Ngày 30-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022 khối đại học (ĐH) và cao đẳng sư phạm.
Gần 100.000 thí sinh trúng tuyển không nhập học
Về kết quả xét tuyển theo các phương thức, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có chỉ tiêu và tỉ lệ nhập học cao nhất (tỉ lệ nhập học theo chỉ tiêu là 93,82%; tỉ lệ nhập học theo các phương thức 52,38%), tiếp theo là phương thức xét học bạ (tỉ lệ nhập học theo chỉ tiêu 75,67%; tỉ lệ nhập học theo các phương thức 36,24%)... Các lĩnh vực có tỉ lệ thí sinh (TS) trúng tuyển cao nhất là kinh doanh và quản lý (26%), máy tính và công nghệ thông tin (13%), nhân văn (9%), công nghệ kỹ thuật (9%)...; có 220 cơ sở đào tạo (CSĐT) sử dụng các phương thức xét tuyển sớm với 395.858 TS trúng tuyển.
Bộ GD-ĐT cho biết kỳ tuyển sinh năm 2022 vẫn còn những hạn chế. Đó là thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến; một số CSĐT đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; gần 100.000 TS trúng tuyển nhưng không nhập học; một số CSĐT xét tuyển sớm chưa hiệu quả; TS phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại CSĐT…
Thống kê số liệu tuyển sinh 3 năm gần đây cho thấy phần lớn CSĐT đã tuyển được số lượng đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu (bên cạnh đó cũng có một số CSĐT tuyển sinh khó khăn). Cụ thể, năm 2022 có 52 CSĐT tuyển sinh kém, năm 2021 và 2020 lần lượt là 34 và 46.
Bộ GD-ĐT nhận định các CSĐT tuyển kém chủ yếu là các trường tư thục chưa có đủ uy tín, thương hiệu mạnh và một số trường công lập, phân hiệu trường công lập không có lợi thế về địa điểm hoặc lĩnh vực đào tạo. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, phần lớn CSĐT tuyển kém trong đợt 1 năm 2022 cũng tuyển kém trong 2 năm gần đây. Theo Bộ GD-ĐT, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể, ở đợt 1 năm 2022, nông lâm nghiệp và thủy sản 42,91%; khoa học sự sống 54,35%; khoa học tự nhiên 58,28%; dịch vụ xã hội 58,28%.
Danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hằ̀ng năm, nhưng chủ yếu là những ngành hẹp hoặc ngành mới thí điểm đào tạo với chỉ tiêu thấp và ít nơi đào tạo. Một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng chỉ tiêu rất thấp. Nhiều ngành tuyển quy mô lớn trong toàn hệ thống, đạt chỉ tiêu tương đối cao nhưng lại gặp khó khăn ở một số CSĐT. Các chương trình liên kết quốc tế có xu hướng trở nên kém hấp dẫn hơn những năm trước đây. Nhiều CSĐT gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là đối với các chương trình mà đối tác nước ngoài không có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng kết quả tuyển sinh phụ thuộc vào sự lựa chọn trường, chọn ngành của TS và chiến lược tuyển sinh của mỗi CSĐT. Một số nguyên nhân dẫn tới việc một số CSĐT tuyển sinh kém so với chỉ tiêu đề ra, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo: cạnh tranh giữa các CSĐT trong tuyển sinh ngày càng mạnh mẽ hơn. Số lượng và chất lượng tuyển sinh khẳng định thương hiệu, uy tín của mỗi CSĐT, trở thành yếu tố thành công cốt lõi trong chiến lược phát triển của mỗi CSĐT.
Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH FPT - cơ sở TP HCM
Xem xét không thực hiện xét tuyển sớm
Năm nay xu hướng phân cực khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô và thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém đi.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 tăng khoảng 5% so với năm 2021; số TS tốt nghiệp THPT tương đương như năm trước, cộng thêm một tỉ lệ không nhỏ chọn đi du học làm gia tăng sức ép cho các CSĐT phải cạnh tranh tuyển đạt chỉ tiêu. Một số ngành đang tuyển tốt trong các năm trước được các CSĐT gia tăng mạnh chỉ tiêu, nhất là một số trường ĐH tư thục, để giành thị phần. Tuy nhiên, một số CSĐT xác định chỉ tiêu quá lớn so với khả năng thu hút TS, dẫn tới kết quả tuyển sinh không như kỳ vọng. Nguyên nhân của việc khó tuyển sinh cũng được Bộ GD-ĐT chỉ ra là do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của TS có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.
Bộ GD-ĐT xác định về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp kỹ thuật hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh năm 2023 của các CSĐT và hỗ trợ tốt hơn cho TS trong quá trình xét tuyển. Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các CSĐT rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không phù hợp, không hiệu quả có thể gây nhiễu hệ thống, gây khó khăn cho TS. Bộ GD-ĐT hoàn thiện quy trình, kế hoạch tuyển sinh và có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Thay vào đó, tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Thí sinh nhập học đạt gần 80% tổng chỉ tiêu
Chỉ tính riêng bậc ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết trong số 564.735 TS trúng tuyển đã có 463.123 TS nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021 và vượt cả số lượng của cả năm 2020. Trong số 224 CSĐT đầu mối, 149 CSĐT có tỉ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số nhập học của toàn quốc. Tổng số TS nhập học toàn quốc đạt gần 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 CSĐT đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu.