Chuyên gia chia sẻ cách chọn đúng ngành nghề học phù hợp với bản thân, tránh mất cả chì lẫn chài

Vũ Trịnh, Theo Tổ Quốc 13:45 16/05/2020
Chia sẻ

Với mỗi người trẻ, việc chọn được đúng ngành nghề sẽ là bước đệm để họ chạm tới một tương lai tươi sáng, tạo dựng thành công và phát triển bản thân một cách tốt nhất.

Nỗi lo chung của nhiều bạn trẻ khi chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học đó chính là làm sao tìm ra đâu là ngành học phù hợp với mình, nghề nào mình nên lựa chọn để gắn bó lâu dài. Giữa vô số ngành nghề hot trên thị trường và có nhu cầu tuyển dụng cao thì bạn có nên theo xu hướng đám đông hay tự tìm ra lối đi riêng cho mình.

Thực tế, giữa bối cảnh xã hội luôn phát triển không ngừng và ngày càng đổi mới theo guồng quay của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì việc xác định được con đường nghề nghiệp sớm sẽ giúp các bạn rút ngắn được lộ trình thăng tiến và phát triển bản thân trong tương lai. Nhưng làm thế nào để bạn tìm ra đáp án cho câu hỏi về ngành học phù hợp với mình thì đó lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Chuyên gia chia sẻ cách chọn đúng ngành nghề học phù hợp với bản thân, tránh mất cả chì lẫn chài - Ảnh 1.

Anh Tony Dương, người từng đảm nhận vị trí chuyên gia tư vấn chiến lược cấp cao tại các tập đoàn hàng đầu thế giới như PwC (New York), EY (New York) và hiện đang là Giám đốc Điều hành Học viện Career Pass Institute USA đã có những góc nhìn đa chiều về câu chuyện không của riêng ai ở phía trên. Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ đào tạo chiến lược ứng tuyển vào các tập đoàn đa quốc gia cho du học sinh Việt Nam tại Mỹ, anh đã cung cấp những bài học bổ ích cho các bạn học sinh, sinh viên đang loay hoay trong việc lựa chọn ngành và nghề cho bản thân.

Sai lầm trong việc chọn ngành: Cảm tính lấn át lý trí 

Theo những khảo sát mà CPI đã thu thập thì có đến 85% các bạn trẻ chọn ngành nghề theo cảm tính thay vì sử dụng các phương pháp khoa học, hay đôi khi đơn giản nhất chỉ là thực sự thấu hiểu mình để đưa ra những lựa chọn phù hợp. Thay vào đó, nhiều người thường chọn ngành theo cách truyền thống nhất là chạy theo ngành học HOT với mức thu nhập hứa hẹn sẽ “khủng”. Do đó, dễ nhận thấy không ít sinh viên ra trường nhưng dấn thân vào những công việc khác với ngành mình đã được theo học.

Chuyên gia chia sẻ cách chọn đúng ngành nghề học phù hợp với bản thân, tránh mất cả chì lẫn chài - Ảnh 2.

Anh chia sẻ: "Có một khái niệm mang tên là ROI. Trong tiếng Anh gọi là return on investment - có nghĩa là mức hoàn trả lại chi phí đầu tư. Nếu xem nghề nghiệp của mình là một sự đầu tư lâu dài thì danh mục đầu tư bao gồm: Thời gian, công sức, tiền bạc và đôi khi là cả hy vọng của rất nhiều người nữa. Nếu chọn sai ngành, bất lợi sẽ là tất cả các chi phí đầu tư trên đều sẽ cao lên mà không biết lúc nào thu lại được "quả ngọt". Các bạn sẽ mất thời gian để định vị lại mình, hoặc to lớn nhất là mất đi cơ hội để "làm chủ, để dẫn đầu" một nghề thuộc sở trường của bạn"

Xác định ngành học ngay từ cấp 3 giúp mở ra cơ hội va chạm sớm hơn về môi trường làm việc

Không có thời điểm nào là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu những thứ mình yêu thích. Trong việc lựa chọn một hướng đi cũng vậy, bất kể là già trẻ lớn bé cũng đều có quyền nghĩ về tương lai và tìm kiếm thành công. Nhưng bao giờ cũng thế, thời gian luôn là phép thử để xem ai sẽ trở nên thành công trước, ai hiểu rõ mình sớm sẽ có lựa chọn tốt hơn và không phải tốn quá nhiều thì giờ cho việc tìm ra lối đi cho tương lai. Bởi thế, CEO của tổ chức CPI cũng cho rằng học sinh cấp 3 là độ tuổi "đẹp" để bắt đầu những bước đi đầu tiên của hành trình xác định hướng đi cho ngành nghề hay công việc mình theo đuổi. 

Anh chia sẻ: "Độ tuổi này các bạn bắt đầu nhận thức về bản thân, về thế giới bên ngoài tốt hơn, bắt đầu tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, bắt đầu hình thành rõ những sở thích, sở trường của mình. Các bạn cũng có đủ khả năng để tiếp cận kiến thức ở thế giới phẳng, có thể học những kiến thức từ nước ngoài, có khả năng phân tích đúng - sai. Đây là những chất liệu "quý" để bắt đầu tìm ra ah... mình hứng thú, mình như được tiếp thêm năng lượng khi làm một việc gì đó."

Chuyên gia chia sẻ cách chọn đúng ngành nghề học phù hợp với bản thân, tránh mất cả chì lẫn chài - Ảnh 3.

Còn với những người đã trót đi lệch hướng thì họ có khoảng thời gian  tối thiểu là 2 năm để một người đi làm có thể đủ hiểu và ngấm nghề ở một đơn vị làm việc Tuy nhiên, với những học sinh đang trong quá trình trải nghiệm, các bạn có quyền và có cơ hội được thử nhiều hơn, linh hoạt hơn. Anh chia sẻ, trong các chương trình hướng nghiệp, nhiều bạn đã tìm ra một nhánh rẽ mới so với dự định ban đầu chỉ sau 1 tháng trải nghiệm hoặc cũng có những bạn lấy những khóa học này làm minh chứng cho niềm yêu thích của mình vào một ngành nghề nào đó.

Những bạn xác định được sớm, có lộ trình rõ ràng, thì khoảng thời gian học Đại học là một sự trải nghiệm lớn lên vô cùng ý nghĩa. Theo anh Tony Dương, những người này sẽ có những kinh nghiệm làm việc đầu đời sớm hơn, sẽ gặp được những mối quan hệ tốt, bàn đạp của những cơ hội việc làm trong tương lai. Anh tâm sự thêm: “Với một ngành phù hợp, chắc chắn bạn sẽ tỏa sáng và đặt dấu ấn đối với tất cả những người có cơ hội làm việc với bạn. Đấy chính là nền tảng của những người thành công - làm tốt những việc mà họ được giao và luôn là người chủ động dẫn đầu."

Thấu hiểu bản thân để tìm ra ngành nghề phù hợp giữa cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Không ai có thể đoán trước được 5 năm, 10 năm tới mình sẽ trở thành ai và trở nên như thế nào. Nhưng mỗi người đều có quyền định đoạt tương lai bằng cách vẽ ra một lộ trình cho bản thân, bắt đầu từ việc tìm ra đâu là con đường mà mình nghĩ sẽ là đúng đắn và phù hợp để phát triển bản thân. Theo đó, để mách nước cho những bạn đang loay hoay với những câu hỏi lớn liên quan tới ngành nghề, sự nghiệp, anh Tony Dương đã nêu ra 3 điểm cần làm để việc chọn ngành dễ dàng hơn, đó là:

Định hướng cần bắt nguồn từ việc thấu hiểu bản thân, hiểu được điểm mạnh - điểm yếu, hiểu được giá trị cốt lõi và điều kiện mà gia đình, xã hội đang hoặc sẽ ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp của bạn. Để làm được điều này, các bạn có thể áp dụng nhiều công cụ / phương thức, như làm bài trắc nghiệm thiên hướng, đọc thông tin về các nhóm ngành trong xã hội, trò chuyện, chia sẻ với thầy cô, gia đình... 

Trải nghiệm các dự án liên quan đến nhóm ngành mình theo đuổi cũng là một phương thức hữu dụng để các bạn hiểu hơn về năng lực của bản thân,  sự phù hợp với ngành nghề định theo đuổi, cũng như nâng cao kỹ năng chuyên nghiệp có thể ứng dụng lâu . 

Kết nối với các anh chị, người lớn tuổi có kinh nghiệm để học hỏi những điều mà nhà trường, sách vở không dạy.

Chuyên gia chia sẻ cách chọn đúng ngành nghề học phù hợp với bản thân, tránh mất cả chì lẫn chài - Ảnh 4.

Những ngành nghề thời thượng sẽ lên ngôi trong kỷ nguyên của công nghệ

Đại dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống kinh doanh và xã hội, nhưng với thị trường lao động, nếu với góc nhìn tích cực hơn thì đây là bước ngoặt làm thay đổi cách thức hoạt động và vận hành của nhiều ngành nghề, đặc biệt là với các nhóm kỹ năng làm việc trong thời kỳ cách mạng 4.0. Theo CEO của tổ chức CPI, ngành nghề  "thống trị" thị trường lao động quốc tế trong 5 năm tới là các ngành liên quan đến khoa học công nghệ, kỹ sư, phân tích dữ liệu hoặc các yếu tố liên quan đến toán, khoa học và lập trình.

Vị giám đốc trẻ tuổi này còn cho biết thêm, đối với các bạn có thế mạnh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên thì đây là thời điểm vàng của các bạn. Theo anh, với những bạn có ý định du học nên chọn các trường phá triển mạnh về nhóm ngành này và thường  được các tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Amazon, Facebook,… đến tuyển dụng. Đối với sinh viên học tập trong nước, tuy còn thiếu các trường đào tạo ngành này nhưng việc trang bị tiếng Anh thật tốt và tìm kiếm các website học online miễn phí như Coursera, Udacity, edX, Udemy là cách để các bạn tự trau dồi kiến thức và tìm cơ hội phát triển cho mình.

Ngoài các nhóm ngành khoa học trên thì các ngành như giao tiếp, sales, chăm sóc khách hàng vẫn còn có "đất sống" Anh Tony Dương chia sẻ: "Dù công nghệ robot có phát triển nhanh như thế nào thì vẫn còn khó có thể tạo ra cảm xúc chân thành trong giao tiếp như quan hệ giữa người và người. Tuy nhiên, các bạn cũng cần tự trang bị thêm những kỹ năng kỹ thuật số như digital marketing hay marketing analytics để công việc của các bạn có thể hiệu quả trong một tầm vóc cao và rộng hơn."

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày