Đơn giản hóa phương thức xét tuyển đại học

Yến Anh thực hiện, Theo Người lao động 17:20 04/12/2022

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng các trường đại học cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh năm 2023 và năm 2025 trở đi.

. Phóng viên: Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2022 đã kết thúc, bà đánh giá thế nào về những chuyển biến trong công tác tuyển sinh năm nay?

Đơn giản hóa phương thức xét tuyển đại học - Ảnh 1.

PGS-TS NGUYỄN THU THỦY

- PGS-TS NGUYỄN THU THỦY: Nếu nói ngắn gọn thì tôi muốn dùng từ "chuyển biến tích cực". Tự chủ ĐH đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện… Việt Nam cũng ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục ĐH được ghi nhận trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới và khu vực như các bảng xếp hạng của THE, QS World University Rankings.

Về tuyển sinh, lần đầu tiên toàn bộ quy trình đăng ký tuyển sinh, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý lọc ảo chung trên hệ thống. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các trường công bố. Điều này đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực. Các trường được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các trường tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố. Bộ Giáo dục và Đào tạo có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả trường, phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các trường điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.

Đơn giản hóa phương thức xét tuyển đại học - Ảnh 2.

Các trường cần đẩy mạnh tự chủ, trong đó cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh. Ảnh: HOÀNG LAN

. Về tự chủ ĐH, việc thực hiện còn chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng… Bà đánh giá thế nào về những thách thức đặt ra với tự chủ ĐH?

- Đúng vậy, tự chủ ĐH ở mức cao vẫn là vấn đề nhiều cơ sở giáo dục ĐH còn lúng túng khi triển khai. Các trường cần phải quan tâm tới việc nâng cao nhận thức, năng lực, tích cực tổ chức triển khai thực hiện quyền tự chủ, gắn liền với trách nhiệm giải trình tới các bên liên quan ngày càng cao.

Cả nước mới có 141/232 trường đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại Luật Giáo dục ĐH. Lý do của thực trạng này là do các trường chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH (18,53%), chưa thành lập hội đồng trường (7,5%), còn lại do chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác (ví dụ chưa chuyển đổi mô hình tổ chức từ dân lập sang tư thục). Trong số 23 trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, đến nay có 3 trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH hiện hành với lý do các trường đã trình cơ quan quản lý trực tiếp về việc thành lập hội đồng trường nhưng chưa được phê duyệt.

Thách thức ở đây chính là nhận thức về tự chủ ĐH chưa đầy đủ, năng lực quản trị nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thách thức còn nằm ở nhận thức và năng lực về tự chủ ở các bên liên quan, từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đến đội ngũ quản lý trong các cơ sở giáo dục, từ đó dẫn đến việc thành lập và hoạt động của một số hội đồng trường chưa thực sự có hiệu lực, hiệu quả. Mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu chưa mang lại sức mạnh nội tại cho cơ sở giáo dục ĐH; còn có các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết.

Bên cạnh đó, thu hút nguồn lực cho giáo dục ĐH còn hạn chế, do vậy đặt ra những gánh nặng cho tự chủ ĐH, nhiều bên liên quan vẫn hiểu tự chủ là "tự lo" là nhận thức chưa đúng đắn và phù hợp.

.Theo bà, các cơ sở giáo dục cần làm gì để nắm bắt cơ hội đào tạo nhân lực chất lượng cao? Đề án tuyển sinh ĐH phải điều chỉnh thế nào để ngày càng hoàn thiện?

- Nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao ngày càng gia tăng chính là động lực để gia tăng cả về số lượng và chất lượng trong tiếp cận giáo dục ĐH. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế và quốc tế hóa, chuyển đổi số và giáo dục ĐH số là những xu hướng quan trọng để tiếp tục tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu. Tự chủ ĐH đang ngày càng mạnh mẽ trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục ĐH mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.

Đứng trước những cơ hội đó, các trường ĐH cần nâng cao nhận thức về tự chủ, nâng cao năng lực quản trị ĐH cho đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, thực hiện quản trị nhà trường hiệu quả, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường…

Một lưu ý nữa là các trường cần hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành. Xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2023 và cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...