Khi người ấy yêu bạn theo chủ nghĩa hoàn hảo

ZEN, Theo Trí Thức Trẻ 13:55 19/08/2013

Đã bao giờ bạn cảm thấy áp lực bởi chủ nghĩa hoàn hảo của nửa kia chưa? Và nếu chàng của bạn đúng là người chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo thì phải làm thế nào?

Dấu hiệu nhận biết

“Em nên thế này...”; “ Em phải làm thế này...”; “Em không được”...
sẽ là những câu mệnh lệnh, là câu cửa miệng quen thuộc khi người ấy nói chuyện cùng bạn. Khi bạn có vấn đề cần chia sẻ, bạn muốn lắng nghe ý kiến của người ấy, thay vì cùng bạn đưa ra cách giải quyết tốt nhất thì người ấy của bạn đã giúp bạn chọn luôn phương án giải quyết rồi. Và tất nhiên nửa kia chỉ muốn tốt cho bạn, nhưng cách mà người ấy đưa ra có phần áp đặt, sẽ có nhiều khi bạn cảm thấy áp lực và ngột ngạt. Nếu tình trạng kéo dài, hoặc là bạn sẽ trở nên dựa dẫm vào người yêu, lúc nào cũng chờ xem người ấy khuyên bạn nên làm gì thì làm đó, hoặc là bạn sẽ trở nên bức bối, cảm thấy không có lối thoát trong mối quan hệ của chính mình.

Bạn Thi Nga (20 tuổi) vẫn thường than thở với bạn bè, khác với những câu chuyện của bạn bè đồng trang lứa là chuyện giận hờn với người yêu, Nga cho biết chuyện tình cảm của mình hầu như không bao giờ xảy ra xung đột bởi cô nàng thậm chí không có cơ hội để... tranh luận. Anh chàng người yêu hơn Nga năm tuổi, trong khi cô bạn còn đang đi học thì anh đã đi làm được một thời gian. Trong mặc định của anh, Nga luôn trẻ con và suy nghĩ mọi chuyện chưa thấu đáo, vì vậy nên trong cuộc sống khi gặp vấn đề khó khăn, anh luôn đưa ra cho Nga cách giải quyết mà anh cho là tốt nhất.

Khi người ấy yêu bạn theo chủ nghĩa hoàn hảo  1

Thời gian đầu cô bạn cũng vui vẻ, nghĩ rằng vì anh quan tâm và lo lắng cho mình, chỉ muốn tốt cho mình nên mới vậy, nhưng càng về sau Nga càng không có tiếng nói trong chính cuộc sống của mình. Anh chàng người yêu dường như luôn quan tâm đến mọi vấn đề của Nga, từ chuyện nên chơi với bạn như thế nào, nên đi đâu chơi, nên ăn mặc thế nào cho phù hợp,… Dần dần Nga thấy mình giống một cô em gái hơn là người yêu, việc gì cũng nhất nhất phải nghe theo. “Chỉ cần mình tỏ ra hậm hực một chút thôi là anh lại nói anh chỉ muốn tốt cho em, anh lớn hơn em nên anh biết chứ!” – Thi Nga chia sẻ.

Tình trạng này hay xảy ra khi nửa kia của bạn là người có những suy nghĩ chín chắn, có nhiều sự trải nghiệm và luôn có tâm lý che chở, bao bọc cho bạn. Nếu bạn không thực sự thích ứng được thì hãy thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, cho người ấy biết rằng bạn có thể giải quyết vấn đề theo cách của riêng bạn và điều bạn cần đơn thuần là sự quan tâm, chia sẻ của người ấy mà thôi.

Làm thế nào để chấm dứt?

Hãy để người ấy của bạn hiểu một điều rằng, không có bất kỳ một ai là người hoàn hảo, cũng không có mối tình nào trọn vẹn tuyệt đối. Việc nửa kia yêu thương, lo lắng và che chở cho bạn là một điều đáng trân trọng, song đừng để mọi chuyện đi quá giới hạn bởi chúng ta không thể áp đặt suy nghĩ của mình lên nhau được, càng không thể sống thay cho cuộc sống của nhau.

Khi người ấy yêu bạn theo chủ nghĩa hoàn hảo  2

Muốn làm cho chàng thay đổi chủ nghĩa hoàn hảo và áp dụng triệt để lên bạn cũng như tình yêu của bạn thì trước hết, hãy chứng tỏ bản thân mình, rằng bạn hoàn toàn có suy nghĩ độc lập, có khả năng giải quyết vấn đề, thậm chí kể cả khi bạn sai thì cũng sẽ biết cách để đứng lên chứ không mãi ngồi lại ở nơi vấp ngã. Nếu người ấy thực sự yêu và hiểu bạn sẽ dành cho bạn sự tin tưởng nhất định, chỉ cần bạn không làm cho người ấy phải lo lắng nhiều nữa thì mọi chuyện có thể sẽ khác.

Tạm kết


Thật ra yêu thương một người không hề dễ dàng. Kể cả khi ta muốn mọi điều tốt nhất cho người ấy thì cũng hãy đứng trên phương diện giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bộ chứ không cần nhất nhất phải áp đặt ý kiến lên đối phương. Chính vì thế trong tình yêu cần được nghe tiếng nói riêng của nhau để từ đó đi đến tiếng nói chung. Hãy khéo léo dung hòa cùng người ấy, khi thực sự tin tưởng nhau thì tình yêu đó mới có cơ sở bền chặt để phát triển lâu dài.