Từ ngày 01/01/2025, Việt Nam chính thức có 06 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hải Phòng, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Cần Thơ và mới nhất là Thành phố Huế.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Thành phố Huế sẽ là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước phát triển quan trọng của địa phương mà còn mở ra nhiều cơ hội về kinh tế, văn hóa và giáo dục cho khu vực miền Trung nói riêng và toàn đất nước nói chung.
Nằm trong trung tâm giáo dục của thành phố, Trường Đại học Huế là một trong những cơ sở đào tạo uy tín, nổi bật với mức học phí hợp lý và chất lượng giảng dạy cao.
Trường Đại học uy tín và lâu đời
Đại học Huế, tọa lạc tại thành phố Huế - trung tâm văn hóa và giáo dục của miền Trung, là một trong những trường đại học lâu đời và có uy tín bậc nhất tại Việt Nam. Được thành lập vào năm 1957, Đại học Huế là một trong ba hệ thống đại học vùng trọng điểm của cả nước, bên cạnh Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM. Đến nay, trường đã trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực.
Năm 2024, Đại học Huế gây tiếng vang khi lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới do US News & World Report công bố. Đồng thời, với mức học phí rẻ so với mặt bằng chung, trường được xem là một trong những lựa chọn hợp lý nhất cho sinh viên có mong muốn tiếp cận nền giáo dục chất lượng mà không quá áp lực về tài chính.
Đại học Huế là một trung tâm giáo dục đa ngành lớn, quy tụ 8 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu, bao gồm các lĩnh vực đào tạo từ sư phạm, khoa học, y dược, nông lâm, nghệ thuật, kinh tế, ngoại ngữ, đến luật, giáo dục thể chất và du lịch.
Bên cạnh đó, hệ thống nghiên cứu và đào tạo của Đại học Huế còn được hỗ trợ bởi nhiều viện và trung tâm chuyên môn như Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Công nghệ Sinh học, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Trung tâm Học liệu, Trung tâm Đào tạo Quốc tế, cùng các đơn vị đảm bảo chất lượng giáo dục và hỗ trợ sinh viên.
Hiện nay, Đại học Huế cung cấp 108 ngành đào tạo bậc đại học với các văn bằng cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ. Đồng thời, trường cũng phát triển mạnh mẽ các chương trình sau đại học với 70 chuyên ngành thạc sĩ, 37 chuyên ngành tiến sĩ, cùng nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu cho bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú.
Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, Đại học Huế không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và cả nước.
Với những đóng góp to lớn trong giáo dục và nghiên cứu, Đại học Huế đã vinh dự được Nhà nước Việt Nam trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, bao gồm Huân chương Độc lập hạng Ba (1998), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2002), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2012) cùng nhiều phần thưởng danh giá khác. Trường cũng khẳng định vị thế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học với nhiều công trình được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
Bên cạnh đó, Đại học Huế không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, ký kết thỏa thuận với nhiều trường đại học danh tiếng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, tạo điều kiện trao đổi học thuật và nâng cao chất lượng đào tạo. Mỗi năm, trường đào tạo và cung cấp cho cả nước hàng nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ và chuyên gia có trình độ cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng.
Tuyển sinh và điểm chuẩn
Mới đây, Đại học Huế chính thức công bố 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, gồm: xét tuyển học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực, kết hợp điểm thi năng khiếu với học bạ hoặc điểm thi THPT, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, và xét tuyển theo phương thức riêng của từng đơn vị đào tạo. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ được thông báo sau.
Điểm chuẩn của các ngành đào tạo tại Đại học Huế dao động tùy theo từng khoa, từng năm. Trong năm 2024, điểm chuẩn dao động từ 15 đến 28,3 điểm và Trường Đại học Sư phạm Huế có điểm chuẩn trung bình cao nhất, đặc biệt là các ngành như: Sư phạm Lịch sử 28,3 điểm, Sư phạm Vật lý (dạy bằng tiếng Anh) 28,2 điểm, Sư phạm Ngữ văn 28,1 điểm, Sư phạm Địa lý là 28,05 điểm, Sư phạm Hóa học và Sư phạm Sinh học cùng 28 điểm.
Ngoài ra, ngành Sư phạm Tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ có điểm chuẩn 27,1 điểm, ngành Sư phạm Tiếng Trung Quốc là 26,5 điểm, và ngành Y khoa tại Trường Đại học Y Dược đạt 26,3 điểm.
Với chính sách hỗ trợ sinh viên thông qua học bổng, giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Đại học Huế tạo điều kiện tối đa để sinh viên có thể theo đuổi con đường học tập.
Theo thông tin từ Báo Giáo dục Việt Nam, học phí dự kiến của các trường đại học thuộc Đại học Huế năm học 2024-2025 có sự khác biệt tùy theo ngành học và chương trình đào tạo. Trường Đại học Y Dược có mức học phí cao nhất, dao động từ 29.300.000 đồng đến 48.900.000 đồng/năm, trong đó các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt và Dược học có mức học phí lên tới 48.900.000 đồng/năm.
Trường Đại học Khoa học áp dụng mức học phí từ 15.000.000 đồng đến 16.400.000 đồng/năm, đặc biệt ngành Triết học được miễn toàn bộ học phí. Trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế có mức học phí dao động từ 16.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/năm, tùy theo ngành học.
Tổng hợp