Cúm mùa tăng đột biến, những ai cần đi khám, xét nghiệm?

N.Dung, Theo nld.com.vn 10:54 08/02/2025
Chia sẻ

Việt Nam ghi nhận 8 ca tử vong do bệnh cúm mùa trong năm 2024 và hàng trăm ngàn người mắc. Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh không tự điều trị

Ca tử vong của nữ diễn viên Từ Hy Viên, 48 tuổi (người Đài Loan, Trung Quốc) có nguyên nhân do biến chứng cúm, khiến nhiều người quan tâm hơn đến mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Sự việc một lần nữa cảnh báo rằng cúm mùa không chỉ là một bệnh cảm nhẹ, mà có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc nếu không phòng ngừa, điều trị kịp thời.

Cúm mùa tăng đột biến, những ai cần đi khám, xét nghiệm?- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân nhiễm cúm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thúy Anh

Bệnh cúm tăng do thời tiết

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết với diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông Xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm (nhất là thời điểm này tại các tỉnh phía Bắc) là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan qua đường hô hấp như bệnh cúm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Hiện nay, tại một số bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị cho nhiều trường hợp mắc cúm trong tình trạng nặng, nguy kịch. Có bệnh nhân phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Khác với cảm lạnh thông thường, cúm có thể nghiêm trọng hơn và biểu hiện rõ rệt hơn với các triệu chứng đột ngột và nặng nề như sốt cao từ 39-40 độ C kéo dài, ớn lạnh và đổ mồ hôi, đau họng, ho khan, đau đầu, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, mệt mỏi và suy nhược.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh cúm mùa nhiều người từng trải qua và đa số diễn biến nhẹ, sốt, ốm vài ngày rồi hồi phục. Tuy nhiên, vẫn có tỉ lệ nhỏ diễn biến nặng, dẫn đến tử vong.

"Có 3 chủng cúm A, B và C, trong đó cúm A hay gây dịch lớn hơn cả. Người bị bệnh cúm sẽ sốt vài ngày, đau mỏi người, sau đó đỡ dần, hồi phục. Nhưng người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, ghép tạng... thì nên đi khám ở bệnh viện vì dễ có diễn biến nặng. Người mắc cúm bình thường khi thấy khó hạ sốt, mệt lả bất thường nên đi khám để kiểm tra xem ngoài cúm còn mắc vấn đề gì khác"- bác sĩ Cấp lưu ý.

Ngoài ra, mọi người không tự ý mua kháng sinh dùng vì kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này.

8 ca tử vong do cúm trong năm 2024

Cúm mùa tăng đột biến, những ai cần đi khám, xét nghiệm?- Ảnh 2.

Xét nghiệm được xem là tiêu chuẩn để chẩn đoán cúm

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2024 ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), số tử vong tăng 5 trường hợp.

Năm 2024, cả nước ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng, không ghi nhận biến thể của virus.

Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cúm cao như: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (hơn 26.300), Nghệ An (gần 18.000), Hà Tĩnh (hơn 14.000), Sơn La (hơn 10.100).

Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm nguy hiểm do tính lây lan nhanh và gây dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: Đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.

Do đó, người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Ngoài ra, tiêm phòng vắc-xin cúm hằng năm là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày