Đổ tiền tấn chạy theo xu hướng di động nhưng doanh nghiệp vẫn “đau đầu” trước hiện trạng: 35.000 sinh viên tốt nghiệp ngành IT, chỉ 30% làm việc được ngay

Minh Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:30 12/10/2019

Xu hướng di động đang dần thay đổi nền kinh tế buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi. Để chạy theo xu hướng này các doanh nghiệp phải đổ tiền vào việc viết ứng dụng và tìm kiếm những nhân sự có năng lực trong ngành IT.

Xu hướng di động đang tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế

Tại Việt Nam có đến 70% người sử dụng smartphone, các thiết bị thông minh đang tạo ra các mô hình kinh tế mới và tạo sự thay đổi lớn trong nền kinh tế.

Nhìn vào thực tế hiện nay, rất nhiều dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng đều sử dụng thông qua điện thoại di động, gọi xe có thể lên Grab, đồ ăn có thể lên Foody, mua hàng có thể lên Lazada, Tiki. Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi theo hướng sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade cho biết: "Hiện nay, 70 – 80% lượng truy cập trên toàn thế giới đến từ thiết bị di động. Và trong thời gian tới, mobile’s domination (sự vượt trội của điện thoại) sẽ ngày càng gia tăng. Xu hướng di động là xu hướng tất yếu và dường như là xu hướng duy nhất".

Đổ tiền tấn chạy theo xu hướng di động nhưng doanh nghiệp vẫn “đau đầu” trước hiện trạng: 35.000 sinh viên tốt nghiệp ngành IT, chỉ 30% làm việc được ngay - Ảnh 1.

Ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade.

CEO Accesstrade cũng chỉ ra hai tác nhân tác động đến xu hướng di động hiện nay. Thứ nhất là người dùng. Họ là đối tượng sử dụng mạng lưới di động nhiều nhất. Chính vì vậy, họ là đối tượng khuyến khích cho sự phát triển của xu hướng này.

Thứ hai, khi digital (kỹ thuật số) ra đời đã cho phép doanh nghiệp lấy data của khách hàng, đây chính là nguồn nguyên liệu mới cho phép doanh nghiệp làm được nhiều hơn những lượng dữ liệu mà họ có.

Ứng dụng di động là một phần của nền kinh tế số. Điều này đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và là điều kiện để xuất hiện những nền tảng mới. Chúng ta đã không thể tưởng tượng được rằng trong một "khu chợ" lại có đến hàng trăm triệu sản phẩm và cũng không thể tìm "khu chợ" đó ở đâu ngoài các trang thương mại điện tử.

CEO Accesstrade quan điểm: "Không cần phải nói nhiều, tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy chiếc điện thoại đang thay đổi nền kinh tế như thế nào. Để dịch chuyển kịp thời và đáp ứng xu hướng này không chỉ là việc đổ tiền vào viết ứng dụng, chạy theo xu hướng ứng dụng và những bài toán nghiên cứ thị trường, thị hiếu khách hàng, nhân sự có năng lực công nghệ cao. Đây là vấn đề khá tốn kém của doanh nghiệp".

Trong kỷ nguyên 4.0 cũng là lúc công nghệ cao đang dần xâm chiếm tất cả mọi góc ngách của đời sống từ nông nghiệp, dịch vụ, giáo dục, công nghệ, sức khỏe. Mọi thứ đều cần ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hiệu quả sản xuất.

Điều này đã khiến các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng với thời cuộc, đáp ứng nhu cầu của người dùng và sự phát triển của công nghệ.

Nhân sự là vấn đề lớn nhất của chuyển đổi

Theo ông Trần Trung Hiếu – người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của TopCV, trong khoảng 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp tuyển dụng có nhu cầu rất lớn về đội ngũ kỹ thuật, đội ngũ lập trình viên mobile (điện thoại di động) tăng rất cao. Gần như doanh nghiệp nào cũng có bộ phận là về mobile.

Từ thực tế này, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc TopCV nhận định: "Hiện nay, chúng ta đã nhìn thấy bức tranh toàn cảnh một cách rõ ràng về hơi thở của ứng dụng đi động gắn liền với cuộc sống".

Đồng quan điểm với ông Trần Trung Hiếu, CEO Accesstrade cho rằng: "Với thời điểm hiện nay, chúng ta phải lấy app làm trung tâm vì trải nghiệm trên app rất khác trên web và nhất là trong bối cảnh người dùng đang sử dụng điện thoại di động nhiều hơn là máy tính".

Nếu như trước đây nhiều doanh nghiệp phát triển theo hướng cũ, làm sản phẩm sau đó mới làm marketing và bán hàng. Với cách làm này, khi làm ra sản phẩm rồi, doanh nghiệp mới hỏi người tiêu dùng có thích sản phẩm hay không? Nếu như nhiều người dùng nói không thích thì coi như sản phẩm đó của chúng ta thất bại.

Tuy nhiên, với điều kiện và môi trường hiện nay, người dùng cũng có thể tham gia vào phát triển sản phẩm từ rất sớm thông qua những trải nghiệm trên app. Đồng thời, việc tham gia của người dùng vào phát triển ứng dụng, ứng dụng sẽ không bao giờ có phiên bản cuối cùng. Từ đó, doanh nghiệp có thể cải thiện để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của người dùng một cách tốt nhất.

Tuy nhiên có một vấn đề hạn chế đối với các doanh nghiệp đó là nguồn nhân lực. Mới đây tại tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông trình độ cao", Bộ Giáo dục và đào tạo đã đưa ra con số thống kê của năm 2018, 35000 sinh viên tốt nghiệp ngành IT nhưng chỉ có 30% làm việc được ngay, 70% còn lại không đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận tuyển dụng những nhân sự có năng lực không cao và phải đào tạo từ đầu nên gây lãng phí cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Tuyển dụng, ngân hàng, tư vấn, bảo hiểm là những ngành cần chuyển đổi sớm

Trên thế giới việc sử dụng các ứng dụng di động trong hoạt động cuộc sống đã trở nên phổ biến. Theo ông Đỗ Hữu Hưng, để phát triển tốt nền tảng app, doanh nghiệp Việt cần phải thực sự tạo được giá trị cho người dùng và phải xác định được những sản phẩm nào có tính tương tác cao nhất có thể.

Một số ngành nên thực hiện chuyển đổi sang ứng dụng di động như ngành tuyển dụng, ngân hàng, tư vấn, bảo hiểm. Đó là những ngành mà trong tương lai không cần đến sự tư vấn của con người.

Vị CEO này cũng đưa ra lời khuyên rằng, các doanh nghiệp cũng phải chuyển "nhà" lên đám mây điện toán. Một phần để tiết kiệm, giảm thiểu chi phí; một phần nhằm thu thập và quản lý thông tin dữ liệu khách hàng nhằm tối ưu hóa dịch vụ.