Cựu kỹ sư Apple cay đắng: "Cả công ty đã trở nên "thối nát" sau khi cố CEO Steve Jobs ra đi!"

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 02/10/2018

Một kỹ sư của Apple đã đâm đơn kiện chính Apple với cáo buộc hãng đã quay lưng lại với khách hàng và chính nhân viên sau khi đồng sáng lập kiêm CEO Steve Jobs qua đời.

Apple đã phản lại lòng tin của chính khách hàng và cả những nhân viên trung thành cuẩ mình! Đó là lời nói ra từ Darren Eastman - một kỹ sư Apple - về tình trạng công ty sau khi cố CEO Steve Jobs qua đời, đồng thời ông còn soạn luôn một bản cáo trạng để kiện Apple. 

"Trách nhiệm thực thi ở công ty đã thui chột đi nhiều sau khi Steve Jobs rời đi," vừa nói, Eastman vừa kể về những bất công ở công ty liên quan đến những công lao đóng góp bị coi thường và gạt bỏ của nhân viên tại đây.

Ông bát đầu làm việc cho Apple từ năm 2006, tập trung chủ yếu vào việc thực hiện chủ trương phát triển các dòng sản phẩm máy tính Mac giá rẻ dành cho lĩnh vực giáo dục. Đó là đề tài và ý tưởng được Steve Jobs đánh giá cao, thậm chí mời Eastman về làm việc ngay từ những năm tháng ông còn chưa tốt nghiệp xong Đại học. Được biết, chính tính năng "Find my iPhone" phổ biến trên mọi thiết bị của Apple hiện nay là do ông sáng tạo và làm nên. 

Cựu kỹ sư Apple cay đắng: Cả công ty đã trở nên thối nát sau khi cố CEO Steve Jobs ra đi! - Ảnh 1.

Steve Jobs qua đời là sự kiện khiến Eastman cảm thấy như thể Apple đã trở nên hoàn toàn khác.

Thời Steve Jobs còn sống và lãnh đạo Apple, Eastman được cố CEO giao thêm một nhiệm vụ quan trọng: Giám sát độ hoàn thiện của sản phẩm, sau đó nhắc nhở và thông báo ngay lập tức khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra mà chưa được giải quyết. Đó cũng là tinh thần mà Steve Jobs muốn truyền tải tới toàn bộ nhân viên chứ không riêng gì Eastman. 

"Tuy nhiên, quan điểm đó đã tahy đổi một trời một vực kể từ khi Steve Jobs ra đi vào năm 2011," Eastman chua xót.

"Rất nhiều nhân viên kỳ cựu và có kinh nghiệm cũng như quãng thời gian lâu dài làm việc cho Apple từ trước tới nay đã dần bị quở trách nhiều hơn, thậm chí cho nghỉ việc chỉ vì giữ thói quen kiểm tra sản phẩm để thông báo lỗi lên ban lãnh đạo như thời kỳ trước. Mọi thứ họ làm bây giờ chỉ là lờ đi những quy chuẩn trước kia và giữ cho chi phí phải bỏ ra ở mức thấp nhất có thể. Việc phát hiện và để lộ lỗi sản phẩm ra bên ngoài để rồi phải có trách nhiệm sửa đổi nó hoặc mất thêm tiền chi ra nay đã là một điều cấm kỵ, khi mà các lãnh đạo có thể nổi đóa bất cứ lúc nào khi nghe tin điều đó xảy ra.

Vì thế, không khó hiểu khi tần suất thông báo lỗi trong thời gian Tim Cook lên tiếp quản làm CEO Apple là vô cùng ít, khác hẳn với khi Steve Jobs đương nhiệm. "Kể cả khi bạn chủ động chuyển lời tới CEO Cook về vấn đề tìm ra, bạn cũng sẽ chẳng nhận được lời đáp nào tích cực cả, thậm chí còn bị quản lý cấp trên của bạn nạt nộ vì đã làm thế. Nỗ lực làm điều đúng đắn giờ đã bị gạt bỏ bởi tư tưởng đó."

Theo lời Eastman, năm 2014, một quản lý của Apple đã bị sa thải vì dám "đứng lên phát biểu công khai trong một cuộc hợp lớn về rủi ro của một dự án đang nằm trên kế hoạch", rằng nó có thể tốn hàng trăm nghìn USD và lãng phí thời gian làm việc mà chưa chắc đã thu được hiệu quả. Con gái của quản lý đó cũng là một nhân viên ở Apple và đều bị cho thôi việc như bố mình vì báo cáo tình trạng xuống cấp và gỉ sét trong tòa nhà làm việc.

Cựu kỹ sư Apple cay đắng: Cả công ty đã trở nên thối nát sau khi cố CEO Steve Jobs ra đi! - Ảnh 2.

Eastman cho rằng thời kỳ Tim Cook lên nắm quyền đã thay đổi mọi thứ.

"Dù nhiều người xác nhận có dấu hiệu rõ rệt của sự xuống cấp, Apple vẫn quyết định gia hạn thêm thời gian thuê sử dụng tòa nhà mà không có động thái gì khác, lại còn đề nghị nhân viên tiếp tục làm việc và coi như không có chuyện gì xảy ra," Eastman chia sẻ về những bất công tại Apple. 

Thời điểm trong năm nhiều khi cũng là một yếu tố được tính toán để sa thải nhân viên. "Thông thường, sẽ có một đợt cho thôi việc diễn ra ngay trước khi kết thúc một năm tài chính của Apple để tránh trách nhiệm phải chi thêm tiền thưởng cuối năm hoặc các khoản ưu đãi dành cho nhân viên đó nếu như hoàn thành mục tiêu tài chính. Khi đã xong xuôi, số tiền đó sẽ được cộng dồn vào khoản chi cho những ai còn lại, hoặc coi như tiền thưởng cho cấp trên."

Về phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, Eastman cũng lắc đầu ngán ngẩm: "Các bản cập nhật và nâng cấp thường bị thờ ơ và không thử nghiệm đến nơi đến chốn, gây ra các lỗi phát sinh chỉ vì thiếu chú ý và rà soát hệ thống." Đáng buồn là chính ông lại thường được giao công việc hỗ trợ trả lời tư vấn người dùng, nhưng khi đề xuất ý kiến sửa lỗi và tung ra bản cập nhật mới, Apple lại tiếp tục bỏ dở và mãi không duyệt phương án này.

Hiện tại, Eastman đang kiện và đòi bồi thường khoản tiền tương đương với giá trị của 735 coorp hiếu mà ông lẽ ra phải sở hữu, đồng nghĩa với 165.000 USD. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu thêm 326.400 USD tiền chi phí thiệt hại bản thân và trả công cho những việc mình xứng đáng được nhận khi bỏ thời gian ra cống hiến cho Apple. Chưa có một lời hồi đáp công khai nào từ Apple được đưa ra cả.