Căn bếp từng được chị Nguyễn Thu Hà (40 tuổi, Hà Nội) tự hào gọi là "góc yêu thích nhất nhà". Nhưng sau 10 năm hôn nhân và tích cóp đủ loại đồ bếp, đó lại trở thành nơi khiến chị mỏi mệt nhất.
"Tôi không lười, nhưng tôi thấy kiệt sức khi phải nấu ăn trong một căn bếp ngổn ngang. Mỗi lần luộc rau phải xếp lại ba cái nồi để lấy được cái mình cần. Mỗi lần xay tỏi là phải kéo ra một đống dây và lau dọn thêm cả buổi tối" , chị Hà chia sẻ.
Tháng 3 năm ngoái, chị Hà định mua một chiếc nồi áp suất điện tử thế hệ mới, giá 3,6 triệu. Nhưng khi mở kho ra để dọn chỗ cho món mới, chị ngỡ ngàng phát hiện nhà mình đã có:
- 2 nồi cơm điện (1 nhỏ, 1 lớn)
- 1 nồi áp suất cơ
- 1 nồi chiên không dầu
- 1 bộ 5 nồi inox, mới dùng 2
- 1 lò nướng cỡ nhỏ
- 1 máy làm sữa hạt
- 1 máy ép chậm
- 1 máy đánh trứng
- 1 máy trộn bột cầm tay
- và 1… máy làm sữa chua (chưa mở hộp)
"Tôi đứng nhìn đống đồ đó và chỉ nghĩ: Mình đang sống vì cái gì? Vì nấu ăn ngon hơn hay vì thỏa mãn cơn nghiện mua sắm?" , chị Hà nói.
Chị bắt đầu tra lại lịch sử chi tiêu cho đồ bếp trong 3 năm gần nhất. Kết quả khiến chị giật mình: hơn 32 triệu đồng, bao gồm cả đồ điện tử và phụ kiện nồi niêu, khay khuôn, dao kéo.
Điều đáng nói: "Tôi chỉ dùng thực sự khoảng 6–7 món. Còn lại là mua vì bạn bè rủ, hoặc quảng cáo bếp hiện đại cần có" , chị Hà chia sẻ.
Sau 2 tuần “tự cách ly khỏi Shopee” và xem lại nhu cầu thật sự, chị Hà quyết định giữ lại đúng 3 món "đa năng" và loại bỏ 70% đồ bếp:
Nồi áp suất điện tử đa năng (giá mua 1,5 triệu) – Hầm xương, luộc rau, nấu cháo, nấu cơm, hấp đồ.
Chảo chống dính sâu lòng (mua 600 nghìn, hàng nội địa Nhật) – Xào, chiên, rim, nấu mì, kho cá đều dùng 1 chảo.
Máy xay mini kiêm đánh trứng (giá 700 nghìn) – Xay hành tỏi, sinh tố, đánh trứng – gọn nhẹ, rửa nhanh.
Phần còn lại, chị thanh lý online, tặng họ hàng hoặc cho đi.
1. Giảm hẳn chi tiêu “lặt vặt” trong bếp: từ 900.000 xuống còn 200.000/tháng
Không còn mua hộp đựng, khay khuôn, dầu chống dính riêng cho từng nồi. Không mua thêm phụ kiện, không tốn tiền thay chảo nhanh hỏng vì dùng sai cách.
2. Giảm điện nước 20–30%/tháng (tương đương 300.000–400.000)
Nấu bằng nồi điện đa năng giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm điện. Không còn phải rửa 3–4 cái máy mỗi lần nấu ăn.
3. Ngừng mua đồ bếp theo trào lưu – tiết kiệm ít nhất 5 triệu/năm
Chị Hà tự đặt quy tắc: Nếu không thiếu nó trong 1 tháng, tức là không cần nó. Nhờ vậy, chị bỏ ý định mua nồi hấp điện, máy ủ sữa chua, máy làm mì và nồi cơm áp suất mới.
Tổng cộng, sau một năm, chị tiết kiệm được khoảng 14–15 triệu đồng chỉ bằng cách giảm đồ – giữ thói quen chi tiêu tỉnh táo.
Giữ lại | Vì sao |
---|---|
Nồi điện đa năng (áp suất/cơm) | Rút gọn 3 món thành 1, tiết kiệm điện |
Chảo sâu lòng loại tốt | Đủ chức năng xào – kho – nấu mì |
Máy xay mini đa chức năng | Dễ dùng – dễ rửa – không ngại xay hành tỏi hàng ngày |
Bỏ bớt | Vì sao |
---|---|
Nồi chiên không dầu | To – tốn điện – khó vệ sinh – ít dùng |
Máy làm sữa hạt | Chiếm chỗ – chỉ dùng vài lần/năm |
Máy đánh trứng/trộn bột | Không làm bánh thì rất phí diện tích |
Bộ nồi 5–7 chiếc | Không dùng hết, chỉ nên giữ 2–3 chiếc cơ bản |
"Tôi không giảm bớt để sống khổ, mà để sống đúng với nhu cầu. Căn bếp giờ không còn là nơi khiến tôi mệt mỏi nữa – nó là không gian khiến tôi tự tin về lối sống mình chọn: Nhẹ, sạch, và không phí tiền" , chị Hà kết luận.