Công an Cà Mau lý giải việc chậm xem xét vụ ngư dân bị "tra tấn" trên tàu cá

Tân Lộc, Theo Tiền Phong 09:29 23/11/2022

Tại buổi họp báo chiều 22/11, thượng tá Phan Bửu Kiếm, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Cà Mau đã có những lý giải xoay quanh quy trình tiếp nhận tin báo vụ ngư dân bị "tra tấn" trên tàu cá.

Tại buổi họp báo, trả lời về quy trình tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, thượng tá Phan Bửu Kiếm, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Cà Mau cho biết, ngay thời điểm tiếp nhận thông tin, Công an thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) có ghi lời khai và đưa bị hại đi khám, điều trị theo đúng quy định.

Thượng tá Kiếm cho hay, nguyên tắc hoạt động trên biển chỉ có thuyền trưởng mới biết toạ độ ghe nằm ở vị trí nào, còn các ngư phủ trên ghe không có điều kiện để biết toạ độ của ghe. Do đó, 2 ngư phủ vào trình báo Công an thị trấn Sông Đốc thì công an chỉ ghi nhận sự việc.

“Để xác định, phân loại việc này có thuộc thẩm quyền của Công an huyện Trần Văn Thời hay Công an tỉnh Cà Mau hoặc vùng biển ở tỉnh khác thì buộc phải điều tài công vào để phục vụ điều tra. Như hôm nay, chúng ta đã xác định được toạ độ xảy ra vụ việc thì mới đủ căn cứ xác định thẩm quyền”, thượng tá Kiếm lý giải.

Vẫn theo thượng tá Kiếm, khi chưa xác định chính xác thẩm quyền và chưa xuất hiện 2 đoạn clip, Công an thị trấn Sông Đốc chưa đủ căn cứ để đánh giá vụ việc nghiêm trọng đến mức độ nào. Hơn nữa, công an cũng chưa đủ căn cứ xác định bị hại bị đánh bằng vật dụng gì.

Về câu hỏi “công an yêu cầu chủ tàu đưa ghe vào mà chủ tàu không đưa vào bờ thì xử lý như thế nào?”, Thượng tá Kiếm nói: “Hiện tại, chúng tôi đã xử lý chủ tàu. Chúng tôi cũng đang mở rộng điều tra tất cả các hành vi vi phạm khác, nếu có căn cứ sẽ xử lý tiếp theo”.

Nói về khó khăn trong việc điều tra vụ án trên biển, thượng tá Kiếm chia sẻ: “Thứ nhất là chi phí điều ghe tàu vào bờ; thứ hai là xác định toạ độ mặc dù có thiết bị định vị nhưng chủ ghe cũng có một số thủ thuật nên việc xác định vị trí cực kì khó khăn. Như đã biết, án trên đất liền đã khó mà án trên biển lại càng khó hơn nữa”.

Thượng tá Kiếm khẳng định, đến thời điểm này, Công an tỉnh Cà Mau đã kiểm tra và chưa phát hiện dấu hiệu Công an thị trấn Sông Đốc thiếu trách nhiệm trong vụ việc nêu trên.

Như Tiền Phong thông tin, theo báo cáo của Công an tỉnh Cà Mau, trong 2 ngày 28/5 và ngày 30/5, Lê Văn B (40 tuổi) và Trương Văn T (47 tuổi, cùng quê tỉnh Kiên Giang) đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo về việc bị đánh đập trên tàu cá BT 97993 - TS, do bà Phạm Thị Hà (57 tuổi, ngụ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) làm chủ.

Đến ngày 15/11, mạng xã hội xuất hiện 2 clip về hành hạ ngư dân thì không chỉ Công an Cà Mau, mà lực lượng công an các địa phương khác cũng vào cuộc rà soát. Và đến ngày 17/11, lực lượng chức năng đã xác định vụ việc xảy ra trên vùng biển của tỉnh Cà Mau.

Qua xác minh điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố vụ án hành hạ người khác vào ngày 18/11. Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan công an chỉ tìm được ông T, còn ông B chưa liên lạc được.

Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời cũng ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Công Toàn (34 tuổi, ngụ khóm 3, thị trấn Sông Đốc); Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi, ngụ ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải) và Đoàn Văn Hùng (44 tuổi, ngụ khóm 6A, thị trấn Sông Đốc).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày