Cái chết của một đấu sĩ lừng danh và Quốc tang ba ngày của người Tây Ban Nha

Kachi, Theo Pháp luật xã hội 00:07 21/12/2013
Chia sẻ

Francisco Franco, nhà hoạt động chính trị, quân sự và một trùm phát xít của Tây Ban Nha lúc bấy giờ đã ra lệnh để ba ngày Quốc tang sau cái chết của Manolete để thể hiện sự thương tiếc, mất mát của người dân Tây Ban Nha.

Một buổi chiều nóng nực của thị trấn chuyên khai thác mỏ khoáng sản Santa Margarita Linares (Tây Ban Nha), dường như nhiệt độ càng tăng cao khi hơn 10.000 người tụ tập trên khán đài, nín thở chờ xem trận đấu bò tót mà đấu sĩ Manolete lừng danh và chú bò tót Islero là hai nhân vật chính. Đó là ngày thứ 5, 28/8/1947, đáng lẽ phải tập trung vào thanh kiếm của đấu sĩ, con bò lại lao thẳng sừng vào đùi đối thủ. Sáng ngày hôm sau, cả đấu sĩ nổi tiếng và con bò đều tắt thở, một sự kiện khiến những người cuồng nhiệt với môn đấu bò ở Tây Ban Nha sửng sốt.

Đó là thời điểm những năm sau nội chiến Tây Ban Nha, người dân của đất nước này vừa trải qua một thời kỳ khốn khó, mất phương hướng và họ khao khát kiếm tìm những anh hùng mới, những thú vui giải trí nhằm vực dậy tinh thần. Môn đấu bò tót truyền thống với những màn tung hô vui vẻ với pháo hoa, những tiếng vỗ tay, những khán đài chật cứng người có một sức cuốn hút vô hình. Trong bối cảnh đó, đấu sĩ Manolete trở thành một trong những người hùng mới của người Tây Ban Nha.

Cái chết của một đấu sĩ lừng danh và Quốc tang ba ngày của người Tây Ban Nha 1
Trang trọng và đầy thanh lịch, phong cách điều khiển các cuộc đấu bò của Manolete giống như một thứ nghi lễ đầy nghiêm cẩn, tinh tế 

Manolete, tên thật là Manuel Rodríguez Laureano Sánchez, sinh ngày 4/7/1917 trong một gia đình nghèo vốn có truyền thống đấu bò tót. Manolete có một cuộc sống riêng thiếu may mắn. Là một người đàn ông truyền thống, có tính cách khá nhút nhát, bố mất sớm, chị gái phải hành nghề mại dâm để kiếm tiền, mặc dù đam mê sách vở nhưng ông theo đuổi sự nghiệp đấu bò và nhờ đó giải thoát người chị khỏi con đường ô nhục. Người yêu và sau này là vợ của Manolete, Lupe Sino, một diễn viên xinh đẹp từng tiết lộ cô yêu đấu sĩ lừng danh: "vì lòng dũng cảm, sự bình thản của anh trong cuộc sống. Tôi vỗ tay như điên cho anh trong mọi cuộc đấu bò". 

Trong suốt một thập kỷ trước khi qua đời, anh là Matador (Tên gọi chung của các đấu sĩ đấu bò) nổi tiếng nhất trong số những đồng nghiệp đồng trang lứa. Tám năm của thập niên 1940, anh kiếm được 4.000.000 USD và luôn được các lễ hội chào đón nhiệt thành. Theo miêu tả của ông Carlos Vidales, một người từng có cơ hội theo dõi những cuộc đấu bò của Manolete, ông là một người có “làn da nhợt nhạt, vóc người nhỏ, gầy, đôi mắt rất lớn và bí ẩn như hai cánh cửa mở ra những tai ương của thế gian”. 

Cái chết của một đấu sĩ lừng danh và Quốc tang ba ngày của người Tây Ban Nha 2
Poster và vé công bố trận đấu bò tại Linares, ngày 28/8/1947

Trang trọng và đầy thanh lịch, phong cách điều khiển các cuộc đấu bò của Manolete giống như một thứ nghi lễ đầy nghiêm cẩn, tinh tế làm tất cả những ai dõi theo cuộc đấu của ông đều bị mê hoặc. Tuy nhiên, thời gian đầu, một cuộc bút chiến đã nổ ra xung quanh phong cách thiếu ngoạn mục, rực rỡ của Manolete so với những huyền thoại đi trước. Dường như ông luôn có một sự nhượng bộ với con bò trong suốt trận đấu, chỉ tung lực ra trong hành động quyết định của cuộc chiến, hay còn gọi là Faena, một đòn chí tử cho đối thủ. Đặc biệt, suốt diễn biến của trận đấu, khán giả luôn nơm nớp lo sợ vì khoảng cách quá mong manh, rủi ro giữa Manolete và con bò tót hung dữ. Ông di chuyển rất ít và thường chỉ xoay vòng quanh đôi thủ.

Tên tuổi của Manolete gia tăng theo số lượng những khán giả tham dự các cuộc đấu bò của ông qua các năm: 50 ngàn người (1940), 58 ngàn người (1941), 72 ngàn người (1942), 71 ngàn người (1943), đặc biệt là cuộc đấu ở đấu trường Madrid với sự xuất hiện của chú bò Faena thu hút 92 ngàn người (1944). Năm 1945, Manolete thực hiện một tour vòng quanh Peru, Mexico, Colombia, Venezuela, bắt đầu bình thường hóa quan hệ đối ngoại của chế độ Francisco Franco. Một năm sau đó, Manolete có chuyến thăm Mỹ cùng với vị hôn thê Lupe Sino. Năm này, ngoài Tây Ban Nha, ông chỉ du đấu ở Peru và Mexico. Thời thơ ấu, nhà văn người Peru, Mario Vargas Llosa một trong hai con sư tử lớn của nền văn học Mỹ Latin (cùng với Garcia Marquez), chủ nhân giải Nobel văn chương 2010 đã luôn mơ ước trở thành “Manolete của Peru”.  Năm 1946, một đấu trường có sức chứa 55.000 người, lấy nguồn cảm hứng từ tài năng của Manolete đã được xây dựng tại Mexico City. 

Cái chết của một đấu sĩ lừng danh và Quốc tang ba ngày của người Tây Ban Nha 3
Manolete và vợ, diễn viên Lupe Sino

Năm 1947 cũng là năm Manolete tuyên bố kết thúc sự nghiệp và kết hôn với Lupe Sino. Một số lời đồn cho rằng ông đã mất đi khả năng điều khiến các chú bò, tuy nhiên, đấu sĩ lừng danh nói rằng ông cảm thấy như thế là đã quá đủ. Để tri ân những người hâm mộ, đại diện của Manolete đã quyết định tổ chức một giải đấu bò cuối cùng với một trong những chú bò tót đực nguy hiểm nhất để ông chia tay khán giả của mình. 

Trước khi bị Islero cho một đòn chí tử vào ngày 28/8/1947, Manolete từng bị con bò tót Bohórquez tấn công bị thương vào trận đấu ngày 16/7/1947. Đấu sĩ lừng danh rời đấu trường với cánh tay bị mất, gương mặt đau đớn tới mức méo mó còn con bò cũng giãy giụa vì vết thương thanh kiếm Manolete đâm phải. Được đưa tới một bệnh viện ở Linares để truyền huyết tương, rồi sau đó chuyển tới bệnh viện lớn thuộc thủ phủ của tỉnh Jaén nhưng Manolete đã không qua khỏi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông nói “Mẹ tôi sẽ thấy phiền toái vì điều này”. 

Một câu hỏi vẫn còn chưa có lời đáp cho tới tận ngày nay là đấu sĩ lừng danh người Tây Ban Nha đã chết vì vết thương nghiêm trọng do con bò tót gây ra hay nhiễm độc từ loại huyết tương truyền vào cơ thể ông để cấp cứu. Được biết, đây là loại huyết tương này là viện trợ của chính phủ Na Uy cho chính phủ Tây Ban Nha sau vụ nổ tàn phá thành phố Cadiz vào ngày 18/8/1947. 

Cái chết của đấu sĩ Manolete là sự kết thúc của một kiếp sống nhưng không phải là dấu chấm hết cho một huyền thoại. Francisco Franco, nhà hoạt động chính trị, quân sự và một trùm phát xít của Tây Ban Nha lúc bấy giờ đã ra lệnh để ba ngày Quốc tang để thể hiện sự đau buồn, mất mát của người dân Tây Ban Nha. Trong ba ngày này, người ta chỉ phục vụ loại đồ uống mang tên Manolete, còn các đấu sĩ thì ra sức mô phỏng phong cách thường thấy của ông.

Cái chết của một đấu sĩ lừng danh và Quốc tang ba ngày của người Tây Ban Nha 4
Penelope Cruz và Adrien Brody đảm nhận vai chính trong bộ phim A Matador’s Mistress kể về cuộc đời, sự nghiệp và tình yêu của đấu sĩ Manolete 

Sau cái chết của Manolete, người vợ Lupe Sino đến Mexico, tái hôn và sau đó trở về Tây Ban Nha. Một cuộc ẩu đả với nữ đồng nghiệp đã gây ra một cục máu đông khiến bà qua đời sau đó không lâu. Năm 2007, bộ phim A Matador’s Mistress do Penelope Cruz và Adrien Brody đảm nhận vai chính ra mắt, cho công chúng một hình dung rõ nét về cuộc đời, tình yêu và sự nghiệp của Manolete, đấu sĩ đấu bò tót lừng danh nhất thế giới. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày