Đằng sau những chiếc áo lông thời thượng: Phận đời ngắn ngủi đầy đau đớn của hàng triệu con vật tội nghiệp

Phương Giấy Spiderum, Theo Helino 21:04 03/04/2018

Thời trang lông thú dường như đang quay trở lại thời kì hoàng kim với nhu cầu ngày càng tăng của giới thượng lưu. Hàng loạt các trang trại sản xuất da và lông thú mọc lên, mà bên trong là những thực trạng tàn bạo.

Sự dã man bên trong những trang trại nuôi chồn

Đằng sau những chiếc áo lông thời thượng: Ngành công nghiệp sản xuất lông thú tàn bạo với những quy định lỏng lẻo - Ảnh 1.

Những con vật bé nhỏ vô tội này rồi sẽ bị giết chết dã man để phục vụ sở thích của con người.

Những trang trại nuôi thú lấy da và lông quy mô lớn mọc lên ngày càng nhiều. Những loài vật thường được tìm thấy ở đây là chồn, cáo, sóc, chồn chó, và một số loài thú hoang dã bắt được trong tự nhiên như báo mèo, hải cẩu, hải ly, mèo rừng… Trong đó phổ biến nhất là chồn. Chồn nâu là một loài thú có vú, ăn thịt thuộc nhánh chồn nhỏ ở Bắc Mỹ. Bộ lông tơ mượt mà của chúng đã được con người dùng làm áo ấm từ thế kỉ 11.

Ngày nay, không chỉ phụ nữ, mà cả nam giới cũng yêu thích những bộ quần áo làm từ lông chồn. Người ta săn bắt, nuôi nhốt chồn để lấy lông và da. Bằng việc sử dụng các giống chọn lọc, họ đã sản xuất được lông chồn màu đen, nâu, kem, và xám. Lông chồn Trung Quốc hiện đang chiếm 40% thị trường. Năm 2014, nước này đã sản xuất 35 triệu tấm da chồn, theo sau đó là Ba Lan, Hà Lan, Phần Lan. Tuy vậy, ngành công nghiệp da thú ở đây không hề quan tâm đến những tiêu chuẩn bảo vệ động vật.

Đằng sau những chiếc áo lông thời thượng: Ngành công nghiệp sản xuất lông thú tàn bạo với những quy định lỏng lẻo - Ảnh 2.

Các trang trại sản xuất da và lông thú xuất hiện ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo một báo cáo năm 2010, các trang trại sản xuất lông thú ở Trung Quốc thường thuộc sở hữu của các hộ gia đình. Những con vật bị nuôi nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp, mỗi lồng nhồi nhét đến cả trăm cá thể, đầy phân và nước tiểu, rất mất vệ sinh. Chúng bị phơi nắng phơi mưa ngày này qua ngày khác. Những con thú mới sinh trong những điều kiện tồi tệ có khả năng tử vong rất cao. Thậm chí, ở một số nơi, người ta tiến hành lột da ngay khi con vật chưa bị giết hoặc gây mê, không khác gì một cuộc tra tấn tàn nhẫn.

Các nhà nghiên cứu hành vi động vật đã nhận thấy ở những con vật này sự sợ hãi tột độ, sự lờ đờ, mất phản xạ và thậm chí là tự cắn đuôi, nhai lông, tự hủy hoại mình.

Đằng sau những chiếc áo lông thời thượng: Ngành công nghiệp sản xuất lông thú tàn bạo với những quy định lỏng lẻo - Ảnh 3.

Sự khốn khổ của động vật bị nuôi nhốt trong những điều kiện tồi tệ.

Đằng sau những chiếc áo lông thời thượng: Ngành công nghiệp sản xuất lông thú tàn bạo với những quy định lỏng lẻo - Ảnh 4.

Sau chuỗi ngày bị giam cầm, chúng sẽ kết thúc cuộc đời trong lò lột da

Những quy định lỏng lẻo về bảo vệ động vật tại Trung Quốc

Nguồn nhân công rẻ và sự lỏng lẻo trong quy định là điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp sản xuất da thú, vì Trung Quốc gần như không có quy định bảo vệ những loài vật này.

Đằng sau những chiếc áo lông thời thượng: Ngành công nghiệp sản xuất lông thú tàn bạo với những quy định lỏng lẻo - Ảnh 5.

Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, Trung Quốc còn xuất khẩu một lượng lớn da và lông thú sang châu Âu và Bắc Mỹ

Năm 2005, Cơ quan Bảo vệ Động vật Thụy Sĩ công bố những video ghi lại cảnh nhiều con vật bị lột da một cách dã man ngay khi đang còn sống trong một trang trại Trung Quốc. Ngành công nghiệp lông thú quốc tế đã nhanh chóng tố cáo các video này là giả mạo. Tuy nhiên, đó cũng chính là áp lực khiến Trung Quốc phải chấp nhận áp dụng quy định làm ngất động vật trước khi lột da.

Ngành công nghiệp sản xuất da và lông thú vẫn đang phát triển với nhiều bất cập về phúc lợi động vật. Theo luật pháp Trung Quốc, động vật trong trang trại sản xuất lông thú được xem là động vật kinh tế, là "công cụ để tạo ra thu nhập và phục vụ cho con người". Năng suất là thứ được ưu tiên hàng đầu, trong khi phúc lợi chưa bao giờ được quan tâm đúng mực.

Đằng sau những chiếc áo lông thời thượng: Ngành công nghiệp sản xuất lông thú tàn bạo với những quy định lỏng lẻo - Ảnh 6.

Để cho những con vật này được chết một cách nhân đạo đã là một nỗ lực lớn của các nhà bảo vệ động vật.

Những nỗ lực cải thiện tình trạng chăn nuôi thú lấy lông ở châu Âu

Không chỉ có Trung Quốc, châu Âu cũng là nơi có ngành sản xuất lông thú phát triển. Vào những năm 2000, người tiêu dùng lông thú ở châu Âu đã bắt đầu yêu cầu những quy định đảm bảo phúc lợi cho những động vật được sử dụng để làm quần áo cho họ.

Đằng sau những chiếc áo lông thời thượng: Ngành công nghiệp sản xuất lông thú tàn bạo với những quy định lỏng lẻo - Ảnh 7.

Thời trang lông thú được giới thượng lưu cực kì ưa chuộng.

Hội đồng châu Âu đã đặt ra những quy định cho các trang trại chăn nuôi, nhưng chưa cụ thể và hiệu quả. Sau đó, một chương trình bảo vệ động vật mang tên WelFur ra đời, do Hiệp hội Chăn nuôi thú lấy lông châu Âu và Liên đoàn bảo vệ thú lấy lông quốc tế tổ chức. Năm 2009, họ bắt đầu xây dựng một hệ thống giám sát, năm 2014, các quy trình bảo vệ chồn và cáo đã hoàn thành. WelFur quan tâm đến các vấn đề như chuồng trại, thức ăn, sức khỏe và hành vi động vật.

Anh, Áo, Slovenia, Croatia, Bosnia, Herzegovina, Slovenia và Hà Lan đã thông qua các đạo luật về chăn nuôi sản xuất lông thú. Nhiều nước đã thông qua đạo luật cấm chăn nuôi một số loài nhất định.

Không sử dụng vật phẩm từ lông thú là biện pháp bảo vệ động vật tốt nhất

Đằng sau những chiếc áo lông thời thượng: Ngành công nghiệp sản xuất lông thú tàn bạo với những quy định lỏng lẻo - Ảnh 8.

Động vật cũng cần có quyền được sống và được tự do

Những nỗ lực trên của các tổ chức cũng chỉ nhằm giảm thiểu những đau đớn không cần thiết cho động vật khi bị nuôi nhốt, lấy lông và da. Hàng năm, vẫn có hàng triệu con vật bé nhỏ vô tội bị giết chết để phục vụ những nhu cầu của con người. Hơn nữa, quần áo, phụ kiện lông thú là những vật phẩm xa xỉ, không phải là nhu cầu thiết yếu của chúng ta.

Các nhà đạo đức cho rằng, thật tàn nhẫn khi bắt những con vật yếu đuối chịu những đau khổ cả về thế xác lẫn tinh thần chỉ để thỏa mãn những sở thích nhất thời của con người. Chính vì vậy, hạn chế việc sử dụng các vật phẩm từ lông và da thú là cách tốt nhất chúng ta có thể làm để giảm bớt những khổ đau cho chúng.

Nguồn: National Geographic