Chuyển nhầm 175 triệu đồng vào tài khoản của chồng quá cố, người phụ nữ đến ngân hàng xin lại thì được thông báo: Phải có sự đồng ý của chủ tài khoản!

Khuê Hiền, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 15:27 12/02/2025
Chia sẻ

Nhận được phản hồi từ ngân hàng, người phụ nữ sững sờ vì không biết phải giải quyết sự việc này như thế nào.

Chuyển nhầm tiền cho chồng quá cố

Bà Hoàng 44 tuổi, là người ở quận Xương Bình, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Vào tháng 4 năm 2015, bà và chồng là ông Ngôn đã ly hôn sau nhiều năm chung sống. Tuy nhiên, khi biết ông Ngôn bị bệnh nặng lại chỉ có một mình, bà Hoàng vẫn thường xuyên đến chăm sóc và nấu ăn cho chồng cũ. Đến tháng 6 năm 2015, vì bệnh tình trở nặng nên ông Ngôn đã qua đời. 

Tháng 7 năm 2015, bà Hoàng mang 50.000 NDT (khoảng 175 triệu đồng) đến một chi nhánh nhỏ của Ngân hàng Thương mại Bắc Kinh để gửi tiết kiệm. Bà hy vọng số tiền này sẽ sinh lời và có thể rút ra bất cứ khi nào.  Tuy nhiên, điều bà Hoàng không ngờ là bản thân đã vô tình gửi nhầm 50.000 NDT vào tài khoản của ông Ngôn. 

Chuyển nhầm 175 triệu đồng vào tài khoản của chồng quá cố, người phụ nữ đến ngân hàng xin lại thì được thông báo: Phải có sự đồng ý của chủ tài khoản!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lúc này, bà Hoàng vội vã nhờ nhân viên rút tiền ra để gửi lại vào tài khoản của mình. Tuy nhiên, phía ngân hàng tuyên bố đây là giao dịch liên quan đến bên thứ ba và họ không thể tự ý rút tiền nếu không có sự đồng ý của chủ tài khoản. 

Nghe vậy, bà Hoàng cho biết ông Ngôn đã qua đời và hai người từng là vợ chồng hợp pháp nhưng đã ly hôn. Lúc này, bà Hoàng gọi con gái đến ngân hàng để chứng minh mối quan hệ với ông Ngôn. Thế nhưng, phía ngân hàng vẫn giữ vững quan điểm, không thể giúp bà Hoàng rút 50.000 NDT đã gửi vào tài khoản của chồng cũ. 

Sau đó, bà Hoàng nhiều lần thương lượng với ngân hàng nhưng không thành công. Quá bất lực, bà đã viết đơn kiện ngân hàng ra tòa, yêu cầu trả lại số tiền 50.000 NDT của mình.

Ngân hàng khẳng định không có lỗi

Tại phiên tòa, bà Hoàng đã xuất trình biên lai gửi tiền, giấy chứng tử của ông Ngôn, đơn ly hôn và các loại thủ tục liên quan khác để chứng minh bản thân đã gửi nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng của chồng cũ.

Phía ngân hàng cho biết bà Hoàng đã đến gửi tiền tại chi nhánh, nhưng không thừa nhận hành vi được gọi là ‘‘gửi tiền nhầm’’ của người phụ nữ này. Ngoài ra, ngân hàng còn khẳng định họ đã gửi 50.000 NDT vào tài khoản của bên thứ 3 theo như yêu cầu của bà Hoàng. Đại diện ngân hàng đưa ra lời biện hộ: ‘‘Việc nguyên đơn cho rằng bản thân ‘‘gửi nhầm tiền’’ là lỗi của chính nguyên đơn. Chúng tôi không có lỗi và sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào’’.

Phía bà Hoàng tiếp tục lập luận rằng, khi làm thủ tục gửi tiền, nhân viên ngân hàng đã không yêu cầu bà nhập mật khẩu.‘‘Sau khi gửi tiền, tôi mới nhận ra mình đã gửi nhầm tài khoản. Điều này chẳng phải là sai sót của ngân hàng trong quá trình giao dịch hay sao’’. 

Đại diện ngân hàng trả lời tại tòa: “Theo quy trình hoạt động được quy định, khi gửi tiền theo yêu cầu không cần nhập mật khẩu”.

Chuyển nhầm 175 triệu đồng vào tài khoản của chồng quá cố, người phụ nữ đến ngân hàng xin lại thì được thông báo: Phải có sự đồng ý của chủ tài khoản!- Ảnh 2.

Ảnh Toutiao

Về vấn đề ngân hàng xử lý thẻ và tài khoản của người đã khuất, đại diện ngân hàng giải thích: ‘‘Đối với người đã chết, theo khoản 1 Điều 40 của 'Một số quy định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc về việc thực hiện 'Quy định về quản lý tiết kiệm', người thừa kế của chủ tài khoản ngân hàng phải trải qua quá trình công chứng. Sau khi công chứng, có thể đặt lại mật khẩu và có thể rút tiền trong tài khoản."

Trong trường hợp này, việc bà Hoàng gửi nhầm 50.000 NDT xảy ra sau khi ông Ngôn qua đời. Vì vậy, số tiền này sẽ được chia theo các quy định thừa kế. Nếu muốn lấy lại 50.000 NDT đã gửi nhầm, bà Hoàng cần cung cấp giấy ủy quyền hoặc giấy chứng nhận quyền thừa kế do công chứng viên hay tòa án cấp, hoặc các loại giấy tờ có thể chứng minh người yêu cầu là người thừa kế hợp pháp.

Tuy nhiên, phía văn phòng công chứng lại cho biết vì số tiền 50.000 NDT vốn không phải là tài sản của ông Ngôn khi còn sống nên không thể công nhận đó là tài sản thừa kế. Ngoài ra, theo "Luật thừa kế" của Trung Quốc, tài sản thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Vì bà Hoàng đã ly hôn với ông Ngôn và ông Ngông không để lại di chúc nên bà không phải là người thừa kế hợp pháp của chồng cũ. Cuối cùng, vì bà Hoàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn để trở thành người thừa kế nên văn phòng công chứng cũng không xử lý thủ tục công chứng cho quyền thừa kế của bà.

Thời điểm đó, vụ tranh chấp giữa bà Hoàng và ngân hàng đã thu hút sự quan tâm của xã hội. Theo trang tin The Paper, sau thời gian dài kiện tụng, phía bà Hoàng cuối cùng đã thắng kiện và nhận được tiền bồi thường theo đúng yêu cầu. 

Một nửa dư luận khi đó cho rằng, các quy định và thủ tục liên quan đến chính sách tiền gửi và thừa kế của ngân hàng tại thời điểm đó quá rườm rà, dẫn đến nhiều khó khăn cho người dân. Số khác lại khẳng định nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ sơ suất của bà Hoàng khi gửi tiền. Nếu bà cẩn thận hơn thì đã không xảy ra sự việc rắc rối này. 

Theo The Paper 

Khuê Hiền 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày