Sắp đến ngày Tết Trung thu và thị trường bánh Trung thu lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trước vô vàn những loại bánh ngon, hấp dẫn và siêu bắt mắt, người tiêu dùng trở nên hoa mắt không biết đâu là loại bánh phù hợp nhất cho bản thân để vừa ăn ngon lại không mắc những bệnh tật đáng tiếc cũng như khả năng tăng cân ngoài ý muốn.
Cụ thể như sau:
Bánh Trung thu có đặc điểm chung là đều rất ngọt. Điều này khiến bệnh nhân tiểu đường, người béo phì đều cảm thấy khá e dè trước những loại bánh ngon lại bắt mắt này. Nhiều người không dám ăn bánh Trung thu vì sợ tình trạng bệnh thêm nặng hơn.
Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi, thực tế thì bệnh nhân tiểu đường, người thừa cân, béo phì vẫn có thể ăn bánh Trung thu, chỉ cần đảm bảo không được tự ý ăn, ăn một cách tùy tiện bất cứ loại bánh nào.
Chuyên gia nhận định, bánh Trung thu rất ngọt và loại đường được sử dụng để làm bánh thường là đường Saccarose, nếu nhóm đối tượng này ăn bánh Trung thu chứa đường Saccarose thì vô cùng nguy hiểm vì lượng đường huyết sẽ tăng đột biến, gây ảnh hưởng sức khỏe, với người tiểu đường dễ gặp biến chứng.
Thực tế thì bệnh nhân tiểu đường, người thừa cân, béo phì vẫn có thể ăn bánh Trung thu, chỉ cần đảm bảo không được tự ý ăn, ăn một cách tùy tiện bất cứ loại bánh nào.
Giải pháp:
- Chọn những hãng bánh Trung thu lớn, uy tín trên thị trường hiện nay với nhóm bánh dành cho người ăn kiêng. Điều này sẽ đảm bảo cho người tiểu đường, người béo phì… có thể ăn được bánh Trung thu mà không phải lo ngại gặp biến chứng đường huyết tăng hay tăng cân không kiểm soát, tăng mỡ máu...
- Mặc dù vậy, người tiểu đường, béo phì vẫn cần phải ăn bánh Trung thu điều độ, đúng cách. Tốt nhất nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trong từng trường hợp cụ thể, tránh những hậu quả không mong muốn.
Với đặc tính vừa ngọt vừa béo, bệnh nhân tim mạch cần phải cảnh giác cao độ với bánh Trung thu. Nguyên nhân là bởi trong nhân bánh Trung thu thường có nhiều thành phẩn thực phẩm như lạp xưởng, các loại thịt… và lại có thêm lượng đường lớn. Nếu ăn không đúng cách, bệnh nhân tim mạch rất dễ tăng cholesterol, sức khỏe tim mạch tổn hại nghiêm trọng chỉ sau một mùa bánh Trung thu.
Với đặc tính vừa ngọt vừa béo, bệnh nhân tim mạch cần phải cảnh giác cao độ với bánh Trung thu.
Giải pháp:
- Bệnh nhân tim mạch cũng cần hạn chế ăn bánh Trung thu, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ của mình trước khi ăn bất cứ loại bánh Trung thu nào.
- Nên ăn những loại bánh chay sẽ giúp đảm bảo sức khỏe hơn, thay vì những loại bánh chứa nhiều nhân thịt, lạp xưởng…
Nhiều người cho rằng, nếu mình không nằm trong nhóm người mắc bệnh hay phải ăn kiêng thì cứ tranh thủ ăn bánh Trung thu một cách tùy tiện khi nào mình thích. Điều này vô cùng nguy hiểm, là nguy cơ tiềm ẩn khiến bạn mắc bệnh sau này. Do đó, người khỏe mạnh bình thường cũng cần ăn bánh Trung đúng cách để đảm bảo sức khỏe.
Giải pháp:
- Đối với người lớn: Nếu ăn bánh Trung thu thì nên có kế hoạch giảm khẩu phần ăn hàng ngày xuống để cân bằng mức năng lượng hoạt động trong ngày. Ví dụ, nếu ăn một nửa chiếc bánh dẻo hoặc bánh nướng thì chúng ta nên bớt ăn một bát cơm vào ngày hôm đó.
- Đối với trẻ em: Chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh Trung thu sau mỗi bữa ăn là đủ. Không được ăn nhiều hơn, tránh nguy cơ mắc bệnh béo phì không mong muốn.
Ngoài những nguyên tắc cụ thể cho từng đối tượng, ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi khuyến cáo thêm, dù là ai đi nữa cũng cần dắt túi thêm một số bí kíp giúp bạn ăn bánh Trung thu vừa ngon lại vừa hạn chế chất béo đi vào cơ thể. Những nguyên tắc cụ thể đó là:
- Không nên ăn bánh Trung thu sau 7 giờ tối vì đây là thời điểm cơ thể ít vận động nhất, đường trong bánh dễ chuyển thành mỡ tích tụ trong cơ thể nhất.
- Dù mắc bệnh hay hoàn toàn khỏe mạnh cũng chỉ ăn một lượng bánh vừa đủ mỗi ngày để kiểm soát mức năng lượng trong cơ thể.
- Nên ăn bánh Trung thu cùng những thực phẩm khác để hạn chế hấp thụ chất béo vào cơ thể. Bạn có thể ăn bánh Trung thu và uống trà, sẽ giúp thúc đẩy tiêu hóa, giảm tích tụ chất béo trong cơ thể; hoặc ăn vài múi bưởi sau khi ăn bánh vì loại quả này giúp giảm cholesterol trong máu, giảm bớt năng lượng từ bánh Trung thu nạp vào cơ thể.