Trong nhịp sống hối hả của đô thị, ngày càng nhiều người trẻ cảm thấy mệt mỏi với sự bon chen và áp lực. Họ bắt đầu tìm kiếm những không gian mới – nơi cho phép họ tạm rời xa cuộc sống đắt đỏ, ngột ngạt để tìm lại sự bình yên. Đó cũng là câu chuyện của Ren Binglin, 25 tuổi, một nhiếp ảnh gia sống tại Trung Quốc.
Ren Binglin, 25 tuổi
Dưới đây là câu chuyện của chính Ren Binglin, kể lại hành trình tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của mình:
Chỉ vài ngày làm việc ở Bắc Kinh cũng đủ để tôi nhận ra rằng mình cần một kỳ nghỉ. Đầu tháng 9, tôi cảm thấy mọi thứ ở thủ đô quá đắt đỏ. Cuộc sống nơi đô thị khiến tôi ngột ngạt.
Tôi sinh ra ở Hà Nam (Trung Quốc), nhưng giờ đây, ở tuổi 25, tôi là một người du mục kỹ thuật số và không còn nơi nào trong đất nước này thực sự cảm thấy như “nhà” nữa.
Tôi sống thay đổi liên tục giữa nhà trọ, homestay và thậm chí từng thuê nhà của một nông dân. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng dành vài tuần mỗi năm để trở về với gia đình.
Tôi yêu thích những vùng khác nhau của Trung Quốc vì những lý do khác nhau. Tôi thích khí hậu của Đại Lý, những ngôi nhà gỗ ở Thiệu Hưng, bạn bè ở núi Thái Hàng, buổi sáng ở Dương Sóc và những đêm ở Thượng Hải.
Một buổi sáng, tôi bắt đầu tìm kiếm những nơi có thể ghé thăm trên núi. Trên Xiaohongshu – nền tảng giống Instagram của Trung Quốc – tôi tình cờ thấy Guanye, một “làng nghỉ hưu cho giới trẻ”. Rõ ràng, nơi này không liên quan đến việc chăm sóc người già, mà chỉ đơn giản là một vùng thiên nhiên rộng lớn.
Những bức ảnh về núi non, hồ bơi và những người cùng trang lứa nấu ăn, leo núi, xem phim đã thu hút tôi. Tôi cảm thấy mình sẽ hòa nhập tốt với họ. Đến trưa hôm đó, tôi đã quyết định lên đường.
Tôi mua vé tàu từ Bắc Kinh với giá hơn 10 tệ (khoảng 35.000 đồng). Ngôi làng nằm ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh gần 300km về phía tây nam, và chuyến tàu đến Bách Kiện – ga gần nhất – mất khoảng ba giờ.
Ngay sau khi đến, tôi được dẫn đến phòng của mình. Tất cả các phòng đều có tầm nhìn ra núi. Phòng tôi có cửa sổ kính chạm sàn, một chiếc giường dài 1,8 mét, tủ lạnh, phòng tắm và TV. Chiếc TV đó vẫn tắt suốt thời gian tôi ở đây.
Căn phòng có giá khá rẻ: 3.600 tệ (khoảng 12,6 triệu đồng) mỗi tháng, bao gồm cả ăn uống và chỗ ở. Đây là một ngôi nhà sân vườn với các phòng bao quanh một khoảng sân, tổng diện tích khoảng 200m2.
Là một nhiếp ảnh gia, thu nhập của tôi không ổn định. Có những lúc hai tuần liền tôi không kiếm được đồng nào, nhưng cũng có ngày tôi có thể kiếm đủ để trang trải cả tháng.
Sự khác biệt giữa cuộc sống thành phố và cuộc sống trên núi là rất lớn. Sự yên tĩnh ở ngôi làng này là một điều xa xỉ đối với tôi. Đôi khi, vào buổi sáng, tôi thức dậy bởi tiếng dê gặm cỏ. Đó là một cảm giác tuyệt vời.
Hầu hết những người ở đây đều trong độ tuổi từ 20 đến 30 – tôi 25. Tôi cũng gặp một số người ở độ tuổi 40 và 50.
Tôi không cần phải nỗ lực quá nhiều để gặp gỡ những người thú vị. Nơi này có một dòng chảy tự nhiên thu hút nhiều kiểu khách khác nhau. Các quản lý đối xử với tôi như một người bạn, chứ không phải khách hàng.
Tôi không phải là kiểu khách điển hình. Hầu hết mọi người đến đây để “nằm yên” một thời gian trước khi dần dần quay lại làm việc, giống như một kỳ nghỉ ngắn. Nhưng tôi thì vẫn tiếp tục làm việc.
Tôi yêu thích công việc của mình, nên điều đó không làm tôi phiền lòng. Tôi làm nhiếp ảnh AI, tùy chỉnh ảnh theo yêu cầu khách hàng và cũng dạy học. Phần lớn công việc tôi làm trực tuyến.
Hầu hết những người tôi trò chuyện ở đây đều từng trải qua một biến cố trong cuộc sống, sự nghiệp, tình cảm hoặc gia đình. Tôi gặp một luật sư, anh ấy nói rằng mình đã quá mệt mỏi với sự bận rộn nên chuyển sang lối sống du mục, nhưng do công việc, anh vẫn phải thường xuyên ra tòa.
Tôi cũng thường xuyên trò chuyện với một trong những nhà sáng lập, Cui Kai. Anh ấy vừa tròn 30 tuổi nhưng lại mang phong thái của một cậu học sinh trung học. Anh ấy rất tự nhiên và chân thành.
Tôi hỏi một nhà đồng sáng lập khác lý do anh chọn mở khu nghỉ dưỡng này ở quê nhà. Anh nói rằng mình lớn lên ở ngôi làng này, và những ngôi nhà sân vườn thuộc về họ hàng của anh. Ông bà anh giờ đã khoảng 95 tuổi, và anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho họ.
Tôi có thể thấy rằng ngôi làng rất nghèo, thanh niên phần lớn đã rời đi để tìm việc làm. Những gì tôi nhìn thấy chỉ là những người già chơi mạt chược mỗi ngày. Người đồng sáng lập ấy nói rằng anh không muốn bỏ rơi quê hương mình. Anh muốn xây dựng nó.
Bữa sáng có trứng, bánh bao hấp, cơm, cháo kê và bánh mì dẹt. Buổi trưa, chúng tôi được ăn thịt gà, thịt bò, khoai tây xào đậu và bắp cải. Một cô trong làng nấu ăn cho chúng tôi.
Họ thường tổ chức các hoạt động như hái hồng, nhặt hạt dẻ, leo núi hoặc tập thiền vào buổi sáng. Tôi nghe nói vào mùa hè, mọi người còn đi bơi, xem phim hoặc cùng nhau uống rượu.
Tôi tham gia nhiều nhất vào các hoạt động liên quan đến uống rượu. Đôi khi, chúng tôi ra sông, nhặt củi nhóm lửa rồi vừa uống rượu vừa trò chuyện.
Vào sinh nhật tôi, khoảng 25 người cùng ngồi uống rượu, kể chuyện cười và nhấm nháp các món như hạt, trái cây khô và bánh. Chúng tôi đã uống hết không biết bao nhiêu két bia. Còn có cả baijiu – loại rượu mạnh của Trung Quốc nữa.
Tôi nghĩ nơi này giúp mọi người nạp lại năng lượng. Ở thành phố, chi phí đắt đỏ, nhiều người không hài lòng với công việc của họ. Tôi thấy thật khó để thiết lập những mối quan hệ sâu sắc. Cứ như thể chúng ta đang sống vì người khác và luôn phải đeo một chiếc mặt nạ vậy.
Theo Business Insider