Đặt quá nhiều cảm xúc trong công việc: Vừa bất lợi cho bản thân, vừa không công bằng với người khác

Hải My, Theo Trí Thức Trẻ 22:05 11/06/2022

Những người nhạy cảm hơn, khi gặp những điều “dữ dội” trong công việc lại cảm thấy tiêu cực, tổn thương, thậm chí đến mức muốn bỏ việc.

Con người vốn giàu cảm xúc. Sẽ thật khó nếu bắt chúng ta phải thờ ơ, vô cảm với mọi điều trong cuộc sống. Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể bộc lộ một cách thoải mái, bộc trực hay thậm chí có phần “ô dề”. Có nhiều tình huống mà bằng một cách nào đó, chúng ta phải kiểm soát, kìm nén cảm xúc của mình, đặc biệt là trong môi trường làm việc.

Đặt quá nhiều cảm xúc trong công việc: Nên hay không?

Trước đây, nhiều công ty chỉ mong muốn nhân viên của mình làm việc như một cỗ máy. Đúng giờ, đúng việc, không nói chuyện riêng,... vô vàn những quy định, nguyên tắc làm việc theo kiểu “công nghiệp” được các công ty đặt ra để quản lý nhân viên.

Đặt quá nhiều cảm xúc trong công việc: Vừa bất lợi cho bản thân, vừa không công bằng với người khác - Ảnh 1.

Tuy nhiên, trong thời buổi hiện đại như ngày nay, văn hóa cảm xúc nơi công sở cũng đang dần thay đổi, bắt đầu được chú trọng nhiều hơn. Những người đi làm dù bất kể sếp hay nhân viên cũng đều có nhu cầu bộc lộ cảm xúc. Từ những tâm trạng đơn giản như hồi hộp khi cấp trên nhắn tin giao việc, bực dọc vì phải “gánh” team hay đến những lần nhân viên nọ khóc vì bị sếp mắng, leader quát tháo vì team chậm tiến độ,... tất cả đều là những cảm xúc thường thấy trong môi trường làm việc.

Phần đông mọi người đều cho rằng, việc thẳng thắn với cảm xúc của chính mình là điều cần thiết trong việc cải thiện môi trường nơi công sở. Hơn nữa, điều này cũng không thể hiện sự chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp khi làm việc. Thế nhưng, không nên đặt quá nhiều cảm xúc trong công việc bởi như vậy rất dễ khiến chúng ta tự đẩy mình vào trạng thái bất lợi, lại vừa không công bằng với người khác. Mặc dù việc kìm nén cảm xúc dù tích cực hay tiêu cực không bao giờ là tốt nhưng cần phải có cách ứng xử khéo léo trong những tình huống khác nhau.

Đặt quá nhiều cảm xúc trong công việc: Vừa bất lợi cho bản thân, vừa không công bằng với người khác - Ảnh 2.

Chẳng hạn, khi bị cấp trên khiển trách, chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận đâu là đúng, đâu là sai. Nhiều người mang cái tôi quá cao khi đi làm nên khi bị phê bình, lập tức sẽ tỏ thái độ khó chịu, có xu hướng phản kháng. Nhưng cũng có những người nhạy cảm hơn, khi gặp những điều “dữ dội” trong công việc lại cảm thấy tiêu cực, tổn thương, thậm chí đến mức muốn bỏ việc.

Trên thực tế, khó khăn là điều chúng ta vốn sẽ phải đối mặt trong cuộc sống. Nếu hôm nay, chúng ta để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến công việc thì ngày mai sẽ lại có những chuyện khác tiếp tục xen vào tâm trí. Về lâu về dài, nếu không khắc phục, chúng ta sẽ trượt dài trong những suy nghĩ buồn bực, năng suất làm việc giảm sút và có thể dẫn đến sự nghiệp khó thành công. Đó hẳn là những bất lợi đối với bản thân người không biết cách quản lý cảm xúc.

Không những vậy, công ty không phải là nhà, đồng nghiệp không phải là người thân để họ phải bao dung và quan tâm mãi đến cảm xúc của bạn. Một công việc hoàn thành cần đến nhiều bộ phận khác nhau, vì thế việc chúng ta không làm tốt công việc, bỏ dở chỉ vì cảm xúc cá nhân sẽ gây ảnh hướng đến kết quả chung của nhiều người. Đó là sự thiếu công bằng với người khác.

Đặt quá nhiều cảm xúc trong công việc: Vừa bất lợi cho bản thân, vừa không công bằng với người khác - Ảnh 3.

Làm cách nào để không bị đặt quá nhiều cảm xúc vào công việc?

Hãy bắt đầu bằng việc bỏ những vấn đề cá nhân trước khi bước vào làm việc. Trong nhiều trường hợp, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề. Lý do khiến bản thân bị sếp hay quản lý khiển trách là gì? Nếu lỗi sai nằm ở nhân viên, buộc chúng ta phải học cách chấp nhận, không đổ lỗi và biến những lời mắng mỏ đó thành lời khuyên, bài học quý giá để rút kinh nghiệm. Còn nếu chúng ta không sai, hãy thoải mái bày tỏ suy nghĩ cá nhân với cấp trên, trao đổi một cách văn minh, tôn trọng để giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp nhất.

Ngoài ra, phương pháp phổ biến để làm dịu cảm xúc là quy tắc 10 giây, hít thở sâu hoặc đi dạo. Chúng ta nên xác định đâu là giới hạn của bản thân để không rơi vào những tình huống khó xử. Và đặc biệt, không đưa ra bất cứ hồi âm cũng như quyết định nào khi tâm trạng đang không thực sự ổn định, bình tĩnh.

Đặt quá nhiều cảm xúc trong công việc: Vừa bất lợi cho bản thân, vừa không công bằng với người khác - Ảnh 4.

Nói đi cũng phải nói lại, không chỉ nhân viên, các nhà quản lý, lãnh đạo cũng cần nỗ lực để xây dựng môi trường làm việc đồng cảm, thoải mái, cởi mở và tôn trọng nhân viên. Cùng nhau lan tỏa những cảm xúc tích cực để công việc có thể cải thiện một cách hiệu quả nhất.

Ảnh minh hoạ.

https://kenh14.vn/dat-qua-nhieu-cam-xuc-trong-cong-viec-vua-bat-loi-cho-ban-than-vua-khong-cong-bang-voi-nguoi-khac-20220611193852428.chn