11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của Mỹ, ngụy, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
11h45 ngày 30/4/1975, bản tin chiến thắng được gửi về Đài tiếng nói Việt Nam, thông báo quân ta đã lật đổ cánh cổng cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn thành phố.
"Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11h30, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - tướng Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”.
Cả dân tộc vỡ òa!
NSƯT Kim Cúc là người đọc bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975
NSƯT Kim Cúc chính là người đọc bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975. Bà chia sẻ, bản tin với bấy nhiêu chữ đã trở thành bản tin đáng nhớ nhất, xúc động nhất và quan trọng nhất trong cuộc đời làm biên tập viên ở Đài tiếng nói Việt Nam của bà.
Nữ nghệ sĩ kể, hôm ấy, bà cùng chị Kim Túy, một phát thanh viên miền Nam, trực ca tại đài. Ca trực thường gồm một nam và một nữ hoặc hai nữ từ hai miền, đảm nhiệm đọc tin xen giữa các chương trình thu sẵn. Khi có tin chiến thắng hoặc máy bay B52 bị bắn rơi, họ phải đọc trực tiếp, truyền tải ngay cảm xúc đến thính giả.
Đang chuẩn bị bản tin trưa, vừa thu xong một đoạn băng, anh Trần Trọng Trủy - người nhận và biên tập tin - vội vàng đạp xe đến, reo lên: “Chiến thắng rồi! Giải phóng Sài Gòn rồi”.
Sau đó anh dúi bản tin vào tay Kim Cúc - Kim Túy và thúc giục: “Hai chị vào đọc ngay”. Kim Cúc và Kim Túy ôm chầm lấy nhau, niềm vui vỡ òa. Cả hai vội chạy xuống tầng hầm, nơi đặt hệ thống phát thanh trực tiếp, nhắc nhau phải giữ bình tĩnh để giọng đọc rõ ràng, trang trọng.
Bản tin chỉ vỏn vẹn một phút, phát lúc 11h45, 15 phút sau khi cờ Quân Giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập. Dù ngắn ngủi, bản tin mang sức nặng lịch sử, kết tinh khát vọng độc lập của cả dân tộc sau bao năm chiến đấu.
NSƯT Kim Cúc thời trẻ
NSƯT Kim Cúc là giọng đọc huyền thoại của phát thanh và truyền hình Việt Nam. Trong sự nghiệp, bà không ngừng học tập, tốt nghiệp Đại học tại chức và trau dồi tiếng Anh, Pháp, Trung để phát âm chuẩn xác.
Từ năm 1969, Kim Cúc gắn bó với chương trình Đọc truyện đêm khuya của VOV. Giọng đọc ấm áp, truyền cảm của bà như một "thương hiệu" không thể lẫn vào đâu được của chương trình này, và cho đến nay chưa ai có thể thay thế.
Nghệ sĩ Kim Cúc cũng là giọng đọc huyền thoại của chương trình "Đọc truyện đêm khuya"
Sau khi nghỉ hưu, nghệ sĩ Kim Cúc tiếp tục cộng tác với chương trình và giảng dạy lớp đào tạo MC tại Đại học Sân khấu Điện ảnh, hướng dẫn đa dạng học viên từ phát thanh viên, cán bộ trại giam, đến nhà sư. Nhiều người thi tuyển vào các đài phát thanh - truyền hình cũng tìm đến bà để học hỏi.
Năm 2013, NSƯT Kim Cúc dừng cộng tác với Đọc truyện đêm khuya để chăm sóc chồng bị đột quỵ. Những năm qua, do sức khỏe yếu dần, nên bà ít xuất hiện trước công chúng. Nữ nghệ sĩ hiện đang sống bình yên bên gia đình trong khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở Đại La, Hà Nội.
Mới đây, BTV Phương Trinh đã đến thăm nghệ sĩ Kim Cúc tại nhà riêng của bà. Dù đã ở tuổi 81, tóc đã bạc trắng như cước, nhưng nữ nghệ sĩ vẫn sáng suốt, minh mẫn. Đặc biệt, sau 50 năm ngày đọc bản tin chiến thắng hào hùng của dân tộc, bà vẫn nhớ như in từng câu, từng chữ trong bản tin ngày ấy. Giọng đọc của bà vẫn vang rền, hào sảng, đầy tự hào như xưa.
Ở tuổi 81, nghệ sĩ Kim Cúc vẫn sáng suốt, mình mẫn, giọng đọc vẫn hào sảng, đầy tự hào
Năm 2025, khi nghe NSƯT Kim Cúc tái hiện lại bản tin 30/4/1975, nhiều người vẫn không khỏi xúc động dâng trào, đặc biệt là trong dịp cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ((30/4/1975 - 30/4/2025).
"Nghe giọng của cô cất lên là tự nhiên trong tôi cứ hừng hực, tự hào lắm. Mong chờ háo hức ngày 30/4", "Giọng cô vẫn hào sảng như thời điểm 50 năm về trước", "Tự hào quá, nghe bà đọc mà càng yêu đất nước mình hơn", "Mái tóc của bà Kim Cúc đã bạc để chứng minh chiến thắng đã 50 năm"..., cư dân mạng bình luận.