Tập trung ăn uống, không ở lại nhà ăn quá lâu
Trong buổi họp đầu tiên sau khi Đoàn thể thao Việt Nam đặt chân đến Nhật Bản, đội ngũ y tế đã cảnh báo về tình hình dịch bệnh. Các VĐV phải đặc biệt cẩn thận ở khu vực tập luyện và nhà ăn, nơi có nguy cơ cao trong việc lây lan biến chủng Delta.
Ở nhà ăn, các thành viên được khuyến cáo thực hiện sát khuẩn tay, đeo khẩu trang thường xuyên; dùng găng tay do BTC phát để lấy thức ăn, tránh chạm tay vào đồ dùng trong nhà ăn mà không có găng tay. Ngoài ra, bác sĩ Phú dặn các thành viên trong đoàn nên đi ăn theo từng nhóm thay vì riêng lẻ để tránh ngồi cạnh, tiếp xúc với các đoàn khác, kể cả phòng ăn có bố trí vách ngăn.
Đặc biệt, các thành viên được yêu cầu tập trung ăn uống, ăn nhanh rút nhanh khỏi nhà ăn, luôn sử dụng khẩu trang y tế do đoàn phát.
Với khu vực tập luyện, các VĐV, HLV hạn chế tối đa tiếp xúc với thành viên các đoàn khác. Nếu phải tiếp xúc, bắt buộc phải đeo khẩu trang, đứng giãn cách và tránh tiếp xúc thân mật.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn chỉ đạo 2 ô tô BTC cung cấp cho Đoàn thể thao Việt Nam sẽ được ưu tiên phục vụ HLV, VĐV đi tập luyện và thi đấu ở địa điểm xa. Ví dụ, trường bắn cách làng VĐV 31 km, nhà thi đấu cầu lông cách làng 32,6 km, nhà thi đấu taekwondo cách làng 31,6 km,…
Việc làm này nhằm giúp các VĐV, HLV tránh phải đi xe buýt do BTC sắp xếp, hạn chế tiếp xúc với thành viên đoàn khác. Thực tế, vào giờ cao điểm, các chuyến xe buýt của BTC luôn đông người, khó đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng chống dịch.
Cuộc họp trưởng đoàn các nước cũng được BTC rút ngắn để tránh lây lan dịch bệnh. BTC nhấn mạnh việc phòng, chống dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu lúc này để đảm bảo Olympic Tokyo có thể tiến hành và kết thúc trọn vẹn.
Ở lễ khai mạc, BTC đề nghị các đoàn thể thao chỉ cử 50-60% thành viên tham dự để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu có. Đoàn thể thao Việt Nam có 24/43 người tham dự bao gồm 18 VĐV và 6 cán bộ.
Ánh Viên, Huy Hoàng tập cùng địa điểm với ca nhiễm Covid-19
Sáng 20/7, Nguyễn Thị Ánh Viên và Nguyễn Huy Hoàng có buổi tập đầu tiên ở bể bơi của BTC. Sau đó, BTC thông báo có một VĐV vừa thi đấu tại đây dương tính với Covid-19. Điều này khiến VĐV, HLV và cán bộ Đoàn thể thao Việt Nam không giấu nổi sự lo lắng. Sự an tâm chỉ trở lại khi việc kiểm tra Covid-19 của hai kình ngư vẫn cho kết quả âm tính.
Dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở làng VĐV từ ngày 17/7. Một ngày sau, VĐV thể dục nghệ thuật Kara Eaker của Mỹ được phát hiện dương tính với Covid-19. Đáng chú ý, Eaker đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19.
Cùng ngày, hai cầu thủ bóng đá nam Thabiso Monyane và Kamohelo Mahlatsi của Olympic Nam Phi cũng được xác định dương tính Covid-19 tại làng VĐV. Sau đó, chuyên gia phân tích video của đội tuyển nhiễm bệnh. Một chuyên gia phân tích video của đội cũng nhiễm bệnh.
Ngày 20/7, VĐV bơi lội Ilya Borodin của Nga có kết quả dương tính. VĐV bóng chuyền bãi biển Ondrej Perusic của Cộng hoà Czech không may mắn mắc bệnh. Tất cả đều bỏ lỡ Olympic trong tiếc nuối khi phải trải qua cách ly y tế 14 ngày theo quy định của nước chủ nhà.
Như vậy, từ đầu tháng 7 đến trưa 21/7, Olympic Tokyo ghi nhận 75 ca dương tính Covid-19 bao gồm HLV, VĐV, nhà tài trợ, nhân viên tình nguyện.
Việc số ca nhiễm gia tăng khiến một số VĐV các nước đã lên phương án rời làng VĐV ra ngoài ở. Một số VĐV Nhật Bản còn xin được ở tại trung tâm huấn luyện thể thao quen thuộc chờ ngày thi đấu.
Ông Toshiro Muto, Giám đốc điều hành Olympic Tokyo 2020, để ngỏ khả năng Thế vận hội bị hoãn hoặc hủy. Tuy nhiên, cho đến lúc này, điều đó vẫn được cho khó xảy ra.
VĐV được kiểm tra Covid-19 thế nào ở Olympic Tokyo 2020?
Phương pháp xét nghiệm ở Nhật Bản không lấy dịch ở mũi và họng. Mỗi người sẽ cầm 1 ống nhựa đặt vào miệng và cho nước bọt đến đúng vạch theo hướng dẫn của BTC là hoàn thành.
Lãnh đội, HLV, chuyên gia, VĐV phải làm xét nghiệm hàng ngày. Cán bộ đoàn làm xét nghiệm 3 ngày/lần. Trường hợp dương tính sẽ được đưa ra khỏi làng VĐV và cách ly theo quy định của BTC.