Khi yêu nhau, ai cũng muốn tính đến chuyện trăm năm, nhưng thực tế thì hôn nhân tan hợp là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí trong sách kỷ lục Guinness còn có riêng một hạng mục liên quan đến "tốc độ ly hôn" nữa kia.
Tan vỡ là điều chẳng ai mong muốn, dĩ nhiên là như vậy. Chỉ là khi không thể ở bên nhau được nữa, cách tốt nhất là chấm dứt, thay vì cố gắng rồi gây đau khổ cho cả 2.
Nhưng ly hôn không đơn giản là chuyện của 2 người, mà con trẻ cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Tùy theo cách cư xử của bố mẹ mà một đứa trẻ có thể phát triển bình thường, cũng có thể mất cả tương lai sau đó.
Và với các nhà tâm lý học, các cặp đôi khi chia tay nếu không muốn gây ảnh hưởng xấu đến con cần phải tránh phạm phải nhiều sai lầm như sau:
Với người lớn, tan hợp là chuyện bình thường, nhưng trẻ con thì không giống thế. Chúng sẽ không thể hiểu rõ tại sao cha mẹ tự nhiên không ở với nhau, cũng không thể hiểu đúng được cảm xúc của cả 2. Các cặp đôi phải giải quyết được câu chuyện này, bằng cách tạo cho con cảm giác an toàn, và mọi chuyện vẫn đang rất ổn thỏa.
Một sai lầm lớn mà các cặp đôi gặp phải đó là kể hết cho con mọi chuyện. Nhưng bạn không cần phải làm thế, mà chỉ cần hỗ trợ con, đảm bảo cho cảm xúc của chúng được thoải mái thôi.
Khi đưa con vào tình huống buộc phải chọn ở với bố hoặc mẹ, đó là một sai lầm cực lớn, bởi trẻ con sẽ có cảm giác phải phản bội 1 trong 2 người. Chọn một người và làm tổn thương người còn lại - trẻ con còn quá nhỏ để phải chịu đựng cảm giác ấy, và điều này thực sự không công bằng.
Thay vào đó, hãy tự thỏa hiệp xem con trẻ sẽ ở với ai. Bạn có thể nghe ý kiến của con trong trường hợp các bé tự nêu lên ý kiến, nhưng đừng bao giờ bắt ép bé phải đưa ra lựa chọn.
Một sai lầm điển hình mà các bậc phụ huynh mắc phải, đó là cố gắng chứng minh rằng mình tốt với con hơn đối phương mà không biết rằng việc này có thể gây hại đến chúng.
Bằng cách gật đầu với tất cả yêu cầu của con mà người còn lại không cho phép, tính kỷ luật của đứa trẻ sẽ không còn nữa. Đồng thời việc phải tiếp xúc với 2 luồng ý kiến mâu thuẫn trong cùng 1 vấn đề (ví dụ: muốn mua đồ chơi, mẹ không cho nhưng bố đồng ý) cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Thực tế cho thấy trong các cuộc ly hôn, trẻ em thường có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân, rằng mình chính là nguyên nhân gây ra sự việc. Điều này sẽ tạo thành vết ám ảnh tâm lý cho trẻ con, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chúng sau này.
Vậy nên điều quan trọng phải làm là giải thích cho con hiểu, rằng trẻ em không có lỗi trong câu chuyện này. Đặc biệt cần nhấn mạnh rằng dù có chia tay, nhưng cả hai vẫn rất yêu con, không có gì thay đổi được điều đó.
Dù ly hôn vì lý do gì, đừng bao giờ đổ lỗi cho đối phương trước mặt con. Điều này là không những không cần thiết, mà còn hằn sâu vào lòng đứa trẻ và hình thành thái độ tiêu cực đối với chính cha hoặc mẹ chúng.
Nên nhớ, trẻ em là con chung của 2 người. Việc hình thành thái độ tiêu cực sẽ khiến đứa trẻ thiếu đi tình thương từ một bên, và chắc chắn gây ảnh hưởng đến tương lai.
Nhiều người sau khi ly hôn đã có cảm xúc hết sức tiêu cực, cấm cản con trẻ liên hệ với đối phương. Nhưng đây là một sai lầm, vì điều này sẽ chỉ làm tổn thương con mà thôi.
Đúng là trẻ em khó hiểu hết mọi chuyện, nhưng mọi thứ chúng nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy... đều sẽ được lưu lại. Vậy nên các cặp đôi cần tránh tuyệt đối các hành động cãi vã bạo lực, hung hãn, chửi thề... trước mặt con. Áp lực tạo ra có thể sẽ là quá lớn để trẻ có thể chịu đựng, và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành nhân cách sau này.