Sau khi những tập đầu tiên của Đông Cung lên sóng, thời gian này không khó bắt gặp hàng loạt bình luận và ý kiến trái chiều xoay quanh nội dung, nhan sắc và diễn xuất của bộ đôi nam nữ chính Trần Tinh Húc và Bành Tiểu Nhiễm. Tuy thế, bên cạnh những ý kiến chê bai, có không ít khán giả bày tỏ rất ủng hộ và hài lòng với những gì Đông Cung đã làm được. Cùng điểm qua 6 ưu điểm chính giúp Đông Cung thành công "lấy lòng" đông đảo khán giả.
Manh nha tin tức từ năm 2015 nhưng đến tận lễ tình nhân năm 2019 mới chính thức ra mắt khán giả, không thể nào diễn tả hết nỗi thất vọng và thấp thỏm của fan truyện, fan phim Đông Cung khi chứng kiến tác phẩm bị dời lịch chiếu hết lần này đến lần khác, đến nỗi sáng ngày 14/2 vẫn còn có người không dám tin tối đó phim lên sóng. Nói cách khác, khán giả đã chờ quá lâu rồi mới được "gặp" Đông Cung, cho nên dù một bộ phận cho rằng phim thuộc hàng "càng kỳ vọng càng thất vọng", phần đông khán giả không khỏi thở phào khi họ nhận được điều mình mong chờ, chính vì thế dù phim có còn chút gì chưa chỉn chu, khán giả vẫn có thể sẵn sàng cho qua.
Lịch chiếu chính thức của Đông Cung đã xoa dịu khán giả sau chuỗi ngày dài mòn mỏi chờ đợi.
Làng phim Hoa ngữ đã và đang bước vào một giai đoạn "chuyển đổi thế hệ" mới khi các tên tuổi lớn dần nhắm đến những tác phẩm quy mô và nghệ thuật hơn, nhường lại "sân khấu" cho lớp diễn viên trẻ có nhan sắc và đang cần thời gian để trau dồi thêm tài năng. Tre già măng mọc là quy luật tất yếu, những diễn viên trẻ còn non kinh nghiệm, điển hình như Trần Tinh Húc và Bành Tiểu Nhiễm, có diễn xuất hạn chế là điều có thể hiểu được. Nếu chỉ biết bài xích và không cho họ cơ hội, họ sẽ không thể tiến bộ. Huống hồ hai diễn viên này diễn xuất không phải đến mức không chấp nhận được, trái lại cũng được nhiều khoảnh khắc xuất thần, cho nên khán giả nhìn chung chấp nhận cho họ cơ hội chứng minh bản thân, âu cũng là một quan điểm thoáng và phù hợp với thời điểm hiện tại.
Dù diễn xuất còn hạn chế, hai diễn viên vẫn có khả năng lấy nước mắt khán giả trong một số khoảnh khắc xuất thần.
Một yếu tố quan trọng giúp Đông Cung "lấy lòng" khán giả hẳn là nhan sắc và thần thái của thái tử Lý Thừa Ngân (Trần Tinh Húc) và công chúa Tiểu Phong (Bành Tiểu Nhiễm). Sau những chê bai ban đầu, khi phim tung trailer và sau đó là lên sóng, nhiều khán giả thừa nhận hai diễn viên có ngoại hình rất phù hợp với hình tượng trong nguyên tác. Một Lý Thừa Ngân mưa mô, bị kẹt giữa quyền lực và ái tình dành cho Tiểu Phong xuất hiện trong ánh mắt của Trần Tinh Húc; một Tiểu Phong tinh nghịch mà ngây ngô, diễm lệ động lòng người xuất hiện trong cách diễn tuy còn hạn chế nhưng vẫn toát ra nét hồn nhiên khó cưỡng của Bành Tiểu Nhiễm. Đối với phần lớn khán giả của Đông Cung, trước mắt hai diễn viên trẻ này chính là Lý Thừa Ngân và Tiểu Phong bước từ nguyên tác ra, nên cho dù diễn xuất còn thất thường, họ vẫn được yêu mến.
Ánh mắt tỏ rõ sự mưu mô của Lý Thừa Ngân được Trần Tinh Húc truyền tải khá tốt, góp công lớn giúp khán giả chấp nhận anh là Lý Thừa Ngân "đúng chuẩn".
Da trắng, mắt trong, nét đẹp của Bành Tiểu Nhiễm, khách quan mà nói, rất hợp với hình tượng Tiểu Phong trong nguyên tác Đông Cung.
Nguyên tác của Đông Cung rất ngược tâm, nhưng cũng rất độc đáo, ở chỗ nam chính - thái tử Lý Thừa Ngân - không phải kiểu nam chính thánh thiện thường thấy trong ngôn tình. Lý Thừa Ngân của Phỉ Ngã Tư Tồn đặc biệt mưu mô, xảo quyệt, đôi lúc đáng thương nhưng vẫn đáng ghét bởi có thể vì quyền lực mà lợi dụng cả người mình yêu nhất. Nhưng sự mưu mô của Lý Thừa Ngân, đối lập với tâm hồn ngây thơ của Tiểu Phong, chính là điểm cốt lõi làm nên sự "ngược luyến tàn tâm" mà khán giả và độc giả của Đông Cung mong muốn được thấy. Chính vì thế, nhiều người theo dõi Đông Cung hẳn khá hài lòng khi sau hai tập đầu tiên để Lý Thừa Ngân (tức Cố Tiểu Ngũ) tốt bụng hiền lành, biên kịch đã để hắn "hắc hóa" và bắt đầu bộc lộ sự nhẫn tâm, mưu mô trong cả việc nước lẫn chuyện tình cảm với nữ chính. Đây mới là Lý Thừa Ngân khán giả cần, bởi một Lý Thừa Ngân thế này mới dẫn đến cái kết đau đớn nhưng hợp lý cho Đông Cung.
Đông Cung đã không "thánh thiện hóa" Lý Thừa Ngân, đây là một điểm vừa tôn trọng nguyên tác, vừa tạo nền tảng cho chặng đường gian khó phía sau của nam nữ chính.
Đành rằng nguyên tác Đông Cung rất ngược, nhưng Phỉ Ngã Tư Tồn khéo léo gói gọn tình tiết chỉ trong khoảng 40 chương truyện, để khán giả "tự ngẫm" sự ngược trong truyện. Khi lên phim, biên kịch đã gia tăng thêm một số tình huống dù không có trong nguyên tác nhưng vẫn rất ấn tượng, điển hình như cảnh Cố Tiểu Ngũ gặp cát lún trong sa mạc, hay cảnh hôn nhau dưới nước của đôi nhân vật chính khi cấp bách phải nhảy xuống sông tránh truy binh, mỗi tình huống như vậy đều khắc thêm một kỉ niệm đẹp cho mối tình của Tiểu Ngũ - Tiểu Phong, tạo tiền đề để chặng đường về sau ngược càng thê thảm, bởi kỉ niệm đẹp càng nhiều, khi nữ chính nhớ lại sẽ càng thêm mấy phần đau khổ.
Trải nghiệm sinh tử khi Tiểu Ngũ bị cát lún ở sa mạc đã góp phần củng cố thêm tình cảm của Tiểu Phong.
Bỏ qua khâu dựng phim đôi chỗ còn sơ sài và những phần kĩ xảo khá thô, phần ngoại cảnh của Đông Cung nhìn chung được đầu tư khá chỉn chu, ít nhất là trong giai đoạn đầu phim, khi các sự kiện diễn ra nơi thảo nguyên và sa mạc của các tiểu quốc chứ không phải ở kinh thành. Những thảo nguyên bạt ngàn, sa mạc khô cằn mênh mông, cảnh đoàn quân dàn trận hay giáp chiến trên thảo nguyên, hay cảnh sinh hoạt của bộ tộc Đan Si, đều khá đẹp mắt và không tạo cảm giác "đồ giả". Ngoại cảnh chỉn chu cũng góp công không nhỏ trong việc thúc đẩy cảm xúc của khán giả với sự kiện và nhân vật.
Nhiều cảnh tương tác giữa nam nữ chính được quay chỉn chu, lãng mạn, phô diễn được vẻ đẹp của chốn thiên nhiên hoang dã.
Cảnh người ngựa di chuyển giữa đại mạc rất đẹp, hoành tráng và chân thật.
Đông Cung tuy không "đại bạo" như mong đợi nhưng trước mắt cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm. So với mặt bằng chung các tác phẩm chuyển thể hiện tại, Đông Cung vẫn xứng được xếp vào hàng "có tâm", lại thêm cảm giác khá tươi mới từ những diễn viên trẻ đã giúp phim dần chiếm được cảm tình nhất định từ người xem.
Đón xem phim Đông Cung vào 20:00 hàng ngày.