Khó tin nhưng có thật: Con cá này đã tồn tại trước cả khi thảm họa Titanic xảy ra, và nó khiến quan điểm về cá của giới khoa học phải thay đổi toàn bộ

J.D, Theo Helino 11:27 06/08/2019

Độ tuổi của loài cá này cũng tiết lộ số phận không mấy dễ chịu mà chúng đang phải trải qua.

Xin trân trọng giới thiệu, con cá dưới đây có tên là "Bà ngoại" - Grandma Fish.

Khó tin nhưng có thật: Con cá này đã tồn tại trước cả khi thảm họa Titanic xảy ra, và nó khiến quan điểm về cá của giới khoa học phải thay đổi toàn bộ - Ảnh 1.

Gọi là "Bà ngoại" tất nhiên là có lý do của nó. Khi "Bà ngoại" còn là một con cá nhỏ xíu mới nở, tàu Titanic còn đang đóng dở, nhân loại còn chưa khám phá được Nam Cực, Thế chiến I còn lâu mới diễn ra, và buổi phát sóng radio đầu tiên tại thành phố New York chuẩn bị được bắt đầu.

Bởi lẽ, "Bà ngoại" nay đã 112 tuổi rồi! Số tuổi này được xác định nhờ một phương pháp tính tuổi mới, và qua đó nâng tuổi thọ của giống cá này hơn tới 4 lần so với các nghiên cứu trước kia.

Điều đặc biệt ở đây là, "Bà ngoại" thuộc giống "Cá trâu miệng lớn" (Ictiobus cyprinellus) - một giống cá nước ngọt. Kiến thức sinh học trước kia cho rằng cá nước ngọt thường không có tuổi thọ quá cao như cá biển hoặc các loài lưỡng cư (như rùa). Nhưng với số tuổi mới tìm ra, nó phá kỷ lục tuổi thọ của bất kỳ loài cá nước ngọt nào được biết đến từ trước đến nay, với độ chênh lệch lên ít nhất là 40 năm.

Trên thực tế thì trước đó, các chuyên gia cũng đã nghi ngờ rằng loài cá trâu miệng lớn có tuổi thọ lớn hơn những gì họ tưởng. Phải đến bây giờ họ mới có phương pháp xác định được tuổi thọ chính xác của loài vật này, và đồng thời phát hiện ra cuộc đời của chúng đang khổ sở như thế nào.

Giữa giai đoạn 2011 - 2018, các chuyên gia từ ĐH Bang North Dakota (Mỹ) đã thu thập một lượng lớn cá trâu. Họ chụp ảnh, đo kích cỡ, kiểm tra giới tính, sau đó gắn thẻ theo dõi rồi thả chúng về với tự nhiên. 

Tuy nhiên, có ít nhất 386 con không được may mắn như vậy, mà phải bị mổ xẻ để xác định tuổi thọ. Chúng bị lấy đi các mảnh sụn mỏng trong tai được gọi là otolith - bộ phận giúp cá giữ thăng bằng.

Các otolith thực ra cũng rất giống vân trong lõi cây, nghĩa là nó phát triển theo độ tuổi. Hay nói cách khác, chúng ta có thể dựa vào những mảnh sụn này để xác định tuổi thọ của cá một cách cực kỳ chính xác.

Kết quả cho thấy, các vòng tròn trong sụn otolith chỉ ra con cá có độ tuổi lên tới 80 - 90 năm - những con số quá khủng khiếp đối với một loài cá nước ngọt. Trước đó, danh hiệu cá nước ngọt thọ nhất thuộc về một con cá vược (Aplodinotus grunniens), với số tuổi rơi vào khoảng 73 năm theo phương pháp mới. 

Khó tin nhưng có thật: Con cá này đã tồn tại trước cả khi thảm họa Titanic xảy ra, và nó khiến quan điểm về cá của giới khoa học phải thay đổi toàn bộ - Ảnh 2.

Sụn tai có thể giúp phân tích độ tuổi của cá trâu nước ngọt

Để xác định chính xác hơn, các chuyên gia tiếp tục sử dụng phương pháp xác định tuổi bằng đồng vị carbon trong sụn otolith. Và kết quả thậm chí còn khủng khiếp hơn, khi con số lên tới 112 năm!

Bởi vậy, người ta mới gọi nó là "Bà ngoại". 

Các cá thể khác - tỉ lệ 85% - 90% cũng sống thọ qua 80 năm. Và theo các chuyên gia, đây là một vấn đề không hề nhỏ.

"Sau khi xác định được các quần thể có những con cá trên 80 năm với tỷ lệ cực lớn, chúng tôi nhận ra rằng có vẻ chúng không được sinh sản tử tế kể từ khi các con đập được xây dựng vào thập niên 1930," - báo cáo cho biết.

"Đập xây trên sông đã khiến loài cá này không thể tiếp cận được khu vực phù hợp để sinh sản, khiến số lượng ngày càng giảm đi."

Hay nói cách khác, một số quần thể cá còn không sinh sản được nữa, chỉ vì đập do con người xây dựng.

Khó tin nhưng có thật: Con cá này đã tồn tại trước cả khi thảm họa Titanic xảy ra, và nó khiến quan điểm về cá của giới khoa học phải thay đổi toàn bộ - Ảnh 3.

Được biết, cá trâu miệng lớn là loài cá trâu lớn nhất tại vùng Trung và Bắc Mỹ, có thể đạt chiều dài trên 1,25m, nặng tới 36kg. Dù là loài bản địa, người ta lại thường gộp chúng với những loài hung dữ, có hại như cá chép, nên thường bị con người truy bắt một cách vô tội vạ. 

Các chuyên gia đang hy vọng rằng phát hiện này sẽ giúp con người có một thái độ khác với cá trâu miệng lớn. Chúng đang chết dần chết mòn mà không có cơ hội tái sinh.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications Biology.

Tham khảo: Business Insider, Science Alert