Quả thực, việc làm phim chưa bao giờ là con đường "trải đầy hoa hồng" đối với các đạo diễn, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ. Cùng điểm lại những tình huống éo le nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh để hiểu thêm về "nghiệp" làm phim mà các tài năng trẻ đang theo đuổi.
Khi đạo cụ gây "khó dễ" cho nhà làm phim
Bàn về chuyện hậu trường, nhóm làm phim "Tôi đưa em" do bạn Chu Ánh Nguyệt đạo diễn thực hiện một cảnh quay trong ngõ nhỏ nên cần đèn để chiếu sáng. Nhưng do đèn của đoàn phim quá sáng và chiếu thẳng vào cửa sổ của các căn hộ trên khu tập thể đối diện nên khi đoàn đang quay lúc 3 giờ sáng, một cụ già trong khu tưởng trời đã sáng và thức dậy rủ bạn đi tập thể dục. Khi ra đến nơi và phát hiện đó là đèn của đoàn làm phim, cụ quyết định ở lại xem đoàn quay đến sáng rồi tập thể dục luôn.
Một cảnh quay đêm của đoàn làm phim "Tôi đưa em" với sự chuẩn bị kỹ càng về máy móc thiết bị
Đạo diễn trẻ Chu Ánh Nguyệt hóa trang cho diễn viên trong một cảnh quay trên đường phố Hà Nội
Nguyệt hài hước kể thêm: "Đạo cụ của đoàn mình là một xe rác nên trong lúc xe đỗ bên đường, rất nhiều người dân xung quanh đã đi ra để vứt rác vào đó. Thậm chí, trong một cảnh quay đêm, một xe tải thu gom rác đi đến chỗ xe đạo cụ để gom rác. May mà bọn mình đã kịp thời giải thích".
Chiếc xe rác là một trong những đạo cụ chính làm nên câu chuyện của "Tôi đưa em"
Một thử thách đáng quan quại khác không chỉ làm khó dễ các nhà làm phim trẻ mà còn cả các đoàn làm phim lâu năm: đó là quay cảnh di chuyển. Nhóm của Nguyệt có một cảnh quay hai nhân vật chính đèo nhau trên chiếc xe ba gác chở rác. Các bạn thử rất nhiều phương án khác nhau và cuối cùng tổ kỹ thuật đã thiết kế riêng một bộ giá để thành viên quay phim có thể ngồi lên xe quay cận cảnh diễn viên khi xe đang chạy. Đôi khi trong cái khó cũng "ló cái khôn".
Chuẩn bị bối cảnh quay trước cảnh di chuyển của 2 diễn viên chính trong "Tôi đưa em"
Về mặt kỹ thuật, nhóm làm phim "Hãy thức tỉnh và sẵn sàng" của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân lại gặp trục trặc với máy quay phim. Khoảng 2 giờ 50 sáng, khi đang bấm cảnh quay đầu tiên thì máy quay bỗng dưng ngừng hoạt động và cả đoàn lại được phen tá hỏa. Sau khi "ngâm cứu", hóa ra do máy được bọc trong áo mưa 3 tiếng đồng hồ và sử dụng nguồn ngoài để máy hoạt động liên tục trong lúc thử cảnh quay nên máy không được tản nhiệt. Đội ngũ quay phim phải gỡ áo mưa và bắt đầu ngồi quạt để máy "hạ hỏa". Sau 15 phút, mọi thứ hoạt động bình thường và cả đoàn đã có cảnh quay đầu tiên thành công.
Một cảnh quay trong "Hãy thức tỉnh và sẵn sàng" – Đoàn làm phim phải dùng áo mưa che chắn để bảo vệ máy quay
Nan giải chuyện… bối cảnh quay phim
Bạn Thiên Ân chia sẻ thêm: "Trong cảnh quay về một vụ tông xe, nhóm Ân cần một người lên tầng trên của ngôi nhà gần đó để bật đèn chiếu xuống. Chuyện sẽ không có gì nếu căn phòng tầng đó là nơi làm việc của… hợp tác xã. Đoàn làm phim đã tới xin phép cô chủ nhiệm nhưng cô không cho phép lên, mặc cho anh chủ tịch phường gọi điện thuyết phục nhưng vẫn không thành công." Đến ngày quay, cả đoàn bèn nhờ một anh công an khu vực gần đó giúp đỡ, nói chuyện nhẹ nhàng và cuối cùng cán bộ hợp tác xã cũng mở cửa cho lên trên ban công ngôi nhà nhưng không được phép vào phòng.
Phim "Hãy thức tỉnh và sẵn sàng" của Phạm Thiên Ân là một cú máy quay dài diễn tả sự kết nối của 3 thanh niên trẻ trước vụ tông xe gần một quán nhậu ở vỉa hè
Bên cạnh đó, thời tiết có vẻ hiếm khi "chiều lòng" các đoàn làm phim. Trong buổi quay đầu tiên, nhóm làm phim của bạn Thiên Ân đã lên phương án dự phòng nếu trời mưa liên tục vào buổi tối, nhóm sẽ sử dụng giàn Truss (giàn khung không gian) và bạt che. Đoàn phim mất 4 tiếng đồng hồ để lắp ráp giàn Truss và chỉ đạo diễn xuất cho đội ngũ diễn viên quần chúng. Thời tiết tối hôm đó khá đẹp cho đến lúc 2 giờ 30 sáng, trời bắt đầu đổ mưa. Và đoàn chỉ còn 2 tiếng để quay vì đến 4 giờ 30 sáng, khu chợ gần đó sẽ bắt đầu hoạt động. May mắn thay trời tạnh sau đó vài phút và đoàn bắt đầu những cảnh quay đầu tiên. Ân cười trừ: "Nếu lúc đó mà trời mưa lớn chắc tụi mình phải kéo bạt che, dời giàn truss, di chuyển đèn, cho diễn viên quần chúng mặc áo mưa và khổ nhất là phải thay đổi kịch bản".
Đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân đang chỉ đạo diễn xuất tại bối cảnh quay ở Biên Hòa (Đồng Nai)
Có thể thấy, đằng sau những thước phim đẹp mà chúng ta xem trên màn ảnh là mồ hôi, thậm chí là nước mắt của cả một ê kíp. Dù đây mới chỉ là phim ngắn nhưng các đạo diễn trẻ rất chăm chút và đầu tư khá kỹ lưỡng về mặt nội dung lẫn cảnh quay.
Để có được những thước phim đẹp, đó là công sức của tập thể nhóm làm phim "Tôi đưa em"
Gương mặt rạng rỡ của đoàn làm phim "Hãy thức tỉnh và sẵn sàng" khi xem lại thành quả quay sau một ngày dài
Đạo diễn Phan Đăng Di, thành viên Hội đồng thẩm định Dự án phim ngắn CJ tâm đắc: "Tôi tin là trong số 5 dự án được chọn để sản xuất lần này sẽ có nhiều dự án đi xa được. Đó không phải là niềm tin lạc quan thái quá, mà nó dựa trên bằng chứng và cơ sở là có một số nhà làm phim trẻ đã có những tác phẩm phim ngắn tốt đến được những liên hoan phim hàng đầu. Và dự án họ gửi đến lần này rõ ràng đã có một sự chuẩn bị rất kỹ càng cả về kế hoạch sản xuất và tầm nhìn đạo diễn".
Đạo diễn Phan Đăng Di rất kỳ vọng vào các phim ngắn được lựa chọn tại Dự án phim ngắn CJ lần này
Kết thúc vòng Trình bày ý tưởng của Dự án phim ngắn CJ, 5 thí sinh xuất sắc nhất nhận được hỗ trợ 200 triệu đồng để thực hiện dự án phim ngắn gồm:
- Hãy thức tỉnh và sẵn sàng – Đạo diễn Phạm Thiên Ân
- Cưới vợ cho cha – Đạo diễn Nguyễn Lê Trung Hải
- Một khu đất tốt – Đạo diễn Phạm Ngọc Lân
- Ngọt, mặn – Đạo diễn Dương Diệu Linh
- Tôi đưa em – Đạo diễn Chu Ánh Nguyệt
Dự kiến buổi lễ tổng kết dự án sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 4/12 với sự tham dự của các nhà làm phim trong nước và các đạo diễn trẻ đến từ Hàn Quốc. Cũng trong khuôn khổ chương trình, buổi công chiếu các phim ngắn xuất sắc và Tọa đàm các nhà làm phim trẻ Việt-Hàn sẽ chính thức diễn ra vào cùng ngày. Các phim ngắn sau khi hoàn thành sẽ được CGV hỗ trợ gửi đi tham dự các liên hoan phim quốc tế uy tín trên thế giới.
THÔNG TIN VỀ CGV
CGV là đơn vị thuộc CJ Group, một trong top 5 cụm rạp chiếu phim lớn nhất toàn cầu và là nhà phát hành, cụm rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam.
CGV đã tạo nên khái niệm độc đáo về việc chuyển đổi rạp chiếu phim truyền thống thành tổ hợp văn hóa "Cultureplex", nơi khán giả không chỉ đến thưởng thức điện ảnh qua các công nghệ tiên tiến như SCREENX, STARIUM, IMAX, 4DX, Dolby Atmos mà còn thưởng thức dịch vụ và ẩm thực hoàn toàn khác biệt chỉ có tại CGV.
Thông qua những chương trình Lớp học làm phim TOTO; Cuộc thi Nhà biên kịch tài năng; Dự án phim ngắn CJ; CGV Art House; cùng việc tài trợ thường niên cho Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan Phim Việt Nam, CGV mong muốn sẽ góp phần khám phá và hỗ trợ cho các nhà làm phim trẻ tài năng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, CGV cũng đặc biệt quan tâm đến đối tượng khán giả ở các khu vực không có điều kiện tiếp cận nhiều với điện ảnh thông qua các chương trình vì cộng đồng như Trăng cười và Điện ảnh cho mọi người.