Tiêm vắc xin sởi đầy đủ là biện pháp quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi và các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong. Theo đa số các chương trình tiêm chủng mở rộng (bao gồm cả ở Việt Nam), cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi mới có thể tạo miễn dịch tối đa với bệnh. Lịch tiêm vắc xin sởi phụ thuộc vào loại vắc xin và tình trạng sức khỏe, tình hình dịch bệnh tại khu vực sinh sống, nhưng nhìn chung như sau:
- Mũi 1: Khi trẻ được 9 - 12 tháng tuổi (có thể sớm hơn trong vùng dịch và chỉ tiêm khi có chỉ định của bác sĩ).
- Mũi 2: Khi trẻ được 15 - 18 tháng tuổi.
- Lưu ý: Nếu sử dụng vắc xin sởi kết hợp, như MMR sởi - quai bị - rubella thì có thể tiêm mũi đầu lúc 12 tháng tuổi và mũi 2 lúc 4 - 6 tuổi.
Nếu trẻ chỉ tiêm một mũi vắc xin sởi và không tiêm mũi thứ hai, nghĩa là hiệu quả bảo vệ trước bệnh sởi sẽ thấp hơn rất nhiều. Nguy cơ mắc bệnh sởi ở trẻ tiêm 1 mũi so với tiêm đủ 2 mũi sẽ cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Trong khi, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch yếu.
Chỉ tiêm 1 mũi vắc xin sởi, trẻ vẫn có nguy cơ khá cao mắc phải bệnh này (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo WHO, khi tiêm 1 mũi vắc xin sởi thì hiệu quả chống lại bệnh sởi chỉ đạt khoảng 80 - 85%. Trong khi đó, tiêm đủ 2 mũi giúp hiệu quả phòng sởi đạt mức tối đa lên tới 97%.
Đặc biệt là với trẻ nhỏ, một số trẻ không đáp ứng miễn dịch sau mũi đầu do ảnh hưởng từ miễn dịch mẹ truyền, sức khỏe hoặc bảo quản vắc xin. Mũi tiêm thứ hai giúp tăng tỷ lệ miễn dịch, bảo vệ cộng đồng và duy trì kháng thể suốt đời. Trong khi mũi 1 không có được điều này và nhanh bị giảm miễn dịch theo thời gian hơn so với tiêm đủ 2 mũi. Do đó WHO khuyến cáo tất cả trẻ em đều cần tiêm mũi thứ hai, không cần xét nghiệm kháng thể trước.
Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi giúp đạt hiệu quả miễn dịch tối đa, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà không ít trẻ bị trễ lịch tiêm khuyến nghị. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì trẻ hoàn toàn có thể được tiêm bù mũi 2 mà không ảnh hưởng gì tới hiệu quả vắc xin. Nghĩa là sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, hiệu quả phòng sởi vẫn đạt mức tối đa là 97%.
Trong trường hợp trẻ bỏ lỡ lịch tiêm mũi 2, không cần phải tiêm lại từ đầu. Thay vào đó, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm mũi thứ hai càng sớm càng tốt để hoàn thành phác đồ tiêm chủng và đảm bảo hiệu quả bảo vệ.
Nếu lỡ lịch tiêm mũi 2 vắc xin sởi, nên đưa trẻ đi tiêm bù càng sớm càng tốt (Ảnh minh họa)
Cũng không hề có thời gian tối đa cho việc tiêm mũi thứ 2 sau khi trễ lịch. Nhiều người chỉ được tiêm mũi 1 khi còn nhỏ và mãi tới khi trưởng thành mới được tiêm bù mũi 2, lúc này hiệu quả miễn dịch vẫn có thể lên tới 97% sau khi tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, phải chấp nhận rằng càng trễ mũi 2 vắc xin sởi bao nhiêu thì trẻ càng dễ nhiễm bệnh và mất đi miễn dịch cộng động bấy nhiêu.
Nguồn tổng hợp: VNVC, WHO, Báo SKĐS