Đi tìm lời giải cho vấn nạn hiếp dâm mãi hoành hành tại Ấn Độ: Khi công lý ngủ quên và những mặt trái "giam cầm" người phụ nữ

Diệp Lục, Theo Helino 02:36 20/11/2019

Dù đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhưng trên thực tế tình trạng cưỡng hiếp phụ nữ vẫn diễn ra không có lối thoát ở Ấn Độ.

Vào tháng 12/2012, dư luận và truyền thông Ấn Độ cũng như quốc tế rúng động trước tin một nữ sinh viên 23 tuổi bị 6 người đàn ông hãm hiếp trên xe buýt ở New Delhi. Sau 45 phút bị tra tấn, nạn nhân đã bị ném ra khỏi xe buýt một cách tàn nhẫn. Cô gái trẻ được tìm thấy trong tình trạng nguy kịch và qua đời chưa đầy 2 tuần sau khi nhập viện điều trị.

Thảm kịch đó đã khiến đất nước Ấn Độ và quốc tế chú ý hơn đến vấn đề bạo lực tình dục ở nước này, đã tồn tại trong một thời gian dài nhưng không được quan tâm đúng mức. Sau cái chết của nữ sinh xấu số, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố rằng, tất cả mọi người từ mọi cấp bậc, lứa tuổi đều phải ra sức đấu tranh để làm cho đất nước trở nên tốt hơn và an toàn hơn với phụ nữ.

Vụ việc trên đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình lớn trên khắp cả nước. Hàng ngàn người đã xuống đường để đòi công lý cho nạn nhân, yêu cầu hệ thống tư pháp hình sự phải thay đổi luật liên quan đến bạo lực tình dục tại nước này. 4 trong số những người đàn ông đã hãm hiếp và giết chết nữ sinh bị kết án tử hình. Chính phủ Ấn Độ cũng hứa hẹn sẽ đưa ra các biện pháp mang tính răn đe, nghiêm khắc hơn để không còn bất kỳ người nào trên đất nước này phải trải qua nỗi đau đớn như nữ sinh trên.

7 năm sau thảm án ấy, bất chấp những lời hứa và quyết tâm của chính phủ Ấn Độ, tình trạng bạo lực tình dục tại đây vẫn diễn ra mạnh mẽ. Không chỉ các nạn nhân bị hãm hiếp, giết chết một cách dã man mà ngay cả gia đình của họ cũng trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ thủ ác khiến dư luận ngày một phẫn nộ.

Đi tìm lời giải cho vấn nạn hiếp dâm mãi hoành hành tại Ấn Độ: Khi công lý ngủ quên và những mặt trái giam cầm người phụ nữ - Ảnh 1.

4 kẻ phạm tội bị tử hình trong vụ nữ sinh bị hãm hiếp trên xe buýt vào năm 2012.

Đi tìm lời giải cho vấn nạn hiếp dâm mãi hoành hành tại Ấn Độ: Khi công lý ngủ quên và những mặt trái giam cầm người phụ nữ - Ảnh 2.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra khắp nơi ở Ấn Độ.

Nạn hiếp dâm đang xảy ra như một đại dịch tràn lan ở Ấn Độ khiến đất nước này trở thành quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ, theo cuộc thăm dò hồi tháng 6/2018 của Thomson Reuters Foundation. Dữ liệu gần đây nhất từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ cho thấy có 38.947 vụ hiếp dâm được báo cáo vào năm 2016. Theo con số này thì cứ sau 15 phút lại có một phụ nữ bị hãm hiếp.

Những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục ở Ấn Độ phải đối mặt với vô số rào cản trong việc tìm kiếm công lý từ sự kỳ thị hay bị lạm dụng trong lúc cố gắng báo cáo các vụ hiếp dâm với cảnh sát. Đa phần các vụ việc đều bị xử lý chậm trễ và các nhân chứng đều bị đe dọa khiến nhiều sự vụ rơi vào ngõ cụt.

Quá nhiều luật pháp, quá ít công lý

Vụ án năm 2012 đã tạo ra một số cải cách về pháp lý và chính sách của quốc gia này. Vào năm 2013, Nghị viện đã thông qua một đạo luật chống hiếp dâm mới, sửa đổi 4 luật lớn để đưa ra các điều khoản liên quan đến bạo lực tình dục với phụ nữ một cách nghiêm ngặt hơn. Luật mới cũng mở rộng định nghĩa về hiếp dâm; thêm các cuộc tấn công rình rập, tạt axit vào danh sách tội ác cụ thể đối với phụ nữ; đưa ra hình phát cho cảnh sát không nhận điều tra các vụ hãm hiếp.

Bên cạnh đó, luật mới cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc y tế, kiểm tra miễn phí cho nạn nhân bị tấn công tình dục. Ngoài ra, những nạn nhân may mắn sống sót cũng sẽ nhận được bồi thường tài chính. Vào tháng 3/2014, Bộ Y tế nước này cũng đã ban hành hướng dẫn chuẩn hóa các giao thức y tế và pháp lý cho các nạn nhân của các vụ tấn công tình dục.

Tuy nhiên, 5 năm sau khi cải cách pháp lý được đưa ra, tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Một báo cáo trên Tạp chí Đạo đức Y khoa Ấn Độ kết luận rằng, việc huy động nguồn vốn kém hiệu quả, tập trung sai mục đích đã không đem lại hiệu quả thiết thực nào cho các nạn nhân mà còn gây mâu thuẫn trong các điều khoản pháp lý.

Đi tìm lời giải cho vấn nạn hiếp dâm mãi hoành hành tại Ấn Độ: Khi công lý ngủ quên và những mặt trái giam cầm người phụ nữ - Ảnh 3.

Công lý hiếm khi đứng về các nạn nhân bị hãm hiếp.

Majeed Memon, một luật sư bào chữa hình sự hàng đầu nước này đồng thời là thành viên của nghị viện cho hay, không thiếu các điều luật để ngăn chặn tội phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc đảm bảo công lý cho những người sống sót, vấn đề nằm ở chỗ là có quá nhiều luật pháp nhưng lại quá ít công lý được thực thi.

Những thách thức để báo cáo vụ việc

Khó khăn lớn nhất mà những nạn nhân may mắn sống sót sau khi bị tấn công tình dục là họ phải đối mặt với việc làm đơn khiếu nại và báo cáo vụ việc với cảnh sát. Vào năm 2013, Awasthi, một phụ nữ chuyển giới 35 tuổi ở Mumbai đã bị bắt cóc và giam cầm trong 2 năm.

Cô bị giam giữ bất hợp pháp trong một căn phòng tối và thường xuyên bị 15 người đàn ông thay nhau hãm hiếp. Một đêm tối vào năm 2015, cô tìm được cách trốn khỏi nơi giam giữ và tìm đường trở về nhà. Vài tháng sau đó, cô lại bị chính một trong nhóm người đàn ông ấy phát hiện, bắt cóc và tiếp tục bị xâm hại tình dục.

"Nhiều khi tôi muốn kết liễu cuộc đời mình. Tôi cảm thấy bế tắc và bất lực. Bố mẹ tôi không muốn khiếu nại cảnh sát vì họ cho rằng điều đó chỉ mang lại sự xấu hổ cho gia đình", người phụ nữ cho hay.

Awasthi đã tiếp cận một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền của người chuyển giới có trụ sở tại Mumbai để tìm kiếm sự hỗ trợ. Các nhà hoạt động đã khuyến khích cô đến đồn cảnh sát để làm đơn tố cáo tội ác của nhóm người man rợ. Tuy nhiên, khi đến đây, cô đã bị cảnh sát chế nhạo và từ chối tiếp nhận vụ việc.

"Tôi liên tục đến đồn cảnh sát để cầu xin họ giúp đỡ tôi nhưng họ không nghe và coi đó là trò đùa", người phụ nữ kể lại.

Đi tìm lời giải cho vấn nạn hiếp dâm mãi hoành hành tại Ấn Độ: Khi công lý ngủ quên và những mặt trái giam cầm người phụ nữ - Ảnh 4.

Nhiều nạn nhân cũng bị chính cảnh sát hãm hại.

Chỉ đến khi Awasthi tìm đến Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Ấn Độ, cảnh sát đã buộc phải nhận đơn khiếu nại của người phụ nữ, 2 năm sau khi vụ tấn công xảy ra vào năm 2015. "Mọi thứ đã quá muộn màng. Thời gian đã khiến các bằng chứng về vụ hãm hiếp tập thể của tôi bị mất hết", Awasthi nói.

Theo một báo cáo vào năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết cảnh sát Ấn Độ không phải lúc nào cũng phản hồi về các vụ cưỡng hiếp. Những nạn nhân có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc xuất thân từ địa vị thấp kém sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Cảnh sát đôi khi cũng gây áp lực buộc các gia đình nạn nhân phải tự giải quyết hoặc thỏa hiệp nếu những kẻ phạm tội có thế lực mạnh hơn.

Khi người nhân danh pháp lý cũng phạm tội

Ngoài việc không theo đuổi đến cùng các vụ bạo lực tình dục đối với phụ nữ, cảnh sát đôi khi là thủ phạm của các vụ hiếp dâm. Trong một chuyến đi hành hương vào tháng 6/2014, một người phụ nữ và 7 người bạn khác của cô đã bị một cảnh sát chặn lại ở lối vào một ngôi đền. Người này cáo buộc họ đã có hành vi hối lộ người khác nhưng cô Khushi và các bạn đã phủ nhận. Hai bên xảy ra cuộc tranh cãi kịch liệt, cuối cùng cả nhóm bị dồn vào một chiếc xe và họ bị đưa đến đồn cảnh sát ở thành phố Ajmer.

Khushi cho biết, cô đã bị một cảnh sát kéo vào một phòng giam nơi có 3 đồng nghiệp của tên này đang ngồi đợi sẵn. Họ lần lượt cưỡng hiếp cô, còn người còn lại đứng quay phim. Vụ tấn công chỉ dừng lại khi một người bạn của cô phát hiện sự việc và lao vào giải cứu Khushi.

Trong 4 ngày tiếp theo, Khushi bị giam trong phòng giam mà không có sự trợ giúp y tế nào. 6 ngày sau cô được tại ngoại nhưng 5 năm sau đó, Khushi không thể đòi lại được công lý cho mình mà còn phải đối mặt với các mối đe dọa khác. Trường hợp của Khushi là minh chứng phản ánh những khó khăn mà nạn nhân sống sót sau các vụ hãm hiếp gặp khó khăn khi tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý phù hợp.

Đi tìm lời giải cho vấn nạn hiếp dâm mãi hoành hành tại Ấn Độ: Khi công lý ngủ quên và những mặt trái giam cầm người phụ nữ - Ảnh 5.

Một vấn đề tồn tại khác ở phần lớn các vụ cưỡng bức là thiếu các biện pháp bảo vệ các nhân chứng. Vào năm 2013, một trong những bậc thầy tôn giáo nổi tiếng nhất Ấn Độ, Asaram Bapu, đã bị bắt giữ vì cưỡng hiếp trẻ vị thành niên. 3 nhân chứng trong vụ việc này đã bị giết và nhiều người khác đã bị tấn công. Mặc dù vậy, Bapu vẫn bị kết án chung thân vào năm 2018.

Vào tháng 12/2018, Tòa án tối cao đã phê duyệt dự thảo chương trình bảo vệ nhân chứng, yêu cầu cảnh sát xác định và đánh giá mức độ rủi ro của các nhân chứng trong vụ án hình sự. Từ đó, cung cấp các biện pháp bảo vệ cho các nhân chứng này, bao gồm việc cung cấp nơi ở an toàn, che giấu danh tính hay có camera giám sát. Tuy nhiên, mặc dù luật mới đã có hiệu lực nhưng việc bảo vệ các nhân chứng chỉ tồn tại trên giấy tờ.

Theo Yogesh Pratap Singh, một cựu sĩ quan cao cấp của Sở cảnh sát Ấn Độ, hiện là luật sư, cho hay cách duy nhất để khắc phục điều này là cảnh sát cần kết thúc vụ án thật nhanh, hiệu quả nhất là trong vòng 1 tuần kể từ khi vụ việc được báo cáo.

Các phiên tòa bị trì hoãn

Hiện nay, Luật hình sự Ấn Độ yêu cầu việc xét xử các vụ hiếp dâm phải được hoàn thành trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, bất chấp điều luật mới, các phiên tòa xét xử các vụ cưỡng hiếp thường kéo dài trong nhiều năm. Sự chậm trễ này bắt nguồn từ việc thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Ấn Độ chỉ có 19 thẩm phán trong 1 triệu người.

Đi tìm lời giải cho vấn nạn hiếp dâm mãi hoành hành tại Ấn Độ: Khi công lý ngủ quên và những mặt trái giam cầm người phụ nữ - Ảnh 6.

Nhiều phiên tòa đã bị trì hoãn khiến nạn nhân chịu không ít thiệt thòi.

Một vấn đề tồn tại khác là tỷ lệ kết án trong các vụ cưỡng hiếp là rất thấp. Theo dữ liệu từ Cục hồ sơ tội phạm quốc gia năm 2016, Ấn Độ có tỷ lệ kết án là 25,5% năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiên vị của các công tố viên, các nhân chứng bị mua chuộc hoặc bị đe dọa và sự bất cẩn từ phía các thẩm phán xét xử. Trong các trường hợp khác, nạn nhân và hung thủ thường có thỏa hiệp không chính thức, ảnh hưởng đến quá trình kết án.

Nạn tham nhũng trong ngành tư pháp cũng khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Nhiều cơ quan công tố thường bỏ qua các quyền của nạn nhân khiến họ chỉ có thể bỏ cuộc. Nhiều gia đình cũng không ủng hộ các nạn nhân đấu tranh đòi công lý vì sợ bị kỳ thị và mất thể diện. Nhiều nạn nhân chua chát nói rằng phiên tòa xét xử cưỡng hiếp còn nhục nhã hơn cả việc bị cưỡng hiếp.

Có thể thấy, chính vì những lỗ hổng vẫn còn tồn tại trong hệ thống pháp lý cùng những định kiến xã hội vẫn còn đè nặng trong nhiều gia đình, các nạn nhân trong những vụ án xâm hại tình dục rơi vào vòng luẩn quẩn, không có lối thoát. Nhiều người còn bị cưỡng hiếp liên tục trong các vụ việc khác nhau nhưng tiếng nói công lý không đứng về phía họ khiến Ấn Độ mãi là nỗi khiếp đảm của phụ nữ, được biết đến là đất nước tràn ngập các vụ hiếp dâm.

Nguồn: Worldpoliticsreview