Dấu hiệu phân biệt đẳng cấp một thời của chiếc ô

Kachi, Theo Pháp luật xã hội 00:00 30/01/2014

Đã có một thời, người châu Á không thể ra ngoài nếu không có chiếc ô cầm tay. Ô vừa như là một đồ trang sức làm sang, vừa là dấu hiệu khẳng định địa vị xã hội.

Từ "Ô" xuất phát từ tiếng Latin, chỉ bóng râm, phỏng theo hình dạng chiếc lá cọ giúp  người bản địa ở vùng Nam Thái Bình Dương che nắng, che mưa. Từ năm 1200 TCN, chiếc ô gắn với biểu tượng của những tầng lớp cao quý, khi họ cần dùng chúng để bảo vệ làn da dưới tác động của ngoại cảnh. Ô cũng được coi là một biểu tượng của niềm tin tôn giáo, có sợi dây liên kết với các vị thần sinh sản, mùa màng, thu hoạch, cái chết và sự tái sinh. Phạn ngữ sử thi Mahabharata (Thế kỷ thứ tư trước Công nguyên) có kể lại câu chuyện về Jamadagni là một cung thủ tuyệt vời và Renuka, người vợ tận tụy chuyên đi thu nhặt các mũi tên về cho chồng. Nhưng rồi một ngày Renuka không tìm thấy một mũi tên và đổ lỗi cho sức nóng của mặt trời đã làm cô bớt nhanh nhẹn, linh hoạt. Tức giận, Jamadagni bắn một mũi tên lên mặt trời. Mặt trời van nài sự khoan dung của Jamadagni bằng cách trao cho Renuka một chiếc ô.

 Dấu hiệu phân biệt đẳng cấp một thời của chiếc ô 1
Người phụ nữ cầm ô trong tranh Monet

Chiếc ô đã xuất hiện trong các tác phẩm điêu khắc và bản vẽ của Persepolis và Thebes (Ai Cập). Cơ thể của Nut, mẹ của nữ thần Ai Cập được ví như một chiếc ô che phủ toàn nhân loại. Osiris, con trai của Nut, vị thần của thế giới ngầm và thần Vishnu trong sử thi Ấn Độ cũng được so sánh với một chiếc ô và được coi là người mang mưa. Người Hy Lạp và La Mã coi Dionysius / Bacchus, vị thần mang mưa là người rất ưa những chiếc ô, chính vì vậy, phụ nữ Hy Lạp thường mang ô tới các ngày lễ thánh.

Dưới triều đại Assyria của người Akkad ở phía bắc Lưỡng Hà, ngoài vua, không có ai được phép sử dụng ô. Hoàng đế của Trung Quốc mỗi khi xuất hiện có đến ba tầng bảy lớp ô che chắn với lụa và rèm tua. Quốc vương Thái Lan cũng cầu kỳ không kém với bảy tầng ô mô phỏng ngôi đền thiêng trên núi Meru.

 Dấu hiệu phân biệt đẳng cấp một thời của chiếc ô 2
Người Trung Quốc thời xa xưa không chỉ sử dụng ô với mục đích che mưa, che nắng mà còn là một phụ kiện thời trang thể hiện sự thanh lịch

Sự ra đời của Con đường Tơ lụa và hệ thống thương mại phức tạp từ buổi bình minh của nhân loại mở đường cho ô dù Trung Quốc làm bằng tre và lụa, vẽ rồng, hoa, động vật khiến người châu Âu ngạc nhiên, vì trước nay, với họ, chỉ da và dầu là hai chất liệu không thấm nước và được sử dụng làm ô. Tuy nhiên, người Trung Quốc và Nhật Bản thời xa xưa không chỉ sử dụng ô với mục đích che mưa, che nắng mà còn là một phụ kiện thời trang thể hiện sự thanh lịch.

Buổi hoàng hôn của thời cổ đại, ô được sử dụng trong các buổi lễ của Giáo hoàng. Những chiếc ô màu trắng và nâu đầu tiên đã được trao cho Giáo hoàng Sylvester I (đứng đầu Giáo hội Công giáo giữa 314-335), Constantine Đại đế (272-337). Thế kỷ 15 đến, các nhà thờ, giới quý tộc và giáo sĩ bắt đầu sử dụng màu sắc ô như một biểu hiện phân biệt tầng lớp. 

 Dấu hiệu phân biệt đẳng cấp một thời của chiếc ô 3
Ô lan tràn ở châu Âu ở thế kỷ 17

Ở nước Pháp thế kỷ 16, ô dù đã trở nên phổ biến và lan tràn khắp châu Âu một thế kỷ sau đó. Tuy nhiên, giai đoạn phục hồi (1660) ở Anh, chế độ Thanh giáo xem ô là một phụ kiện phù phiếm. Catherine xứ Braganza, xuất xứ từ Bồ Đào Nha, vợ của vua Charles II (1660-1685) được xem là một phụ nữ nổi tiếng với chiếc ô cầm tay. Và những câu chuyện mê tín xung quanh sự may mắn của chiếc ô cũng từ đó được thêu dệt. Nhiều cây bút nổi tiếng như John Evelyn (1620-1706), Thomas Cory (1577-1617), Tiểu thuyết gia Daniel Defoe (1660-1731) Thương gia người Pháp Jean Baptiste Tavernier (1605-1689), Thuyền trưởng James Cook (1728-1779) bắt đầu viết những trang văn ca ngợi chiếc ô của người Trung Quốc, người Italia, Ấn Độ, Ba Tư, Brazil. 


 Dấu hiệu phân biệt đẳng cấp một thời của chiếc ô 4
 Jonas Hanway xuất xuất hiện trên đường phố với chiếc ô trên tay và bị coi là một quái vật lố bịch nhưng ông không hề để tâm và vẫn mang ô cho đến khi lìa đời

Jonas Hanway (1712-1786) là người đàn ông Anh đầu tiên xuất hiện trên đường phố với chiếc ô trên tay và bị coi là một quái vật lố bịch nhưng ông không hề để tâm và vẫn mang ô cho đến khi lìa đời. Cũng kể từ đó, người Anh mang ô nhiều hơn và điệu đà hơn. Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, một quý ông thời trang thường mang ô khi ra phố. Năm 1947, ô nilon trong suốt ra đời và năm 1969, Bradford E. Philips phát minh ra chiếc ô gấp mà chúng ta vẫn dùng ngày nay. Từ một dấu hiệu phân biệt đẳng cấp xã hội, tầm quan trọng của chiếc ô không còn nguyên bản, chỉ là một phụ kiện thông thường mà chúng ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu.