COVID-19 làm trầm trọng thêm nguy cơ khủng hoảng dân số ở Trung Quốc

Ban Thời sự, Theo VTV 22:30 23/11/2021

Nguy cơ khủng hoảng dân số tại Trung Quốc có chiều hướng trầm trọng hơn khi dịch COVID-19 khiến tỷ lệ sinh nở của phụ nữ nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2020.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận thấy rằng, đại dịch COVID-19 đã khiến phụ nữ dưới 30 tuổi tại nước này giảm nhu cầu sinh con. Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng trẻ em được sinh ra trong hai tháng cuối năm 2020 tại Trung Quốc đã giảm 45% so với thời điểm 5 năm trước đó, năm cuối cùng chính sách một con còn hiệu lực. Đáng chú ý, COVID-19 là một nhân tố làm giảm tỷ lệ sinh, nhất là ở nhóm phụ nữ trẻ.

Trong năm 2020, chỉ có hơn 12 triệu trẻ em được sinh ra tại Trung Quốc, giảm so với mức 14,65 triệu trẻ năm 2019, tương ứng mức giảm 18%. Mức sinh này xuống ngưỡng thấp nhất trong gần 6 thập kỷ qua. Tỷ suất sinh nở tại Trung Quốc cũng giảm, xuống còn 8,52 trẻ em/1.000 người, mức thấp kỷ lục.

Các lý do được đưa ra bao gồm thu nhập sụt giảm, chi phí sinh hoạt tăng lên, lo lắng sức khỏe không đảm bảo và không thể tiếp cận dịch vụ y tế. Nghiên cứu cho thấy, xu hướng sinh giảm một phần là do các bà mẹ dưới 30 tuổi ngại sinh nở, khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019, buộc chính quyền phải áp đặt nhiều đợt đóng cửa trên phạm vi toàn quốc trong những tháng đầu năm 2020. Giai đoạn từ tháng 11 - 12/2020, số trẻ em sinh ra từ bà mẹ dưới 30 tuổi giảm 30 - 40% so với cùng kỳ một năm trước đó.

COVID-19 làm trầm trọng thêm nguy cơ khủng hoảng dân số ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Năm 2020, chỉ có hơn 12 triệu trẻ em ra đời tại Trung Quốc, giảm so với mức 14,65 triệu trẻ em của năm 2019 (Ảnh: AP)

Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ về già hóa dân số. Kết quả của cuộc tổng điều tra dân số lần thứ 7 được công bố hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, quy mô gia đình trung bình tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 2,62 người trong năm 2020, so với mức 3,44 người vào năm 2000 và 4,41 người năm 1982.

Trung Quốc chỉ mất 12 năm để đưa dân số từ 800 triệu vào năm 1969 lên 1 tỷ người vào năm 1981 và sau đó cũng chỉ mất 14 năm để tăng thêm 200 triệu người. Tuy nhiên, sau đó nước này phải cần tới 24 năm để quy mô dân số tăng từ 1,2 tỷ người (1995) lên 1,4 tỷ người vào năm 2019.