Vào ngày 14/10/1987, bé gái Jessica McClure (khi ấy mới 18 tháng tuổi) chẳng may rơi xuống cái giếng hẹp ở thành phố Midland, bang Texas (Mỹ). Trải qua 58 tiếng nỗ lực hết mình, đội cứu hộ cuối cùng cũng đưa được bé Jessica lên mặt đất. May mắn cô bé còn sống nhưng đó chưa phải là kết cục có hậu của vụ việc từng thu hút sự chú ý của cả thế giới.
Đây là đứa trẻ từng "từ cõi chết trở về" vì rơi xuống giếng sâu.
Khi ấy, Jessica đang chơi ở sân sau nhà dì của cô bé. Tất nhiên, Jessica vẫn luôn trong tầm mắt của mẹ là bà Cissy. Tuy nhiên, vì có một cuộc điện thoại gọi đến nên bà Cissy quay đi nghe điện thoại trong chốc lát. Không ngờ cú điện thoại "định mệnh" ấy suýt cướp đi con gái bé nhỏ của bà.
Jessica vô tình vấp chân rơi xuống cái giếng sâu 6,7 mét, đường kính chỉ 20cm. Để rồi có màn giải cứu nghẹt thở kéo dài suốt 58 tiếng, thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận thế giới.
Khi ấy, báo chí đưa tin dồn dập, người ta gọi Jessica với cái tên Baby Jessica. Từng phút từng giây đều gay cấn tương tự như vụ giải cứu đội bóng nhí Thái Lan trong hang động hồi năm 2018.
Theo trang tin tức Mamamia.com.au, mọi con mắt khi ấy đều đổ dồn vào nhiệm vụ giải cứu cực kỳ khó khăn. Lực lượng cứu hộ phải sử dụng máy khoan lỗ chuột - một loại máy thường được dùng để cắm cột điện thoại xuống đất.
Hình ảnh bé Jessica khi còn nhỏ.
Đội cứu hộ đã phải khoan một cái hố sâu song song với giếng, sau đó khoan một đường hầm nằm ngang để tiếp cận vị trí nơi Jessica bị mắc kẹt dưới đáy giếng. Mất rất nhiều thời gian để khoan đường hầm ngang vì búa khoan được thiết kế để đi xuống chứ không phải đi ngang.
Thời điểm đó, các trang thiết bị dùng để khoan đào đất cũng chưa hiện đại như ngày nay, nhưng không vì thế mà đội cứu hộ bỏ cuộc. Lực lượng cứu hộ nhận ra thiết bị của họ không đủ lực để khoan xuyên qua lớp đá bên cạnh cái giếng. Lúc này, họ nghĩ ra phương pháp mới là cắt bằng tia nước, sử dụng một tia nước có áp suất rất cao để cắt qua đá.
Hiện trường giải cứu bé gái rơi xuống giếng năm 1987.
Trong lúc chờ đợi hố khoan, oxy được bơm trực tiếp xuống giếng giúp Jessica không bị ngạt. Một vài người cứu hộ còn hát những bài đồng dao dành cho trẻ nhỏ để an ủi đứa trẻ mới biết đi đang rên rỉ, khóc lóc.
Toàn bộ thử thách giải cứu đã được đưa tin trực tiếp trên CNN, mạng tin tức 24 giờ đầu tiên và duy nhất của Mỹ vào thời điểm đó.
Đó là lần thứ 2 (lần đầu tiên là vụ nổ tàu con thoi Challenger), nước Mỹ chứng kiến một câu chuyện thời sự kịch tính suốt ngày đêm diễn ra trong thời gian thực ngay trước mắt họ. Thậm chí, phương tiện truyền thông các nước trên thế giới cũng liên tục đưa tin.
Nhiều người cho rằng câu chuyện của Jessica là bước ngoặt trong lịch sử truyền thông, và cũng đánh dấu thời điểm “tin tức 24h” trên thế giới trở nên phổ biến.
Mẹ bé của Jessica tại nơi con gái gặp nạn.
Hàng trăm khoản tiền đóng góp gửi về từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đài truyền hình địa phương nhận được rất nhiều cuộc gọi từ khán giả chia sẻ về trải nghiệm tương tự của bản thân họ. Mọi hy vọng đều đổ dồn về Jessica, tất cả đều mong cô bé trở về bình an vô sự.
Cuối cùng, sau bao nỗ lực không biết mệt mỏi, đội cứu hộ đã đưa được Jessica lên mặt đất an toàn vào tối 16 tháng 10 năm 1987. Nhân viên cứu hộ Robert O'Donnell là người duy nhất leo xuống giếng để đưa Jessica lên. Sau này, bức ảnh Robert bế Jessica lấm lem bùn đất trên tay đã giành được giải Pulitzer danh giá, gây xúc động mạnh.
Bức ảnh đạt giải thưởng Pulitzer.
Có rất nhiều bức ảnh chụp Jessica được nâng niu trong vòng tay của nhân viên cứu hộ, đầu quấn băng gạc trắng, cánh tay lấm lem bùn đất và đôi mắt lờ đờ vẻ mệt mỏi, hoảng hốt.
Câu chuyện và tin tức về Jessica lan truyền khắp nơi. Cô bé nhận được rất nhiều món quà và cả tiền hỗ trợ. Số tiền em nhận được lên tới hơn 1 triệu đô la Úc. Sau đó nó được gửi vào một quỹ ủy thác cho đến khi cô bé bước sang tuổi 25.
Ngoài ra còn một khoản tiền được trao cho gia đình dùng để mua ngôi nhà ở vùng ngoại ô, 2 chiếc ô tô mới và hiện thực hóa ước mơ của bố cô bé - mở cửa hàng kinh doanh cho thuê máy cày.
Sau đó, Jessica cùng với gia đình nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người dân nước Mỹ. Gia đình cô bé được mời tham gia chương trình Live with Regis and Kathie Lee, đồng thời một bộ phim lấy cảm hứng từ vụ việc được thực hiện với sự góp mặt của diễn viên Patty Duke và Beau Bridges.
Gia đình Jessica còn được gặp cựu Tổng thống George H.W. Bush.
Dù giữ được mang sống nhưng Jessica vẫn không tránh khỏi thương tích. Cô bé phải trải qua 15 ca phẫu thuật trong vài năm sau đó do bàn chân bị treo lơ lửng trong quá trình mắc kẹt dưới giếng. Jessica bị thương ở một ngón chân dẫn đến hoại tử, sau đó bác sĩ phải tái tạo toàn bộ bàn chân. Cô bé cũng có một vết sẹo nhỏ từ chân tóc đến sống mũi.
2 năm rưỡi sau vụ tai nạn, bố mẹ Jessica đệ đơn ly hôn. Họ chỉ mới 18 tuổi khi cùng con gái trở nên "nổi tiếng bất đắc dĩ".
Và ngay cả sau khi cô bé được giải cứu, họ vẫn bị choáng ngợp bởi những lời bàn tán của dư luận. Cuộc ly hôn diễn ra chóng vánh cũng trở thành đề tài của báo lá cải. Sau đó, cả 2 đều có gia đình riêng.
Bất chấp những xáo trộn vì cuộc ly hôn của cha mẹ, Jessica vẫn được che chở và lớn lên trong yên bình. Mãi đến năm 5 tuổi, Jessica mới biết chuyện gì đã xảy ra với mình sau khi xem một tập phim "Giải cứu 911" và hỏi mẹ kế rằng cô bé rơi xuống giếng là ai.
8 năm sau vụ tai nạn, Robert O'Donnell, nhân viên cứu hộ đã bất chấp nguy hiểm để giải cứu cô bé, bất ngờ tự sát.
Sau khi được ca ngợi là anh hùng, Robert có được danh tiếng ngay lập tức nhưng anh cảm thấy khó quay lại cuộc sống bình thường.
Sau khi anh qua đời, anh trai của anh nói với tờ tin tức Spokesman rằng: "Kể từ vụ giải cứu cô bé Jessica, cuộc sống của em tôi như sụp đổ".
Robert (phải) đã tự sát vì chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn do cuộc giải cứu gây ra.
4 ngày trước khi chết, Robert đã nói với mẹ mình sau khi chứng kiến những người cứu hộ giúp đỡ các nạn nhân của một vụ nổ bom ở Oklahoma, rằng: "Khi những người cứu hộ đó vượt qua thử thách này, họ sẽ cần rất nhiều sự giúp đỡ, vài ngày hoặc vài tuần, thậm chí nhiều năm". Các nhà tâm lý học sau đó cho rằng Robert mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn do cuộc giải cứu gây ra.
Khi lớn lên, Jessica hạn chế tiếp xúc với truyền thông. Năm 2002, ở tuổi 15, cô bé nói với tờ tin tức Ladies Home Journal rằng vụ việc đã khiến cô "chán nản" đồng thời cũng lần đầu tiên tiết lộ rằng bản thân phải sống chung với căn bệnh viêm khớp dạng thấp.
Năm 2006, ở tuổi 19, Jessica kết hôn với Daniel Morales. Cặp đôi có 2 người con, Simon và Sheyenne, cách nhau 2 tuổi.
"Khi tôi và chồng lần đầu hẹn hò, anh ấy không biết tôi là ai. Đó là tình yêu sét đánh. Khoảng một tháng sau khi quen biết, chúng tôi đã đính hôn", Jessica nói với People TV.
Năm 2006, ở tuổi 19, Jessica kết hôn với Daniel Morales.
Gia đình đã dùng số tiền Jessica nhận được từ vụ tai nạn để mua một ngôi nhà khiêm tốn chỉ cách nơi xảy ra vụ việc năm xưa khoảng chừng 3km.
Nguồn: Mamamia