Dọn nhà vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán mang rất nhiều ý nghĩa. Hành động này không chỉ đơn thuần là dọn dẹp cho sạch sẽ, ngăn nắp đón khách khứa tới chơi mà còn là sắp xếp lại những bộn bề năm cũ, kết thúc một năm đã qua. Đồng thời, mang ý nghĩa chuẩn bị sẵn sàng để được chào đón một năm mới tốt đẹp, an khang, thịnh vượng hơn. Đây còn là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, cùng nhau vun vén cho mái nhà chung, gắn kết tình cảm.
Dọn nhà đón Tết không chỉ cải thiện không gian sống mà còn giúp gắn kết gia đình (Ảnh minh họa)
Khi dọn nhà đón Tết, chúng ta cũng thường có xu hướng vứt bỏ những cái cũ, hỏng và sắm sửa, trang hoàng đồ mới. Bên cạnh việc cải tạo không gian thì đây còn là hành động có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống, bao gồm cả sức khỏe hay ngoại hình của mỗi người. Vì vậy, dù tiết kiệm đến đâu khi dọn nhà dịp Tết cũng cần vứt bỏ 5 thứ sau đây:
Nhà bếp là một trong những khu vực tốn nhiều thời gian nhất trong quá trình dọn nhà đón Tết. Ngoài việc vệ sinh, sắp xếp lại thì chúng ta cũng nên xem xét và vứt bỏ những vật dụng nhà bếp đã dùng quá lâu. Ví dụ như nồi niêu xoong chảo đã mất lớp chống dính, bị cặn bám thức ăn khó làm sạch hoàn toàn, bát đĩa sứt mẻ nhiều, đũa thìa hoen ố, nấm mốc… Bởi vì không chỉ làm ảnh hưởng tới hương vị món ăn, chúng có thể gây tại nạn, mang theo chất độc hại vào cơ thể.
Chưa kể, bất cứ vật dụng nào khi dùng quá lâu cũng sẽ rất khó vệ sinh, bị sứt mẻ và dễ thành môi trường tích tụ vi khuẩn, nấm mốc. Đặc biệt là với đồ dùng bằng gỗ lâu ngày, như thớt gỗ hay đũa gỗ. Chúng rất dễ xuất hiện nấm mốc chứa độc tố aflatoxin gây ung thư và nhiều bệnh hiểm nghèo khác. Càng đáng lo ngại hơn khi chất này không thể biến mất khi đun nấu thông thường.
Trong khi, các đồ dùng nhà bếp được sử dụng liên tục hàng ngày nên sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cả gia đình khi chất độc tích tụ lâu ngày. Nên hãy nhân dịp dọn nhà đón Tết để thay thế chúng. Nhớ rằng, thớt gỗ nên được thay mới 6 tháng tới 1 năm 1 lần, đũa gỗ là 3 - 6 tháng. Còn nếu thấy chúng sứt mẻ, nấm mốc bạn có thể thay mới ngay lập tức.
Thực tế là mọi loại mỹ phẩm đều có hạn sử dụng, đặc biệt là thời hạn có thể dùng được sau khi mở nắp. Tuy nhiên, rất nhiều người ít quan tâm tới điều này, hoặc chỉ quan tâm tới hạn sử dụng khi sản phẩm còn chưa được mở nắp, còn mở ra rồi thì cứ dùng tới khi nào hết thì thôi.
Nhiều sản phẩm như son môi hay kem dưỡng, phấn mắt… thường chỉ có hạn sử dụng 6 tháng tới 12 sau khi bạn đã mở nắp. Cũng chẳng ít người tham rẻ rồi mua các hũ lớn, đến khi phát hiện chúng quá hạn sử dụng vẫn tiếp tục dùng vì muốn tiết kiệm. Vì vậy hãy nhân dịp dọn nhà đón Tết để kiểm tra lại và vứt bỏ, thay mới nếu cần.
Đừng tiếc rẻ mỹ phẩm mở nắp quá lâu hay hết hạn sử dụng kẻo hại da lại gây bệnh tật (Ảnh minh họa)
Bởi khi mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da hết hạn sử dụng, các chất hóa học trong đó có thể biến đổi và sinh ra các chất có hại, gây kích ứng cho da hoặc thậm chí tổn thương nghiêm trọng hơn. Chúng cũng dễ sản sinh nấm mốc và gây ra các mối nguy hại khác cho sức khỏe.
Sự thoải mái của gối sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và cả sức khỏe của chúng ta. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn giặt gối thường xuyên có nghĩa là chúng sẽ có thể sử dụng được mãi mãi. Hãy nhân dịp dọn nhà cuối năm để “tống khứ” những chiếc gối gây hại cho sức khỏe, đã dùng quá lâu.
Bởi vì gối dùng quá lâu không thay có thể biến đổi màu sắc, hình dạng. Dẫn tới giấc ngủ, xương khớp, tư thế nằm, hô hấp, làn da của người sử dụng đều bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, gối cũng là vật dụng dễ chứa rất nhiều vi khuẩn do mồ hôi, da chết, tóc và bụi bẩn hàng ngày.
Các nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng, vỏ gối và ga giường không giặt sau 1 tuần: có thể sản sinh ra 3 triệu vi khuẩn, tức là gấp 17.000 lần so với bệ ngồi bồn cầu. Con số này có thể lên tới 10 triệu nếu bạn không giặt sau 4 tuần. Chưa kể, dù bạn chăm giặt giũ cỡ nào cũng không thể đảm bảo phần ruột cao su hay bông bên trong được làm sạch đủ sau khoảng thời gian dài.
Điều này cũng tương tự với những con thú nhồi bông trong nhà bạn. Nhất là khi thú nhồi bông thường không được giặt thường xuyên như gối, mền. Ngoài ra, bông trên chúng lâu ngày có thể bị hư hại, phân tán khắp nơi, dễ hít phải và gây hại cho cơ thể.
Nhiều gia đình dọn nhà đón Tết thường chỉ dọn sạch tủ lạnh mà không quan tâm đến việc kiểm tra kỹ lại các thực phẩm, hộp nhựa dùng bảo quản trong tủ lạnh. Cũng có người vì tiết kiệm mà ngay cả khi để quá lâu, hư hại vẫn không muốn vứt bỏ chúng.
Thực phẩm để quá lâu trong tủ lạnh, bị hết hạn sử dụng không chỉ ảnh hưởng tới hương vị mà còn gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, tích tụ bệnh tật… khiến Tết mất vui, lâu dài làm giảm tuổi thọ. Còn các hộp nhựa bảo quản thức ăn dùng lâu cũng có thể giải phóng các hóa chất độc hại, chẳng hạn như bisphenol A (BPA), có thể ngấm vào thực phẩm và đồ uống đựng trong đó. Việc tiêu thụ lâu dài các hóa chất này có thể có tác động tiêu cực đến cơ thể con người. Nhất là các loại hộp nhựa xuất xứ trôi nổi, chất lượng kém.
Chưa kể, hộp nhựa dù tốt nhưng dùng lâu cũng có thể bị hư hại, móp méo, khó làm sạch hoàn toàn. Như vậy sẽ làm giảm chức năng bảo quản thực phẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Tiết kiệm khăn tắm và bàn chải đánh răng quá mức là những kiểu tiết kiệm đánh đổi sức khỏe vô cùng khủng khiếp. Vì vậy, hãy nhân dịp dọn nhà đón Tết để thay mới chúng. Đương nhiên, chúng ta nên thay mới khăn tắm, bàn chải đánh răng thường xuyên chứ không phải dọn nhà Tết mới thay. Chỉ là đây là dịp thuận tiện, trong khi thực tế vẫn có rất nhiều người khi dọn nhà đón Tết vẫn vì tiếc rẻ mà không vứt bỏ khăn tắm, bàn chải đánh răng đã quá lâu ngày.
Khăn thường có hạn dùng từ 2 - 6 tháng, do đó bạn nên tránh sử dụng quá thời hạn vì lúc này chất lượng của khăn không còn tốt nữa, có thể nảy sinh thêm nhiều vi khuẩn gây hại cho da. Không chỉ vậy, sau 2 - 3 ngày sử dụng thì cũng nên giặt khăn tắm 1 lần để bảo đảm vệ sinh cho cơ thể.
Chẳng cần chờ dọn nhà dịp Tết, bất cứ khi nào bàn chải đánh răng hư hại hãy thay mới ngay (Ảnh minh họa)
Còn với bàn chải đánh răng, các nha sĩ khuyến cáo nên thay bàn chải theo định kỳ 3 - 4 tháng 1 lần, nhưng các chính xác nhất vẫn là dựa vào tình trạng của lông bàn chải. Bởi vì tùy thuộc vào chất lượng bàn chải, tần suất đánh răng, tình trạng thực tế của răng mỗi người mà lông chải sẽ hư hại trước cả thời gian trên. Nếu thấy lông bàn chải bông tơi, xù, hư hại, biến dạng, mòn, bị rụng nhiều hay bàn chải bị nấm mốc, ố bẩn… hãy thay mới ngay dù ở bất cứ thời điểm nào.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, QQ, Health People