Trở thành loạt phim "lợi lộc" nhất của Universal, Despicable Me 3 đơn giản chỉ cần cải tiến một chút công thức ăn khách của các phần trước là đã kéo dài chuỗi ngày vinh quang của hãng: nhiều Gru hơn (thực ra là cặp song sinh Dru – Gru, mà thôi kệ đi), nhiều chi tiết hoài cổ hơn và nhạc hay hơn.
Trong phần phim này, Steve Carell cùng Kristen Wigg trở lại lồng tiếng cho cặp bồ câu Gru và Lucy – tiếp tục cống hiến trong vai trò hai điệp viên lành nghề của Liên minh chống kẻ ác. Mọi chuyện bắt đầu khi Gru phát hiện ra mình có em trai song sinh là Dru (cũng do Carell lồng tiếng). Truyền thống gia đình làm nghề ác nhân cha truyền con nối như đang mời gọi Gru trở lại con đường làm kẻ xấu.
Với sự xuất hiện của một nhân vật mới như Dru, dàn kép trong Despicable Me lại thêm phần chật chội. Nhưng phim lại khéo léo sắp xếp đủ thời lượng để nhân vật nào cũng có đủ đất để bộc lộ mình: chúng ta biết thêm về gia đình của Gru – cô nàng Lucy đang học cách trở thành bà mẹ tốt, ba đứa con gái mỗi đứa một tính, một Dru đầy yêu thương, vụng về và cuồng nhiệt, một Gru cáu bẳn đang cố "cải tà quy chính".
Chưa kể một gã siêu ác nhân tên là Balthazar Bratt (Trey Parker lồng tiếng) gợi cho rất nhiều khán giả về các yếu tố văn hóa đậm chất Mỹ thập niên 80 như sự nổi tiếng (và tàn lụi) nhanh chóng của các ngôi sao tuổi teen, robot đồ chơi, áo có đệm vai, giày sneaker, nhạc disco và nhai kẹo cao su.
Despicable Me không chỉ làm người Mỹ phải phì cười. Các trò đùa trong phần phim này còn mang tính "quốc tế" hơn nữa khi trải dài khắp châu Âu. Cảnh bà mẹ của Gru trong bể bơi với hai anh trai sáu múi không khác gì cảnh phim gợi tình của Ý.
Này nhé, chúng ta còn có trẻ con ăn phô mai, quán bar say xỉn như Ireland, phụ nữ vung tay kiểu Ý, nhảy kiểu Tây Ban Nha, còn có một nhân vật đội mũ nồi kiểu Pháp. Tuy nhiên không phải mọi trò đùa trong Despicable Me 3 đều hài hước cả, một số rơi vào khái niệm nhạt nhẽo nhưng sớm được cho qua với tiết tấu tương đối nhanh của phim.
Đạo diễn Pierre Coffin cùng các đồng nghiệp đã đem tới 96 phút thư giãn với một kịch bản hài hước vừa đủ khiến khán giả phải vỗ tay và lắc lư cái đầu theo giai điệu vô nghĩa của tụi Minion. Lũ sinh vật "vàng vàng" này không có nhiều đóng góp cho phần 3 này, thay vào đó nhường màn ảnh lại cho các nhân vật người. Đây có lẽ không phải là điều đáng tiếc bởi người xem có lẽ đã bị "bội thực" sau loạt phim riêng về Minions trước đó.
Có hai tuyến nhân vật được chia khá rõ ràng trong phim, đó là câu chuyện về tình anh em giữa Gru – Dru và hành trình gắn kết giữa Lucy và ba cô con gái nuôi. Đan cài trong đó là tình yêu giữa Gru – Lucy, Gru cùng các con và Gru với lũ Minions.
Không quá giáo điều, các bài học trong Despicable Me 3 vẫn hướng tới thông điệp chân phương và nhẹ nhàng về tầm quan trọng của gia đình. Dù vậy, chính việc nhiều nhân vật xuất hiện trong phần này mà tình cảm giữa Gru và các con gái có phần nhạt nhòa hơn.
Ác nhân của phim, "Bratt xấu xa" gây được ấn tượng mạnh đối với người xem bởi tạo hình và sở thích quá đặc trưng. Cảnh phim hài hước nhất có lẽ là màn đấu nhảy giữa Gru và Bratt trên nền nhạc retro bài "Into the Groove" của Madonna.
Illumination vốn nổi tiếng với sự cẩn thận trong hình ảnh. Rực rỡ và sắc nét, Despicable Me 3 tiếp tục là một thành công của hãng phim để lại ấn tượng thị giác sâu sắc cho khán giả.
Mô típ chơi trò người tốt – người xấu có thể tìm thấy trong loạt James Bond hoặc trăm ngàn phim về điệp viên khác, đồng thời mở ra cơ hội vô hạn làm các phần phim tiếp theo cho Despicable Me. Không xuất sắc như phiên bản năm 2010 nhưng phần ba của Kẻ Trộm Mặt Trăng hoàn toàn xứng đáng là một phim hoạt hình vui vẻ cho gia đình dịp cuối tuần.