Theo truyền thông địa phương, Ardi Rizal, một cậu bé 16 tuổi đến từ Sumatra, Indonesia, đã gây chấn động thế giới vì thói quen hút thuốc vào năm 2010. Ardi Rizal, lúc đó mới 2 tuổi, nghiện thuốc lá cực kỳ nặng. Cậu hút tới 40 điếu thuốc mỗi ngày. Cậu nghiện thuốc lá trầm trọng hơn nhiều người trưởng thành, thậm chí cậu còn được người ta gọi với cái tên "chiếc gạt tàn thuốc lá Indonesia".
Ardi Rizal uống ba chai sữa đặc mỗi ngày, khiến cậu bé béo phì so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Mẹ của Ardi Rizal, Diana, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng chứng nghiện thuốc lá của Ardi Rizal bắt đầu khi cậu 18 tháng tuổi và cậu học cách hút thuốc từ cha mình. Diana cũng cố gắng ngăn cản nhưng khi thuốc lá bị lấy đi, Ardi Rizal sẽ mất bình tĩnh và thậm chí còn có những hành vi điên rồ như đập đầu vào tường để lấy thuốc lá.
"Thằng bé phát điên và sẽ tự làm tổn thương mình nếu không được hút thuốc".
Khi Ardi Rizal lớn lên, Diana rất mong muốn giúp con trai bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt nên đã tìm đến sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương và các chuyên gia. Ardi Rizal đã được CNN phỏng vấn vào năm 2017 và tiết lộ giai đoạn đầu cai thuốc lá của mình:
"Thật khó để tôi từ bỏ. Nếu không hút thuốc, miệng tôi sẽ có vị chua và đầu óc sẽ choáng váng".
May mắn thay, cậu bé đã cai thuốc thành công với sự giúp đỡ của một nhà tâm lý học trẻ em có uy tín ở địa phương. Vào thời điểm đó, chuyên gia này đã đánh lạc hướng sự chú ý của Ardi Rizal bằng cách vui chơi, chạy, leo trèo... và từ từ giảm lượng thuốc hút mà cậu bé hút hàng ngày.
Ngoài ra, cậu còn được kiểm soát chế độ ăn uống, bổ sung trái cây và rau quả vào chế độ ăn, đồng thời giảm tiêu thụ các sản phẩm từ sữa nhiều đường và nhiều chất béo như sữa đặc, cân nặng dần trở lại mức khỏe mạnh.
Đến nay, khi được phỏng vấn lại, Ardi Rizal, 16 tuổi, cho biết cậu đã cai thuốc thành công, đạt điểm cao ở trường và hy vọng trở thành bác sĩ trong tương lai. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng vì vấn đề gia đình nên Ardi Rizal đã bỏ học và hiện đang phụ bán rau ở chợ rau.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2018, 63% nam giới trưởng thành ở Indonesia có thói quen hút thuốc; tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên từ 10 đến 18 tuổi lên tới 10%.
Theo báo cáo của WHO, thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.
Theo BV ĐKQT Vinmec, hút thuốc lá có thể gây ung thư với mọi cơ quan trong cơ thể của bạn: phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày.
Nó cũng gây ra: bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi như khí phế thũng và viêm phế quản.
Người hút thuốc có nhiều nguy cơ: mắc bệnh lao; mắc bệnh cảm và cúm; vàng răng, các bệnh về lợi (nướu) và sâu răng; phát triển nhiều nếp nhăn; mắc bệnh loãng xương; khó thụ thai; mắc bệnh đục thủy tinh thể; mắc bệnh bất lực; mắc bệnh tiểu đường.
Nguồn và ảnh: SkyPost