Mỗi vùng miền Việt Nam đều có những món canh được chế biến từ các loại lá, cây đặc trưng. Với Thanh Hoá thì đó là canh đắng, nguyên liệu chính sử dụng là lá đắng, được trồng nhiều ở vùng núi xứ Thanh.
Cây lá đắng mọc nhiều ở vùng núi Thanh Hoá.
Lá đắng có vị đắng chát và ngọt hậu, khi nấu thành canh đắng thì không thể thiếu mẻ và sả, tạo thành hương vị chua chua, giảm đắng mà lại làm bát canh thêm thơm nồng.
Tuỳ vào các địa phương trong tỉnh mà canh lá đắng sẽ có những cách nấu khác nhau, có thể nấu với thịt gà, lợn, bò, cá…, nhưng mang tính truyền thống và được biết đến nhiều nhất là canh lá đắng nấu với lòng lợn. Dân tình gọi ghép một cách dân dã là canh “Đắng Lòng”.
Trong nhóm Yêu Bếp với 1 triệu thành viên trên Facebook, mới đây có một bài đăng giới thiệu về canh “Đắng Lòng” nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên. Cách gọi dân dã cùng nguyên liệu lá đắng, lòng lợn gây tò mò cho dân mạng.
Các nguyên liệu của canh "Đắng Lòng".
Món canh “Đắng Lòng” (canh lá đắng nấu lòng heo) được chủ bài viết chia sẻ là món ăn đặc sản của người Mường, Thanh Hoá. Hương vị đắng “lạ”, ngọt bùi dư vị khiến ai ăn được một lần sẽ muốn có những lần sau. Vị đắng của lá hoà hợp với vị ngọt của lòng, vị cay của ớt, vị chua của mẻ, vị thơm của hành, sả, tạo thành một món canh đậm chất xứ Thanh, mời gọi du khách.
Bát canh "Đắng Lòng" sau khi nấu, thêm chút ớt, xả để dậy mùi và kích thích vị giác hơn.
Từ cái tên cho đến nguyên liệu, cách nấu của canh “Đắng Lòng” đều kích thích sự tò mò của thực khách và sẽ bùng nổ vị giác khi nếm thử. Ai không ăn được thì thôi chứ ăn là nghiền, khó quên vị đặc biệt của ẩm thực xứ Thanh, của đặc sản Việt Nam.