Đề thi văn "Từ bỏ cũng là một lựa chọn" của TP Đà Nẵng gây tranh cãi: Người khen hay, người chê tiêu cực

m52, Theo Helino 16:48 20/12/2019

Đề thi học kỳ 1 dành cho học sinh khối 12 ở TP Đà Nẵng đang gây nhiều tranh cãi khi yêu cầu các em nêu suy nghĩ về câu nói "Từ bỏ cũng là một lựa chọn".

Ngày 18/12 vừa qua, học sinh khối 12 các trường tại TP Đà Nẵng đã thi học kỳ 1 môn Ngữ Văn. Cấu trúc đề gồm 2 phần, đọc hiểu và làm văn. Ở phần Đọc hiểu chiếm 3 điểm, học sinh phải trả lời 3 câu hỏi dựa trên 1 đoạn văn trích từ cuốn "Sống như bạn đang ở sân bay" của tác giả Cúc T., NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Phần làm văn, học sinh sẽ từ đoạn văn ở phần trước mà đưa ra quan điểm về nhận định: "Từ bỏ cũng là một lựa chọn".

 Đề thi văn Từ bỏ cũng là một lựa chọn của TP Đà Nẵng gây tranh cãi: Người khen hay, người chê tiêu cực  - Ảnh 1.

Đề thi văn của TP Đà Nẵng đang gây tranh cãi.

Cụ thể, trích đoạn trong đề thi Văn có viết: "Tôi được gia đình và trường học gieo vào đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục, nhiều đến mức tôi tin rằng từ bỏ, hoặc dừng lại, là một điều gì đó rất tệ.

Tôi nghĩ mình PHẢI luôn cố gắng, PHẢI luôn nỗ lực, PHẢI luôn gồng mình và nếu tôi không đạt được một điều gì đó thì hẳn là tại tôi. Do tôi đã chưa cố gắng đủ nhiều. Với niềm tin đó, tôi đã cố gắng hết sức mình để giành lấy vị trí cao nhất trong trường học, trong những cuộc thi thố gần xa.

Những năm tháng xuôi chèo mát mái trên ghế nhà trường càng khiến tôi ngày càng tin rằng, chỉ cần bạn có một kế hoạch, chỉ cần bạn cố gắng, chẳng có việc gì là không thể. Nhưng tôi sớm vỡ mộng khi bước ra khỏi môi trường học thuật.

Mấy bận bị dồn ép, phải đối mặt với cả những tình huống quá sức chịu đựng, tôi nhận ra buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn so với sự theo đuổi, nhất là khi bạn phải buông bỏ những thứ mà xã hội cho rằng bạn cần níu giữ. Một cái ghế được nhiều người trọng vọng? Một lối sống nghiêm túc chừng mực? Một gia đình nề nếp con cái có đủ mẹ, đủ cha? Tôi ước gì cha mẹ đã dạy tôi rằng "Từ bỏ cũng là một lựa chọn?".

Về phần làm văn, học sinh được yêu cầu nêu ra ý kiến của mình về ý kiến: "Từ bỏ cũng là một lựa chọn".

Đề văn này đã gây khá nhiều tranh cãi, phần thì cho rằng đề hay, gợi mở, giúp các em thoải mái nói lên suy nghĩ. Nhưng một bộ phận không nhỏ lại cho rằng đề văn như này khá tiêu cực, gieo rắc cho các em ý nghĩ "từ bỏ", không có gắng theo đuổi...

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, Phương Anh, học sinh Trường THPT Trần Phú cho biết: "Khi mở đề ra, nhiều bạn rất bất ngờ về cấu trúc đề khi thấy có 3 câu là nghị luận xã hội và phân tích. Nhưng nội dung đề đi đúng trọng tâm của học sinh lớp 12 hiện nay. Nhiều bạn bị ba mẹ bắt học cái này, cái kia, thực sự tụi em cũng rất muốn nói câu từ bỏ cũng là một lựa chọn.

Em cũng cho biết phải mất một khoảng thời gian để xác định cách làm bài như thế nào, nhưng em thích. Nếu so với đề thơ thì em thích đề này hơn vì em có thể nói thẳng lòng mình ra được".

 Đề thi văn Từ bỏ cũng là một lựa chọn của TP Đà Nẵng gây tranh cãi: Người khen hay, người chê tiêu cực  - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Huyền Trang, 1 học sinh trường THPT Diễn Châu 3 (Nghệ An) cũng hết lời khen ngợi đề văn của TP Đà Nẵng: "Em thấy đề văn này rất hay, gợi mở và có tính phản biện cao. Học sinh có thể thỏa sức nêu ra suy nghĩ, quan điểm của mình".

Tương tự, Nguyễn Thị Thu Huyền, học sinh trường THPT Yên Dũng 2 (Bắc Giang) cũng ủng hộ: "Em thấy đề văn này tuy khó nhưng lại rất hay, sẽ cho phép chúng em nói lên mong muốn của mình với thầy cô, cha mẹ. Bởi thực tế, không ít bạn bị cha mẹ đặt kỳ vọng quá nhiều nên mệt mỏi, áp lực".

Bên cạnh những ý kiến khen ngợi của các em học sinh, nhiều phụ huynh lại cho rằng đề văn này khó, mang tính phân loại cao. Đặc biệt, một số người cho rằng đề văn như này dễ gây hiểu lầm, khiến các em có suy nghĩ bi quan, tiêu cực, không muốn cố gắng và lựa chọn từ bỏ.

Theo anh L.T.C, anh cho rằng đề văn nên thay "từ bỏ" bằng "buông bỏ" thì sẽ hay và đúng hơn: "Từ bỏ" là thái độ ứng xử hoặc quyết liệt, tàn nhẫn... Còn "buông bỏ" mang tâm thế nhẹ nhõm, thanh thản của Thiền!".

Bà Lê Thị Bích Thuận - giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã chia sẻ với báo Tuổi trẻ về đề văn gây tranh cãi này. Theo bà, Sở đã định hướng cho thầy cô khi chấm bài sẽ dựa trên suy nghĩ, tư duy của các em để cho điểm chứ không rập khuôn.

Và mục đích của đề văn này là kích thích các em bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình về một vấn đề, hiện tượng trong xã hội. Và chương trình học rất nên có những dạng đề như thế này!

"Các em dùng lập luận của mình để khi ra đời các em có chính kiến của mình" - bà Thuận cho biết.