Michelin, cái tên này có lẽ cũng chẳng xa lạ gì nữa. Hệ thống đánh giá 3 sao vàng này ra đời vào năm 1900 bởi một công ty sản xuất lốp xe, nhưng giờ đây nó đã trở thành một cuốn "sách giáo khoa" dành cho giới đam mê ẩm thực.
Tính đến thời điểm hiện tại - tức năm 2018 - thế giới chỉ đang có khoảng hơn 100 nhà hàng được xếp hạng 3 sao trong Michelin Guide. Nhưng miễn là có sao, dù là 1 sao hay 3 sao, nhà hàng sẽ được nâng cao danh tiếng lên cực kỳ nhiều. Bởi vậy đối với một nhà hàng, có lẽ chẳng vinh dự nào lớn bằng việc nhận được ngôi sao vàng danh giá đến từ Michelin.
Nhưng bạn có bao giờ tò mò về sự khác biệt của những ngôi sao này? Một nhà hàng 1 sao sẽ khác gì nhà hàng 2 với 3 sao? Và làm thế nào để được lọt vào cuốn cẩm nang danh giá bậc nhất giới ẩm thực ấy?
Tiêu chuẩn đánh giá sao vàng Michelin
Hàng năm, những nhà thẩm định sẽ “trà trộn” vào các nhà hàng với tư cách là thực khách, âm thầm đánh giá nhiều khía cạnh khác nhau làm nên hoạt động của một nhà hàng. Dĩ nhiên, nhà hàng và các nhân viên sẽ chẳng hay biết gì.
Nếu có ai đó bảo với bạn rằng họ biết cách để có được sao Michelin, thì đó chắc chắn không phải sự thật. Bởi lẽ kể từ khi ra đời cho đến nay, tiêu chuẩn đánh giá của Michelin vẫn luôn là điều tối mật. Các nhà thẩm định luôn được giấu kín danh tính, thậm chí người thân trong gia đình cũng không biết họ làm nghề gì.
Dù vậy, Michelin cũng đã từng công bố về những lĩnh vực họ sẽ nhìn vào khi đến thăm một nhà hàng. Tổng cộng có 5 tiêu chuẩn sau:
5 tiêu chuẩn Michelin dùng để đánh giá một nhà hàng (Nguồn: Michelin Guide)
- Chất lượng món ăn
- Hương vị và kỹ năng nấu nướng
- Tính cách ẩm thực của bếp trưởng
- Giá tiền
- Tính ổn định trong mỗi lần ghé khác nhau.
Có nhiều tin đồn cho rằng Michelin đánh giá cả nội thất, thiết kế, dịch vụ... Tuy nhiên, trong thông báo chính thức của Michelin, tất cả các yếu tố đó đều không liên quan gì đến quá trình thẩm định trao sao. Chúng thuộc về một đánh giá khác cũng của Michelin nhưng ít danh tiếng hơn với biểu tượng dao và dĩa (nĩa).
Một thang đánh giá khác của Michelin về mức độ hài lòng và chất lượng dịch vụ của nhà hàng. Trong đó cấp 1 là "tạm hài lòng", và cấp 5 là "dịch vụ sang trọng"
Lại nói về sao vàng, hệ thống sao vàng 3 cấp vẫn là nổi tiếng nhất, dùng để tôn vinh những nhà hàng đặc biệt chất lượng trên toàn thế giới. Và sự khác biệt của những ngôi sao này được định nghĩa như sau:
Ý nghĩa 3 ngôi sao của Michelin (Nguồn: Michelin Guide)
1 sao: Đồ ăn chất lượng cao, xứng đáng dừng chân.
2 sao: Chất lượng tuyệt vời, đáng để đi đường vòng để thử.
3 sao: Phong cách ẩm thực phi thường, xứng đáng cho những chuyến đi đặc biệt.
Nguồn: Michelin Guide
Lý do có những cụm từ "chuyến đi" trong ý nghĩa của những ngôi sao là vì Michelin vốn là một công ty sản xuất lốp xe. Nhưng vào năm 1900 - thời điểm Michelin sản xuất được những chiếc lốp có thể tháo rời, thì cả nước Pháp mới chỉ có 2.200 chiếc ô tô được lưu hành.
Cách duy nhất để bán được nhiều lốp hơn là khiến khách hàng di chuyển nhiều hơn, và Michelin Guide ra đời với mục đích cung cấp mọi thông tin mà một người lái ô tô cần cho một chuyến đi xa: khách sạn, trạm xăng, trạm nghỉ, và trên hết là những nhà hàng có đồ ăn tốt nhất.
Tóm lại, một nhà hàng nếu được trao sao Michelin, tức là chất lượng món ăn ở đó đã được các nhà thẩm định công nhận. Sự khác biệt giữa những ngôi sao là nhà hàng có nhiều sao hơn sẽ được đánh giá cao hơn, và những nhà hàng 3 sao thì luôn sở hữu ẩm thực cực kỳ đặc biệt.
Có một yếu tố cần lưu ý: sao vàng Michelin không quyết định mức giá của một nhà hàng. Trên thực tế, Michelin đã từng trao sao vàng cho một của hàng bình dân tại Singapore, và mức giá trung bình cho mỗi món ăn ở đó chỉ rơi vào khoảng... 50.000 VNĐ.