Định kiến "nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn" - Đúng hay sai?

Thu Hiền, Theo Trí Thức Trẻ 10:30 20/09/2018
Chia sẻ

Bắt nguồn từ một bài đăng trên mạng xã hội Hàn Quốc với chủ đề “Liệt kê những nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc”, cuộc thảo luận của các netizen trở nên gay gắt khi xuất hiện ý kiến cho rằng: “Nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn”.

Vừa qua, sau khi một netizen Hàn đăng lên mạng "Liệt kê danh sách những nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc", chủ đề này nhanh chóng được nhiều người quan tâm với những cái tên được liệt kê như DBSK, Big Bang, SHINee, BTS, G-Friend, MAMAMOO, A Pink, VIXX, B1A4,… Tuy nhiên, câu chuyện được đẩy đi xa hơn khi khá nhiều bình luận nói rằng các thần tượng ngoại quốc chỉ đang "đóng vai người Hàn", "gây rắc rối vì thiếu hiểu biết kiến thức lịch sử Hàn Quốc", "khiến định nghĩa thần tượng KPOP trở nên bão hòa"…

Tại sao Netizen Hàn thiếu thiện cảm với thần tượng ngoại quốc?

Có thể thấy, rào cản văn hóa – ngoại ngữ là lí do đầu tiên gây bất lợi cho những thần tượng ngoại quốc. Họ rời quê hương của mình để tìm cơ hội phát triển sự nghiệp tại một đất nước hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ khác biệt, văn hóa không tương đồng. Vì vậy họ thường có ít cơ hội giao lưu để gây ấn tượng với người hâm mộ, hoặc tệ hơn là gặp phải "tai bay vạ gió" dù có thận trọng đến đâu.

Năm 2009, Jay Park đang trong thời kì hoạt động khấm khá cùng 2PM thì bị đào bới những dòng chia sẻ anh viết lên mạng xã hội khi mới trở về Hàn Quốc trong tình cảnh bị sốc văn hóa, không có bạn bè, gặp muôn vàn khó khăn trong quá trình huấn luyện. "I hate Korean", "Korean is gay",…người Hàn không thể chấp nhận những dòng chữ có phần xốc nổi của tuổi trẻ này và đã tạo áp lực lên JYP Entertainment nhằm bắt Jay Park rời nhóm.

Định kiến nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn - Đúng hay sai? - Ảnh 1.

Jay Park bị áp lực đè nặng đến nỗi phải rời 2PM

Rời nhóm để hoạt động đơn lẻ tại quê nhà, phá vỡ sự cố gắng của đội hình tập thể ngày đầu... cũng là nguyên nhân mà nhiều netizen Hàn không đặt niềm tin vào thần tượng ngoại quốc.

Trong thời kì đầu của kỉ nguyên thần tượng (gen 1), những nhóm nhạc lúc bấy giờ có quân số 100% là người Hàn Quốc. Cho đến khi Super Junior ra mắt vào năm 2005 với thành viên ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử KPOP – Han Geng (người Trung Quốc) và đạt được tiếng vang nhất định, các công ty quản lý mới bắt tay vào công cuộc tìm kiếm thành viên ngoại quốc cho nhóm nhạc của mình. Hoạt động cùng Super Junior được 4 năm, Han Geng đệ đơn kiện SM Entertainment "bóc lột lao động" và đề nghị tách nhóm, kéo theo những tranh cãi dai dẳng bất phân thắng bại của người hâm mộ xem ai đúng, ai sai.

Định kiến nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn - Đúng hay sai? - Ảnh 2.

Han Geng – thành viên ngoại quốc đầu tiên của KPOP, đồng thời mở đầu "trào lưu" rời nhóm về nước

Nối gót Han Geng, lần lượt 3 thành viên người Trung của EXO là Kris – Lu Han – Tao rời nhóm vào quãng thời gian 2014 – 2015 cùng bởi lí do sức khỏe. EXO lúc đó vừa mới có chút tiếng vang cho riêng mình, nhóm lao đao một thời gian mới có thể ổn định và dần gặt hái được những thành công.

Bên cạnh đó, bộ ba Kris – Lu Han – Tao đều rời EXO với lí do sức khỏe nhưng lại bắt đầu trở lại hoạt động nghệ thuật không lâu sau khi về nước, khiến cư dân mạng cho rằng 3 anh này chỉ bắt đầu sự nghiệp tại Hàn nhằm lấy tiếng tăm để có lợi cho hoạt động riêng lẻ.

Woolim Entertainmet cũng từng đau đầu khi cặp sinh đôi người Trung TASTY đột nhiên xin chấm dứt hợp đồng về nước, nhưng lại rục rịch ra album tiếng Trung sau khi nộp đơn kiện chỉ 1 tuần.

Định kiến nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn - Đúng hay sai? - Ảnh 3.

Sự ra đi của Kris – Lu Han – Tao từng là "nỗi đau kéo dài" cho các fan EXO

Có thể nói Netizen Hàn đã trải qua nhiều vụ việc khá "đau thương" thì mới đi đến những kết luận như trên.

Tuy nhiên, hãy nhìn nhận công bằng đóng góp của các thần tượng ngoại quốc

Nhìn nhận một cách khách quan thì những thần tượng ngoại quốc đóng góp không nhỏ trong việc đa dạng hóa giới idol, trước hết là về visual. Rất nhiều thần tượng ngoại quốc mang vẻ đẹp vô cùng mới lạ, vừa hợp gu thẩm mĩ yêu thích cái đẹp trong sáng của người Hàn mà vừa giữ được nét đẹp độc đáo của quê hương mình. Họ trở thành "cây hút fan" của nhóm, bản thân những thần tượng ngoại quốc này không chỉ giành được sự chú ý của công chúng mà còn giúp nhóm mình được biết đến nhiều hơn.

Xuất thân từ Nhật Bản có bộ ba Mina – Sana – Momo (TWICE), Yuta (NCT),..; các thần tượng Thái Lan được yêu mến phải kể đến Nich Khun (2PM), Lisa (Black Pink), Bam Bam (GOT7),.. Những thần tượng người Trung cũng có visual vô cùng ấn tượng là Kyul Kyung (Pristin), Cheng Xiao (Cosmic Girls),…; Tzuyu (TWICE), Lai Kuan Lin (Wanna One),…đến từ Đài Loan hay Vernon (SEVENTEEN), Somi (cựu thành viên I.O.I), Nancy (Momoland),…là những idol lai mang vẻ đẹp khiến ai cũng phải trầm trồ.

Định kiến nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn - Đúng hay sai? - Ảnh 4.

Nic Khun (2PM) từng một thời làm các chị em điên đảo với gương mặt "búng ra sữa"

Định kiến nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn - Đúng hay sai? - Ảnh 5.

Bộ ba MiMoSa – Japan line của TWICE với vẻ đẹp ngọt ngào

Định kiến nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn - Đúng hay sai? - Ảnh 6.

Lai Kuan Lin - em út của Wanna One đến từ Đài Loan đẹp trai chuẩn "nam thần"

Định kiến nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn - Đúng hay sai? - Ảnh 7.

Somi (cựu thành viên I.O.I) mang vẻ đẹp lai Hà Lan – Hàn Quốc vô cùng sắc sảo

Những thần tượng ngoại quốc luôn sẵn có nhiều câu chuyện đời tư thú vị để chia sẻ về văn hóa quê hương mình, về quá trình họ theo đuổi đam mê ra sao, vượt qua rào cản ngôn ngữ như thế nào,…Những câu chuyện ấy sẽ trở nên vô cùng đắt giá khi quảng bá cho nhóm trên các chương trình phát thanh truyền hình, vì bản thân các thần tượng ngoại quốc đã khác biệt – mà khác biệt thì luôn được chú ý và nhớ đến.

Nhóm nhạc nào có thành viên ngoại quốc thì sẽ sống trong môi trường đa ngôn ngữ. Có thể khác biệt ngôn ngữ là một rào cản trong những ngày đầu hoạt động nhưng về lâu về dài lại là lợi thế chiến lược của những nhóm nhạc đa quốc tịch. Các thành viên ngoại quốc sẽ giúp việc giao tiếp đa ngôn ngữ trở nên dễ dàng hơn, đơn cử như nhóm nhạc đông thành viên nhất của SM Entertainment là NCT từng khiến fan choáng với bài phát biểu nhận giải bao gồm…4 thứ tiếng, đến từ 4 thành viên mang quốc tịch Hàn – Trung – Nhật – Canada.

NCT phát biểu nhận giải Nghệ Sĩ Mới tại Seoul Music Award 2017 bằng 4 thứ tiếng

Cuối cùng, phạm vi hoạt động cũng như độ phổ biến của một nhóm nhạc sẽ được mở rộng thêm nếu họ có thành viên đến từ một quốc gia khác. Nich Khun từng hút về lượng fan Thái khổng lồ cho 2PM, tạo thuận lợi cho hoạt động quảng bá của nhóm tại xứ chùa Vàng hay bộ ba MiMoSa (TWICE) lại giúp nhóm giành được sự chú ý từ quê hương Nhật Bản, khiến việc tấn công thị trường nhạc Nhật trở nên dễ dàng hơn nhiều. Ngày nay khi các công ty quản lý nuôi tham vọng chiếm lĩnh thị trường ngoài nước, việc sở hữu một thần tượng ngoại quốc trong nhóm sẽ là lợi thế lớn mà họ cần cân nhắc.

Tạm kết

Có vẻ lời nói "Nhóm nhạc không có thành viên ngoại quốc sẽ thành công hơn" chỉ là định kiến đến từ một vài netizen Hàn vẫn còn quá khắt khe trong cái nhìn họ dành cho các thành viên ngoại quốc. Về danh sách nêu trên, một số cư dân mạng chỉ ra rằng nó chẳng khác gì "một bài đăng đầy ác ý với mục đích nói xấu các thần tượng ngoại quốc", còn fan của những nhóm nhạc đa quốc tịch khẳng định rằng chủ thớt "đang bắt nạt họ và thần tượng của họ".

Sau Gen 2 với một loạt những thần tượng ngoại quốc tách nhóm, các công ty chủ quản vẫn không ngừng tìm kiếm những gương mặt đa quốc tịch cho nhóm nhạc Gen 3 và Gen 4. Có vẻ những nhà quản lý luôn có cái nhìn thấu đáo hơn trong việc xác định rằng nhóm hoạt động với thành viên ngoại quốc là lợi hay hại.

Xét đến việc những nhóm nhạc đa quốc tịch như GOT7, SEVENTEEN, TWICE, Black Pink, NCT, (G)I-DLE... vẫn đang hoạt động thuận lợi, có thể nhận thấy, dù trong quá khứ từng xảy ra những lùm xùm đáng tiếc, nhưng cư dân mạng không thể phủ nhận hoàn toàn đóng góp của các thần tượng ngoại quốc cho nền âm nhạc Hàn Quốc, cũng như nỗ lực của các nhóm nhạc đa quốc tịch trong việc mang làn sóng Hallyu vươn tới nhiều quốc gia trên thế giới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày