Với mỗi người, khoảng thời gian được đến trường luôn là những giây phút tuyệt vời nhất, vì ngoài gia đình, bên cạnh chúng ta còn có thầy cô, bạn bè cùng chúng ta lớn lên và tạo ra những kỷ niệm đẹp. Những trò nghịch phá hay đùa vui thời học trò sẽ trở thành những dấu ấn khó quên và sẽ được mỗi người nhắc mãi khi trưởng thành.
Nhưng tất nhiên, nỗi ám ảnh chung của bất kỳ học sinh nào thời đi học cũng chính là các môn học khó nhằn, đống bài tập chất đống hay những bài kiểm tra bất chợt. Đối với lứa học trò, thầy cô luôn có cách để khiến học sinh phải học hành nghiêm túc và chăm chỉ hơn. Ngày nay, để đảm bảo học sinh trong lớp không thể chép bài của nhau trong các tiết kiểm tra, việc sáng tạo ra những mã đề bá đạo đã được nhiều thầy cô áp dụng.
Ảnh minh họa
Mới đây, một giáo viên môn toán đã cho học sinh thực hiện bài kiểm tra 1 tiết môn toán sau thời gian nghỉ dịch. Điều đặc biệt là mã đề được giáo viên này tăng lên một cấp độ khó mà nếu muốn copy bài nhau học trò cũng khó lòng "rà" đúng rada người có chung mã đề với mình. Mỗi mà đề là một dòng gồm 50 ký tự dài ngoằng liên tiếp nhau cả số lẫn chữ cái. Nếu học sinh nào trông chờ vào sự may mắn và độ tài giỏi của những đứa bạn xung quanh sẽ phải khóc thét với cách đặt mã đề như thế này.
Mã đề thi bá đạo kiểu này thật làm khó cho học sinh (Ảnh: Trường người ta)
Đây không phải là lần đầu tiên, các thầy cô áp dụng cách đặt mã đề lầy lội như thế này. Gần đây, cư dân mạng cũng cười ngất với mã đề được viết theo ký tự thoạt nhìn cũng chẳng biết là theo ngôn ngữ nào. Hay còn giáo viên tinh vi đến nỗi chỉ thay đổi vị trí dấu chấm trong các tờ bài làm để xác định học sinh đó đang làm mã đề nào. Thậm chí, việc sử dụng font chữ khác nhau cũng được thầy cô chọn làm một cách đánh mã đề cho các bài kiểm tra của học sinh.
Đây phải chăng là một ngôn ngữ từ các nước Ả rập? (Ảnh: Trường người ta)
Một chấm là say đắm, hai chấm là đắm say... (Ảnh: Trường người ta)
Hãy để ý font chữ trong từng bài làm kẻo nhầm lẫn nhé (Ảnh: Trường người ta)
Ở dưới phần bình luận, nhiều bạn thể hiện sự thán phục trước "chiêu thức" bá đạo này của thầy cô. Bạn L.P chia sẻ: "Gặp những đề này mà cần phải chép lại mã đề, vừa ghi xong thì chắc hết giờ làm bài luôn!" Còn bạn P.K.Q thì bình luận: Các thầy cô làm vậy ai làm lại, đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn!"