Cụ bà mang hết 631 triệu đồng tiền tiết kiệm đi mua bảo hiểm, 3 năm sau đến rút thì được thông báo: “Phải chờ đến lúc bà 105 tuổi”

Nguyên An, Theo Đời sống & Pháp luật 05:05 27/11/2024
Chia sẻ

Nghe lời nhân viên tư vấn nói chỉ cần 3 năm là có thể lấy tiền về, cụ bà ở Trung Quốc đã nhanh chóng ký hợp đồng mua gói bảo hiểm trọn đời.

Năm 2018, bà Cao ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc gửi tiết kiệm ngân hàng khoản tiền 180.000 NDT (khoảng 631 tỷ đồng). Ban đầu, bà được người quen giới thiệu gửi tiền tại đây sẽ có lãi suất cao, nhưng khi đến nơi và được nhân viên tư vấn thuyết phục, bà quyết định mang hết tiền tiết kiệm đi mua bảo hiểm nhân thọ. 

Bà Cao cho biết, nhân viên tư vấn nói với bà chỉ cần sau 3 năm là có thể lấy lại được tiền và còn sinh lời, hình thức này đảm bảo hơn cả gửi tiết kiệm. Sau đó, bà được đưa đến phòng làm việc riêng và ký hợp đồng mua gói bảo hiểm của công ty Funde Life

Đến thời hạn thanh toán hợp đồng, bà Cao đến ngân hàng thì được thông báo rằng người phụ trách tư vấn cho bà đã nghỉ việc, sau đó họ đưa cho bà số điện thoại để liên lạc trực tiếp với công ty bảo hiểm Funde Life. Khi kết nối được với nhân viên phụ trách hậu mãi để hỏi về số tiền của mình, bà Cao bàng hoàng khi nghe những điều mà đầu dây bên kia nói.

Phía công ty này cho biết, loại bảo hiểm mà bà Cao đã mua là bảo hiểm nhân thọ trọn đời và chỉ có thể rút cả gốc lẫn lãi khi bà đủ 105 tuổi. Không chấp nhận với lời giải thích này, bà Cao đinh ninh lúc mua nhân viên tư vấn chỉ nói thời hạn 3 năm, không hề nhắc đến con số 105 tuổi. Bà mang hợp đồng đi nhờ người quen xem giúp và phát hiện con số 105 tuổi được ghi rõ ở trang cuối hợp đồng.

Nhận được thông tin về sự việc, phóng viên tờ Nhật báo thanh niên Bắc Kinh đã liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng toàn cầu của công ty bảo hiểm nhân thọ Funde Life để hỏi về thực hư con số 105 tuổi trong hợp đồng. Funde Life giải thích: “Nếu bà Cao nộp đủ 180.000 NDT (khoảng 631 tỷ đồng) cho công ty bảo hiểm trong ba năm, từ năm thứ tư trở đi, bà có thể nhận được tiền lãi từ 1000 - 2000 NDT (3,5 - 7 triệu đồng) mỗi năm. Còn số tiền gốc 180.000 NDT sẽ chỉ được hoàn trả đầy đủ sau khi người mua bảo hiểm qua đời”.

Ngoài ra, công ty này cho rằng bà Cao đã hiểu lầm trong quá trình tư vấn, 3 năm là thời hạn bắt đầu nhận được tiền lãi chứ không phải là thời hạn rút cả gốc lẫn lãi. Nghe lời giải thích này, bà Cao vô cùng phẫn nộ và khẳng định không hề nghe được tư vấn rõ ràng những điều như trên.

Cụ bà mang hết 631 triệu đồng tiền tiết kiệm đi mua bảo hiểm, 3 năm sau đến rút thì được thông báo: “Phải chờ đến lúc bà 105 tuổi”- Ảnh 1.

Bà cao chi số tiền lớn mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm nhân thọ Funde Life

Theo tìm hiểu của các phóng viên, hợp đồng bảo hiểm này có độ dài đến 30 trang với nhiều thuật ngữ chuyên môn. Đối với một người đã ngoài 60 tuổi như bà Cao, rất khó để hiểu được hết những điều khoản trong hợp đồng nếu không không được giải thích kỹ lưỡng. Bà Cao cũng nói với phóng viên rằng các bước ký hợp đồng tại thời điểm đó đều được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của nhân viên tư vấn.

Để tìm hiểu toàn bộ câu chuyện và nội dung bảo hiểm, phóng viên cùng bà Cao đến ngân hàng đã giới thiệu gói bảo hiểm này cho bà. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng phản hồi việc ký hợp đồng bảo hiểm được thực hiện giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, không liên quan đến ngân hàng. Ngoài ra, người này cũng nói thêm rằng, đối với những khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm, nhân viên ngân hàng sẽ giới thiệu các sản phẩm tài chính có lãi suất cao và việc khách hàng có mua hay không là tự nguyện.

Không còn cách nào khác, bà Cao tiếp tục báo với phía cảnh sát và liên hệ luật sư để mong lấy lại được số tiền. Tuy nhiên, thời điểm ký hợp đồng chỉ có bà và nhân viên tư vấn bảo hiểm, không có ai khác làm chứng, nên cơ quan chức năng chỉ có thể giải quyết theo những gì đã được ghi lại trên hợp đồng.

Qua sự việc, cảnh tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc nhắc nhở, nhân viên tư vấn bảo hiểm nên thông báo trung thực và chi tiết từng điều khoản cho khách hàng. Đồng thời, phải thông báo cả những rủi ro và các tình huống có thể gây thua lỗ, để người mua có cái nhìn toàn diện và chi tiết về toàn bộ gói bảo hiểm, từ đó quyết định có nên ký hợp đồng hay không. 

Với tư cách là người mua bảo hiểm, nếu đã tìm hiểu các quy định liên quan và quyết định ký hợp đồng, người mua phải đọc kỹ từng điều khoản để đảm bảo khớp với thông tin mà người bán hàng thông báo. Nếu có thể, tốt nhất bạn nên tìm luật sư hỗ trợ để tránh các vấn đề tranh chấp hoặc rắc rối có thể xảy ra trong tương lai. Đặc biệt, người trên 60 tuổi cần phải ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng khi mua bảo hiểm cá nhân.

(Theo Sohu)


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày