Những triệu chứng của bệnh “lười yêu”Để nhận biết những bạn trẻ có biểu hiện của việc lười yêu không quá khó. Để ý một chút, những cô nàng cuối tuần ngủ đến tận trưa, không hào hứng với việc ra đường rồi tụ tập bạn bè, phong cách thời trang gần nửa đời vẫn không thèm thay đổi, có ai mấp mé làm quen thì bơ luôn không cần suy nghĩ; những anh chàng suốt ngày cặp kè với đám chiến hữu, hết game xuyên đêm rồi lại bóng đá, nhậu nhẹt đến hết cuối tuần, không hào hứng với việc theo đuổi và cưa cẩm một người nào đó…
Và hơn hết, là dù gái hay trai, thì họ đều sẵn sàng phớt lờ và không thèm ghen ăn tức ở với hội đã có người yêu, thậm chí bỏ ngoài tai khi được… giục yêu. Mặc kệ đấng sinh thành đốc thúc, dọa nạt lẫn năn nỉ ỉ ôi, các nam thanh nữ tú vẫn bình chân như vại và xem chuyện yêu như chuyện tầm phào. Đây chính là những mẫu người có nguy cơ mắc bệnh “lười yêu”.
Thực ra, căn bệnh “lười yêu” có hai dạng. Dạng thứ nhất, họ là những bạn trẻ ngại và lười tìm kiếm một nửa của mình. Họ không để tâm đến việc thiết lập các mối quan hệ với người khác phái, không muốn mở rộng thêm bạn bè mà chỉ giao thiệp quẩn quanh trong các mối quan hệ cũ. Họ hài lòng với những mối thâm giao của hiện tại, cảm thấy rất ổn khi độc thân; họ không cần một sự thay đổi nào cho cuộc sống bây giờ nữa, tình yêu vẫn chưa phải điều cần thiết lúc này.
Trái ngược với hình dung của rất nhiều người, Mai (25 tuổi) – nhân viên của một tập đoàn liên doanh với nước ngoài, thành đạt từ khá sớm, vẻ ngoài xinh đẹp và là đối tượng của rất nhiều anh chàng trong công ty, những tưởng cô sớm đã tìm được ý chung nhân cho mình, nhưng không, hỏi ra mới biết cô chưa bao giờ trả lời quá ba tin nhắn với những ai có ý định cưa cẩm mình và dĩ nhiên vẫn đang “độc thân kiêu hãnh”. Nhiều người nghĩ cô chảnh, nhưng chỉ những người cực kì thân thiết mới biết Mai vốn là người không hào hứng với việc tìm kiếm những mối quan hệ mới. Cô ít khi chủ động rủ bạn bè đi chơi mà chỉ hưởng ứng khi được lôi kéo. Những buổi giao lưu, họp mặt làm quen bạn mới càng không có trong từ điển của cô. Nói về việc được tán tỉnh, thì cô chỉ thấy những câu chuyện xã giao trống rỗng đó thật nhạt nhẽo và phí thời gian!
Đó là phái nữ, còn với nam giới, tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn. Vốn chuyện “trâu đi tìm cọc” là chuyện rất hiển nhiên, nhưng bây giờ, có rất nhiều anh chàng lại bị mắc bệnh lười chinh phục. “Yêu làm gì cho sớm hả mẹ, lúc nào đến tuổi hẵng yêu rồi cưới một thể. Con thấy cuộc sống của mình bây giờ đã đủ vui rồi, yêu đương phiền phức và đau đầu lắm! Con bận tối ngày thời gian đâu nữa mà yêu” – Mẹ của Hùng bàng hoàng trước lý lẽ của cậu con trai đã ngấp nghé tuổi 26 khi suốt ngày giục con đưa bạn gái về ra mắt. Nhưng có vẻ như Hùng vẫn chẳng mảy may gì đến nỗi lo mà bố mẹ anh ngày nào cũng canh cánh.
Dạng thứ hai của bệnh “lười yêu” lại xuất hiện ở cả hội độc thân lẫn những người đã có đôi có cặp, đặc biệt là với những người đã yêu khá lâu năm, đó là họ đánh mất sự lãng mạn lẽ ra phải có, để nhường chỗ cho những thói quen lặp đi lặp lại đến nhàm. Tình yêu thuở mới đầu thường ngọt ngào, bay bổng, đủ sắc màu, dư vị. Nhưng lâu dần, khi đã quá hiểu nhau và nắm rõ mọi thứ của đối phương, dù vẫn yêu nhưng họ mất dần hứng thú với việc tìm hiểu người đó vì chẳng còn gì mới mẻ nữa. Thêm vào đó, tâm lý mặc định rằng tình yêu luôn ở đó khiến họ lười hâm nóng mối quan hệ của cả hai và F5 chính mình. “Anh ấy làm gì mình cũng biết, thậm chí mình còn thuộc lòng thời gian biểu trong tuần của anh. Gọi điện cho nhau mình cũng dám chắc sẽ được nghe những gì, hẹn hò cũng chỉ từng ấy chỗ. Lâu dần, mình cũng không muốn gọi điện hỏi thăm nhiều nữa. Cũng vì tình yêu bây giờ đã tiến tới giai đoạn thực tế hơn, nên những lời có cánh và những hành động lãng mạn dường như cả hai đều đã bỏ quên” – Linh chia sẻ về tình yêu đã 6 năm của mình.
Bệnh “lười yêu” từ đâu mà có?“Lười yêu” vốn xuất phát từ nguyên nhân tâm lý. Có những người hài lòng quá mức với những mối quan hệ hiện có, suốt ngày quẩn quanh với từng đấy con người, gói gọn trong chỉ môi trường ấy. Họ thỏa mãn với điều đó và không có nhu cầu muốn mở rộng thêm mối quan hệ ở những môi trường khác. Có những người lại vì ám ảnh đổ vỡ quá khứ, bị tác động những “bi kịch” tình yêu của những người xung quanh hoặc “cố thủ” trong suy nghĩ “tình yêu là điều xa xỉ” mà sinh ra bệnh lười yêu. Họ thường muốn rút ngắn giai đoạn, vì cảm thấy quen quen và nhàm chán bởi dường như họ đang lặp lại chính mình của ngày trước. Điều đó dẫn đến việc họ mất đi hứng thú với việc tìm kiếm một nửa của mình và hết lòng với nó.
Còn với những cặp đôi lười vun đắp tình cảm thì lại thường xuất phát từ nguyên nhân lười thay đổi. Họ đinh ninh cứ giữ những thói quen, “nếp yêu” cũ thì tình yêu vẫn ổn, thì bao lâu giờ nó vẫn như vậy. Nhưng không, còn điều gì phả hủy tình yêu nhanh hơn sự nhàm chán?
Về khách quan, một phần lý do có thể vì họ sống trong môi trường ai cũng thế, ai cũng vui vẻ, chẳng có vấn đề gì nảy sinh dù là một thân một mình nên sinh ra tâm lý e ngại với tình yêu.
Làm gì để chữa "bệnh"? “Theo tình thì tình chạy, trốn tình thì tình theo” – thế nhưng bằng cách này hay cách khác, nếu bạn quay lưng với tình yêu thì dĩ nhiên nó cũng chẳng bao giờ mỉm cười vui vẻ với bạn. Có thể trong một giai đoạn nào đó bạn thấy không cần phải yêu, cuộc sống này không cần tình yêu thì vẫn chẳng hề hấn gì. Thế nhưng, đó chỉ là tâm lý nhất thời và tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn.
Hãy luôn sẵn sàng chuẩn bị để chào đón tình yêu và hào hứng với nó. Cởi mở và thoải mái hơn với chính mình, đừng suốt ngày chỉ trốn trong vỏ ốc và cuộn tròn trong đó mặc kệ thế giới. Hãy tự phá vỡ rào cản tâm lý của mình, dũng cảm bước ra ngoài cuộc sống. Đừng để lỡ cơ hội tìm thấy một nửa của mình chỉ vì quá yêu thích sự yên ổn đôi khi đến nhàm chán đó.
Với những cặp đôi ngại thay đổi, thì hãy bắt đầu F5 từ những điều nhỏ nhất như những thói quen lúc mới quen, lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi xa, thay đổi cách xưng hô… và đừng quên tự làm mới chính mình.
Ai rồi cũng sẽ có lúc cần được yêu. Và tình yêu thì luôn ở đó, chỉ là bạn có nhiệt thành với nó hay không?