Bà Yang 52 tuổi (Thượng Hải, Trung Quốc) kể lại, bà bắt đầu cảm thấy khó chịu vì ngứa ngáy ở bàn chân và mu bàn tay từ hơn hai tháng trước. Cảm giác ngứa tăng lên rất nhiều vào ban đêm và không thuyên giảm nhiều sau khi tự bôi thuốc. Ngay cả với thuốc được phòng khám da liễu kê cũng chỉ có tác dụng tạm thời, hết thuốc cơn ngứa lập tức trở nên dữ dội khiến bà Yang ăn không ngon ngủ không yên.
Ba ngày trước, bà Yang quyết định tới thẳng Khoa Da liễu của bệnh viện trung ương để thăm khám. Bác sĩ tại đây kiểm tra xong liền yêu cầu bà làm xét nghiệm máu và kiểm tra huyết áp - điều mà 2 phòng khám da liễu trước đây không làm. Kết quả, bà Yang được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Đường huyết lúc đói của bà là 14,7 mmol/L trong khi chỉ số này ở người bình thường dao động từ 4 tới 7 mmol/L. Vốn là người rất ít khi ăn đồ ngọt, bà hoảng hốt vô cùng khi nhìn vào chỉ số đường huyết của mình.
Người phụ nữ đi khám da liễu thì phát hiện mắc tiểu đường tuýp 2 (Ảnh minh họa)
Ngay sau đó, bà Yang được chuyển sang Khoa Nội tiết. Bác sĩ Wu Yibo cho biết: “Ngoài tình trạng ngứa da bất thường, bệnh nhân có biểu hiện sụt cân nhanh. Theo bệnh nhân tự theo dõi, trong vòng 2 tháng đã sụt hơn 3kg. Bệnh nhân cho rằng vì cơn ngứa khiến mình ăn uống mất ngon nên giảm cân và không để tâm. Bên cạnh đó còn tăng tiểu đêm, hay khô miệng - đây đều là những triệu chứng thường gặp ở người mắc tiểu đường tuýp 2”.
Về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Wu cũng giải thích rằng ăn uống quá nhiều đồ ngọt không phải yếu tố duy nhất dẫn tới bệnh tiểu đường. Với trường hợp của bà Yang, bà không ăn ngọt nhưng lại ăn quá nhiều tinh bột mỗi ngày trong rất nhiều năm, đặc biệt là vào bữa sáng.
“Tinh bột cũng có thể làm tăng đường huyết giống như cách các món nhiều đường làm. Tinh bột được sinh ra từ một phân tử glucose dài và khi nó được tiêu hóa sẽ chuyển hóa thành đường. Tác hại của ăn nhiều tinh bột sẽ biểu hiện khi làm cho lượng đường trong máu tăng nhanh và sau đó lại giảm. Nếu ăn quá nhiều cũng sẽ làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì, tiểu đường và một số bệnh chuyển hóa khác” - bác sĩ Wu giải thích.
Chưa kể, bà Yang còn thường xuyên thức khuya đã nhiều năm. Theo giải thích của bác sĩ Wu, thức khuya có thể khiến khả năng đề kháng insulin của cơ thể bị tổn hại, chuyển hóa glucose bị giảm sút, độ nhạy insulin giảm và chất béo tích tụ nhiều hơn gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2.
Thông qua trường hợp của bà Yang, bác sĩ Wu cũng nhắc nhở chúng ta không nên chủ quan với ngứa da dai dẳng. Đây có thể không chỉ là vấn đề da liễu thông thường mà đang cảnh báo nhiều bệnh tật khác, bao gồm cả tiểu đường.
Ngứa da do tiểu đường thường gặp ở bàn chân, bàn tay, tai và đi kèm khô da, nứt nẻ hay phát ban (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Wu cho biết: “Tình trạng ngứa da do tiểu đường được hình thành bởi một hoặc kết hợp cùng lúc nhiều nguyên nhân. Ví dụ như máu lưu thông kém, bệnh khiến cơ thể mất nhiều nước khi đi tiểu hoặc bốc hơi qua da làm da khô, ngứa. Lượng đường trong máu cao làm hệ miễn dịch suy yếu, tăng khả năng nhiễm trùng da, nhiễm nấm lên gấp nhiều lần.
Hay lượng cytokine (chất gây viêm) cao trong cơ thể cũng gây ngứa, tổn thương thần kinh ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi gây tổn thương các sợi thần kinh, tiểu đường có thể gây biến chứng đa dây thần kinh hoặc bệnh thần kinh ngoại biên khiến người bệnh ngứa da. Bệnh nhân tiểu đường có thể bị ngứa da do suy thận và suy gan hoặc dị ứng thuốc điều trị”.
Ông cảnh báo thêm, ngứa da do bệnh tiểu đường thường gặp nhất ở các bộ phận như: bàn chân, bàn tay, cánh tay, tai, cơ quan sinh dục, ngứa mắt kết hợp nhìn mờ. Đôi khi, người bệnh bị ngứa dai dẳng toàn thân không tìm ra nguyên nhân. Đặc điểm của ngứa da do tiểu đường thường rõ ràng hơn vào ban đêm, dễ kèm khô da, nứt nẻ hoặc phát ban.
Nguồn và ảnh: Sohu, Good Morning Health