Michelin - "hung thần" trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 00:16 04/02/2016

Lý do gì đã đưa một hãng sản xuất lốp xe lại đủ thẩm quyền đánh giá chất lượng ẩm thực? Bí mật sẽ được bật mí ngay sau đây.

Chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến hệ thống sao vàng danh giá của Michelin - một hệ thống gồm 3 bậc (1 sao - 2 sao - 3 sao) nhằm tôn vinh những nhà hàng đạt chất lượng hàng đầu. 

Dù là đạt 1 hay 3 sao vàng, những nhà hàng đó đều được nâng cao danh tiếng đồng thời sở hữu giá cả đắt đỏ thuộc hàng top thế giới.

Michelin - hung thần trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe - Ảnh 1.

 Khung cảnh nhà hàng Le Bernardin (New York, Mỹ) đạt được 3 sao Michelin.

Tuy nhiên, hệ thống sao Michelin lại do Michelin Group - một tập đoàn sản xuất lốp xe nổi tiếng trên thế giới gây dựng.

Tại sao lại có sự tréo ngoe này, khi một công ty sản xuất lốp xe lại có thể trở thành "vị trọng tài" cho các nhà hàng sang trọng, thậm chí được coi là "hung thần" trong giới nhà hàng khách sạn?

Từ công xưởng sản xuất lốp xe đạp trở thành công ty sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới

Năm 1889, hai anh em nhà Michelin - Édouard Michelin và André Michelin đã mở một xưởng sản xuất cao su tại thành phố Clermont-Ferrand, Pháp.

Tuy nhiên, vào một ngày nọ có vị khách hàng muốn sửa lốp xe đạp nhưng dù hì hục hơn 1 ngày, hai anh em vẫn chưa thể sửa xong bởi lốp xe thời đó gắn liền với vành xe bằng keo.

Michelin - hung thần trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe - Ảnh 2.

Cuối cùng, anh em nhà Michelin đã lên ý tưởng và quyết định sản xuất loại lốp xe có thể tháo rời. Ý tưởng này đã trở thành cuộc cách mạng thời bấy giờ khi phần lốp của Michelin còn được sử dụng trong các loại xe ô tô thời kỳ đó.

Michelin - hung thần trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe - Ảnh 3.

Trải qua nhiều năm, bằng những nỗ lực và cải tiến, Michelin đã trở thành tập đoàn sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới, với doanh thu hàng chục tỉ euro mỗi năm. 

Trong đó, hãng có nhiều sản phẩm đi tiên phong như lốp xe runflat (lốp xe được thiết kế tiếp tục chạy được ngay cả khi thủng lốp), hoặc lốp radial (sáng chế ấn tượng nhất - loại lốp xe phổ biến nhất hiện nay).

... "trọng tài" cho giới nhà hàng sang trọng

Quay ngược lại thế kỷ XIX - thời điểm Michelin nắm trong tay công nghệ sản xuất lốp xe không gắn keo. Được biết, đây chính là những chiếc lốp sử dụng trong chiếc xe ô tô đầu tiên - đánh dấu sự ra đời của một hình thức di chuyển mới.

Michelin - hung thần trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe - Ảnh 4.

Nhưng vào thời kỳ này, ô tô là một phương tiện xa xỉ mà chỉ những người thực sự giàu mới có thể sở hữu. Theo thống kê vào năm 1900, chỉ có khoảng 2.200 chiếc ô tô được lưu hành tại Pháp.

Trước tình cảnh đó, cách duy nhất để bán được nhiều lốp hơn là khiến khách hàng di chuyển nhiều hơn. 

Và công ty Michelin đã nghĩ ra một cách: xuất bản ấn phẩm Michelin Guide - cẩm nang du lịch, trong đó có tất cả mọi thứ mà người lái xe ô tô cần khi di chuyển xa: khách sạn, trạm xăng, trạm nghỉ, và trên hết là những nhà hàng có đồ ăn tốt nhất. 

Hệ thống sao Michelin đã ra đời như thế, với ấn phẩm Michelin Guide đầu tiên được phát hành vào năm 1920.

Michelin - hung thần trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe - Ảnh 5.

Ấn phẩm Michelin Guide đầu tiên

Cũng nhờ gắn với ngành công nghiệp ô tô - thứ gắn liền với sự giàu sang mà cẩm nang Michelin Guide đã ghi được dấu ấn và trở thành "vị trọng tài" có tiếng trong giới ẩm thực. 

Sao vàng Michelin đã trở thành một biểu tượng của chất lượng, là thứ xứng đáng cho các lái xe vượt hàng trăm cây số để thưởng thức.

... và "hung thần" trong ngành ẩm thực

Có thể đem lại danh tiếng, nhưng Sao vàng Michelin cũng đã hủy diệt không ít sự nghiệp của bếp trưởng.

Để được gắn sao, các nhà hàng phải đạt những tiêu chuẩn nhất định: 1 sao là nhà hàng rất tốt trong các nhà hàng cùng loại, 2 sao là nhà hàng nấu ăn xuất sắc, đẳng cấp hàng đầu trong các nhà hàng cùng loại và 3 sao biểu thị nhà hàng có nghệ thuật ẩm thực đặc biệt.

Michelin - hung thần trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe - Ảnh 6.

 Khung cảnh nhà hàng Daniel ở Mỹ lọt top nhà hàng 2 sao Michelin.

Nhưng dù được gắn sao, không có nghĩa nhà hàng đó sẽ giữ được sao vĩnh viễn. Michelin hoàn toàn có thể hạ sao nếu nhà hàng đó không duy trì được chất lượng. 

Và một khi đã hạ sao (dù chỉ là từ 3 sao xuống 2 sao), danh tiếng của nhà hàng đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Michelin - hung thần trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe - Ảnh 7.

 Nhà hàng M. Wells Steakhouse ở Mỹ nhận được 1 sao Michelin

Việc phải duy trì chất lượng phục vụ hàng đầu suốt 365 ngày trong năm thực sự không phải điều đơn giản. Rất nhiều nhà hàng đã phải lao tâm khổ tứ về điều này và thậm chí đã có bếp trưởng phải tự tử khi bị Michelin tước mất 2 sao.

Michelin - hung thần trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe - Ảnh 8.

Bernard Loiseau - bếp trưởng người Pháp tự tử năm 2003. Nguyên nhân được cho là vì nhà hàng bị tước mất sao Michelin.

Một số nhà hàng - dù được Michelin gắn sao - nhưng cũng phải yêu cầu họ gỡ bỏ. Nguyên do cũng chỉ vì những kỳ vọng quá cao từ khách hàng, đồng thời họ phải chịu áp lực đầu tư vào dịch vụ và trang trí nội thất.

Một ví dụ điển hình là nhà hàng Casa Julio (Tây Ban Nha). Sau khi nhận được sao dành cho những ẩm thực có hương thơm tuyệt vời nhất, bếp trưởng nhà hàng là Julio Biosca cảm thấy bị áp lực đè nặng, làm giới hạn khả năng sáng tạo của ông. Ông đã tìm cách gỡ bỏ ngôi sao này và trong Michelin Guide năm 2015, mong ước của ông đã thành hiện thực.

Kết

Dù nói gì đi nữa, những ngôi sao Michelin vẫn là danh hiệu mà các nhà hàng hạng sang trên thế giới phải mơ ước và đấu tranh vì nó. 

Michelin - hung thần trong giới đầu bếp xuất phát từ chiêu PR của hãng bán lốp xe - Ảnh 9.

Những số Michelin mới cùng danh sách nhà hàng xuất sắc nhất trên thế giới vẫn luôn được chờ đợi mỗi năm, thậm chí được đánh giá giống như giải thưởng Academy Award trong điện ảnh vậy.

Nguồn: Michelin, Business Insider, CBC