Chuyện về thảm họa gây quỹ tai tiếng nhất lịch sử: Thả 1,4 triệu quả bóng lên trời, tưởng lập kỷ lục nào ngờ biến thành chuỗi bi kịch không hồi kết

Billy Cipher, Theo Helino 00:18 21/08/2019

Năm 1986, một tổ chức phi lợi nhuận tại Cleveland, bang Ohio, Mỹ đã tổ chức ngày hội bóng bay lớn nhất thế giới với mong muốn sẽ lập được một kỉ lục đi vào lòng người. Nhưng rồi không ai có thể ngờ rằng nó lại biến thành một trong những thảm họa gây quỹ tai tiếng nhất thế giới.

Bóng bay đối với mỗi chúng ta đều gợi ra liên tưởng và cảm xúc rất riêng. Có lẽ vì nó thường được gắn với những ngày hội, ngày lễ, mà đa số chúng ta sẽ cảm thấy hân hoan khi hòa mình vào không khí chung của những dịp trọng đại đó.

Nhận ra tâm lí này, United Way chi nhánh tại Cleveland đã kêu gọi mọi người giúp đỡ để họ có thể thực hiện một chiến dịch quảng cáo thật ấn tượng. Các tổ chức phi lợi nhuận luôn muốn gây được sự chú ý của công chúng, bởi càng nhiều người biết đến và chung tay đóng góp thì nguồn lực sẽ càng lớn và việc tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng sẽ càng dễ dàng hơn. Việc đánh bóng tên tuổi này thật ra không hề xấu chút nào – chỉ là cách thực hiện là hơi... khó coi mà thôi.

Thả 2 triệu quả bóng bay lên trời - chiến dịch quy mô tưởng vô hại mà đem lại vụ kiện trị giá cả trăm triệu đô

Với mức giá 1$ cho mỗi cặp bóng bay, United Way hi vọng số bóng mua được sẽ đạt đến 2 triệu quả. 2 triệu quả bóng sẽ được thả cùng lúc và phá vỡ mọi kỉ lục thế giới từng ghi nhận trước đó!

Về mặt quy mô, ai cũng đều phải công nhận rằng United Way chắc chắn sẽ khiến mọi người trầm trồ. Tuy nhiên, không ai rõ liệu khi đó người ta có nhìn trước được những hậu quả đáng ngại về môi trường hay không mà rất nhiều người đã ủng hộ sự kiện này một cách hào hứng bằng tiền túi của mình. May thay, vào ngày sự kiện diễn ra thì con số này chỉ dừng lại ở mức... 1,4 triệu quả - thấp hơn kha khá so với dự tính. Dẫu vậy, người ta vẫn phải huy động tới hơn 2.500 học sinh và tình nguyện viên tham gia mới có thể bơm hết chỗ bóng này và một giàn giáo đã được xây tạm ở quảng trường để giữ cho bóng khỏi bay mất trước khi thả.

Công trình cao tương đương một tòa nhà 3 tầng với diện tích gần 3500 m2 – chỉ cần nhìn vào đây ta cũng có thể thấy United Way đã đầu tư mạnh tay đến mức nào. Không một ai là không háo hức trước sự kiện trọng đại này.

Chuyện về thảm họa gây quỹ tai tiếng nhất lịch sử: Thả 1,4 triệu quả bóng lên trời, tưởng lập kỷ lục nào ngờ biến thành chuỗi bi kịch không hồi kết - Ảnh 1.

Bóng được chắn lại bằng một tấm lưới lớn sau khi bơm xong

Sau 6 tháng chờ đợi, thời khắc quan trọng cũng đến. Thứ bảy ngày 27 tháng 9 năm 1986, bất chấp sự phản đối của thời tiết, toàn bộ số bóng đã được thả vào lúc 13:50 theo giờ địa phương. Kỉ lục Guinness vừa thuộc về lễ kỉ niệm 31 năm thành lập của Disneyland năm trước, lúc này đã chính thức bị thay thế bởi United Way.

Khoảnh khắc mà hơn 1 triệu trái bóng được thả ra, mọi người đều hô hào trong sung sướng và tự hào. Họ đang ở đây, chứng kiến một sự kiện chắc chắn sẽ được nhớ mãi trong lịch sử loài người – không hạnh phúc sao được?

Chuyện về thảm họa gây quỹ tai tiếng nhất lịch sử: Thả 1,4 triệu quả bóng lên trời, tưởng lập kỷ lục nào ngờ biến thành chuỗi bi kịch không hồi kết - Ảnh 2.

Khoảnh khắc 1 triệu quả bóng được thả

Ấy vậy mà niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ ít lâu sau, không biết bao nhiêu tai ương đã ập đến vỗ vai tổ chức này bởi những hậu quả mà hội bóng vô tình mang lại. Vào thời điểm sắp diễn ra sự kiện, người ta đã dự báo rằng có một cơn bão lớn sắp sửa quét qua – nhưng thay vì chọn hướng giải quyết an toàn hơn, United Way đã quyết định thả bóng sớm hơn dự kiến.

Bầu trời Cleveland ngày diễn ra sự kiện

Thông thường, loại bóng bay latex bơm bằng heli mà ban tổ chức sử dụng có thể "trụ" được khá lâu trên không trung và hoàn toàn có thể phát tán đủ xa trước khi bị xẹp rồi rơi xuống đất. Tuy nhiên, không khí lạnh cùng với mưa gió khắc nghiệt đã giáng xuống những quả bóng tội nghiệp một cái kết đau lòng: chúng vừa bay lên đã ngay lập tức bị "gửi trả" về mặt đất.

Bóng bay quả thì nổ, quả thì xịt, rơi xuống với mật độ dày đặc làm tắc nghẽn giao thông đường bộ và đường thủy của toàn bộ Đông Bắc Ohio. Không ít tai nạn xảy ra do tầm nhìn của người đi đường bị che khuất bởi các "vật thể lạ nhiều màu sắc". Sân bay Burke Lakefront gần đó cũng phải tạm ngừng hoạt động hơn 30 phút để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Chẳng những gây ra vô số nguy hiểm nhãn tiền, số bóng khổng lồ này còn để lại hậu quả môi trường mà không ai có thể đong đếm được. Mà nó không chỉ diễn ra ở Hoa Kỳ, vì người láng giềng Canada cũng phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Số bóng trôi dạt vào bờ biển của nước này nhiều không kể xiết và cư dân đia phương chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm rồi tự bảo nhau thu dọn "bãi chiến trường".

Mọi sai lầm đều phải trả giá

Đau lòng hơn cả, có sai lầm một khi đã mắc phải sẽ chẳng có cách nào bù đắp được. Lượng bóng quá lớn rơi xuống cùng lúc còn là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho hai ngư dân vô tội.

Raymond Broderick và Bernard Sulzer ra khơi vào ngày 26 và được thông báo là chưa thấy trở về vào hôm sau, tức là đúng thời điểm diễn ra sự kiện. Hai đội tìm kiếm trên không và tầm thấp ngay lập tức được cử đi đều phải trở về tay không vì bóng bay xịt đã che kín tầm nhìn của họ. Trực thăng không thể đi vào những vùng còn nhiều bóng đang rơi vì lí do an toàn, còn đội tìm kiếm bằng tàu thì chẳng tài nào nhìn thấy bất cứ thứ gì dưới mặt nước đã bị phủ kín bởi xác bóng.

Chuyện về thảm họa gây quỹ tai tiếng nhất lịch sử: Thả 1,4 triệu quả bóng lên trời, tưởng lập kỷ lục nào ngờ biến thành chuỗi bi kịch không hồi kết - Ảnh 4.

Công cuộc tìm kiếm chấm dứt sau 3 ngày khi thi thể hai nạn nhân mất tích trôi dạt vào bờ hôm 29. Tàu của họ được tìm thấy, nhưng người thì đã ra đi mãi mãi. Vợ của Raymond đã đâm đơn tố cáo United Way và thắng kiện với số tiền 3,2 triệu USD. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về tổ chức bởi hành động cố tình để sự kiện tiếp diễn mà không để ý đến thời tiết và các tình huống khẩn cấp trong khu vực là không thể chấp nhận được.

Đây cũng không phải là rắc rối pháp lí duy nhất mà tổ chức này vướng phải sau "thảm họa" bóng bay ngày hôm đó. Một người phụ nữ tên Louise Nowakowski cũng kiện United Way vì cho rằng chính vì số bóng này đã làm con ngựa quý của cô hoảng loạn mà gặp chấn thương để rồi bị tật vĩnh viễn. United Way phải ngậm ngùi bồi thường cho Louise 100.000$ kèm theo một số điều khoản nhượng bộ khác.

Như vậy là sau tất cả, ngoài số tiền bỏ ra ban đầu là $500.000, United Way còn bị lỗ thêm hàng triệu đô do các khoản bồi thường và lạm chi trong quá trình tổ chức. Với ngần ấy tai nạn, hội bóng 1986 không những không lưu lại được dấu ấn nào tốt đẹp, mà còn khiến họ vừa xấu hổ vừa thất vọng.

Quá nhiều tiền bạc bị lãng phí chỉ để đổi lại những gì thế kia? Nhiều người còn cho rằng nếu 500.000$ và số tiền quyên góp được sử dụng vào những việc hữu ích hơn, có lẽ United Way đã ghi điểm trong mắt thế giới theo một cách rất khác – tuy không vang dội bằng nhưng chắc chắn là sẽ tích cực hơn.

Tất cả có lẽ bây giờ chỉ có thể là một bài học đắt giá – không chỉ cho United Way, mà là cho tất cả những ai đang định "chơi lớn xem mọi người có trầm trồ". Marketing là một nghệ thuật – và nghệ thuật thì luôn đòi hỏi khắt khe. Có tầm cỡ nhưng thiếu tầm nhìn thì mọi thứ cũng sẽ chỉ trở thành thảm họa.

Chuyện về thảm họa gây quỹ tai tiếng nhất lịch sử: Thả 1,4 triệu quả bóng lên trời, tưởng lập kỷ lục nào ngờ biến thành chuỗi bi kịch không hồi kết - Ảnh 5.

Đáng tiếc thay, cuối cùng hội bóng công phu này lại bất đắc dĩ thành minh chứng cho câu "vui thôi đừng vui quá"

(Nguồn: Cleveland, News 5 Cleveland)