám xương, người phụ nữ không ngờ bị loãng xương nặng hơn mẹ

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 21:59 10/04/2024
Chia sẻ

Mặc dù tuổi già khiến cơ thể lão hóa, hệ miễn dịch yếu đi nhưng không có nghĩa nguy cơ mắc bệnh tật chỉ phụ thuộc vào tuổi tác. Loãng xương cũng vậy.

Tiến sĩ Huang Zhaoshan, bác sĩ xương khớp lâm sàng, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Loãng xương Trung Hoa Dân Quốc (Trung Quốc) cho biết: “Loãng xương sớm là một trong những vấn đề đáng báo động về sức khỏe trong xã hội hiện đại. Đặc biệt là đối với phụ nữ”. 

Ông kể rằng, trong hàng chục năm điều trị lâm sàng của mình, ông đã gặp không ít các trường hợp bệnh nhân không hề biết rằng mình bị loãng xương và vô tình phát hiện khi đưa người nhà đi khám. Trong đó, có nhiều trường hợp còn rất trẻ, thậm chí nằm ở độ tuổi 20 và 30. Cũng có nhiều trường hợp nữ giới nhầm lẫn khi cho rằng phải sau mãn kinh mới bị loãng xương, chủ quan với sức khỏe. 

Trong số đó, có một cặp mẹ con cùng lúc phát hiện loãng xương khi cô con dâu đưa mẹ chồng đi khám xương khớp. Nhưng bất ngờ là người con chưa tới 50 tuổi lại bị loãng xương nặng hơn người mẹ đã ngoài 70 tuổi.

Đưa mẹ đi khám xương, người phụ nữ không ngờ bị loãng xương nặng hơn mẹ - Ảnh 1.

Người phụ nữ vô tình phát hiện loãng xương nặng khi đưa mẹ chồng đi khám xương khớp (Ảnh minh họa)

Cụ thể, bà Trần (sống tại Đài Loan, Trung Quốc) đưa mẹ chồng tới phòng khám của Tiến sĩ Huang để kiểm tra xương khớp định kỳ vào một ngày cuối tuần. Bình thường sẽ là chồng của bà đưa mẹ đi, nhưng do lần này ông có việc đột xuất nên bà Trần đi thay. Bởi vì gia đình bà Trần không sống cùng mẹ chồng, bà lại rất bận rộn với việc chăm sóc 3 cậu con trai cùng việc nhà. 

“Trong lúc chờ khám cho người mẹ, các y tá để ý thấy cô con dâu cứ đi đi lại lại, có vẻ nhức mỏi ở nhiều chỗ nên gợi ý bà nên thăm khám xương khớp luôn. Lúc đầu, bà từ chối vì cho rằng mình làm việc nhà nhiều nên đau nhức là lẽ thường. Đến khi bà kể ra một vài triệu chứng, y tá kiểm tra sơ bộ và nghi ngờ đó là do loãng xương thì bà Trần mới quyết định đăng ký khám. 

Khi vào phòng khám, bà ấy nói với tôi rằng chỉ muốn khám thử xem thế nào chứ không tin mình còn trẻ vậy, chưa mãn kinh mà đã bị loãng xương. Nhưng khi nhận kết quả, bà đã rất ngỡ ngàng vì mật độ xương của mình còn thấp hơn cả người mẹ chồng ngoài 70 tuổi, được chẩn đoán loãng xương” - Tiến sĩ Huang kể lại. 

Bác sĩ cảnh báo: 7 nhóm người dễ bị loãng xương tấn công

Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa, gây ra tình trạng suy giảm mật độ xương, khiến xương trở nên giòn, dễ gãy hơn. Đây là một trong những bệnh lý thường gặp khi tuổi càng cao. Bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm, không thể phục hồi. Tuy nhiên, Tiến sĩ Huang cảnh báo rằng bệnh loãng xương không phải chỉ xảy ra ở những người cao tuổi, người trẻ, thậm chí rất trẻ cũng có thể mắc bệnh này và nó được gọi là loãng xương sớm. 

"Kết quả đo độ loãng xương được xác định bằng 2 chỉ số T-score và Z-score. Trong đó T-score có nghĩa là so sánh mật độ xương của người bệnh với mật độ xương đỉnh của người cùng giới, cùng màu da lúc trưởng thành khỏe mạnh (25 tuổi). Mục đích cho biết chỉ số lệch của bệnh nhân so với chỉ số chuẩn của người trẻ.

Còn Z-score có ý nghĩa so sánh sự chênh lệch mật độ xương của người được đo với mật độ xương của một người cùng tuổi, giới tính, màu da, cùng trọng lượng... Mục đích cho biết chỉ số lệch của người bệnh so với người cùng tuổi, giới, trọng lượng, màu da. Chỉ số Z-score gợi ý cho chẩn đoán loãng xương thứ phát vì sự mất xương nhiều" - Tiến sĩ Huang giải thích.

Đưa mẹ đi khám xương, người phụ nữ không ngờ bị loãng xương nặng hơn mẹ - Ảnh 2.

Lười vận động, ăn uống thiếu khoa học là những nguyên nhân phổ biến gây loãng xương sớm (Ảnh minh họa)

Ông nhấn mạnh: “Lão hóa không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất gây ra bệnh loãng xương. Ví dụ như đối với trường hợp của bà Trần, chỉ số T-score của bà thấp hơn mức -2,5 SD và chỉ số Z-score ở mức -2,0. Mật độ xương của bà thấp hơn rất nhiều so với trung bình tuổi, có nguy cơ gãy xương trong khi mẹ chồng của bà thì chỉ bị loãng xương nhẹ với mật độ xương cao hơn người cùng tuổi”. 

Ông cũng nhắc nhở 7 nhóm người dễ bị loãng xương tấn công nhất, đó là: 

- Người cao tuổi (trên 65 tuổi), nhất là nữ giới.

- Người có tiền sử gia đình loãng xương. 

- Người có dáng người nhỏ, quá gầy.

- Người từng bị gãy xương.

- Phụ nữ mãn kinh, bị rối loạn hormone estrogen.

- Người mắc một số bệnh: bệnh tiêu hóa, bệnh nội tiết  như cường giáp, tiểu đường, suy thận… hoặc sử dụng steroid trong thời gian dài. 

- Người có lối sống không lành mạnh: hút thuốc, uống nhiều bia rượu, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu hụt canxi và vitamin D…

Nguồn và ảnh: Aboluowang, Health 2.0, ETtoday 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày